VnReview
Hà Nội

Lệnh trừng phạt mới nhắm vào Huawei chính là món quà đặc biệt của Mỹ dành cho Samsung & Apple

Từ tháng 5/2019, Huawei;chính thức nằm trong danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ, với cáo buộc nói dối về mối quan hệ của mình với Chính phủ Trung Quốc. Lâu nay, Mỹ luôn giữ quan điểm rằng, Huawei làm gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc thông qua các sản phẩm của mình.

Lệnh trừng phạt Huawei mới chính là món quà đặc biệt của Mỹ dành cho Samsung & Apple

Với việc Huawei là một trong những nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông lớn nhất và cũng là một trong các công ty smartphone phát triển nhanh nhất, ngay cả khi điện thoại của họ chưa bao giờ cập bến thị trường Mỹ, lý do đưa ra lệnh cấm đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này ngày càng trở nên hợp lý hơn. Chính Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, cấm Huawei hoạt động trong nước và ngăn cản các công ty Mỹ làm ăn với họ. Đây là một "cái tát đau đớn" đối với Huawei bởi họ khó có thể tiếp tục sử dụng Android trên những chiếc điện thoại của mình. "Ân huệ" tạm thời mà Mỹ đưa ra cho Huawei là cho phép công ty phát hành những bản cập nhật Android cho các thiết bị hiện có thời điểm đó.

Huawei chỉ còn cách "khoanh tay đứng nhìn". Họ không thể nhận trang thiết bị quan trọng từ Mỹ và các chiếc điện thoại của họ không thể truy cập vào những dịch vụ của Google, đồng nghĩa rằng, những ai mua một chiếc điện thoại Huawei được ra mắt sau này đều không thể sử dụng Play Store, YouTube, Gmail, Google Maps hay bất cứ dịch vụ nào khác của Google. Điều này làm giảm đáng kể sức hấp dẫn từ những chiếc điện thoại của công ty trên thị trường, bởi người dùng Android không thể sống thiếu các dịch vụ này.

Mỹ cũng gây áp lực với các đồng minh của mình trên toàn cầu, khuyên họ không nên để Huawei triển khai 5G ở quốc gia của mình. Úc là một trong những quốc gia đầu tiên làm theo lời khuyên này, và dù EU không cấm Huawei, thế nhưng, họ cũng khuyến khích các quốc gia hạn chế quyền truy cập của công ty vào hệ thống mạng lõi của mình. Cuối cùng, Anh đã cấm Huawei triển khai 5G, đồng thời cũng ra lệnh loại bỏ những thiết bị của Huawei ra khỏi mạng viễn thông trong nước. Một số thông tin tiết lộ, Samsung đang đàm phán với Chính phủ Anh hòng thay thế Huawei.

Kể từ đó, Mỹ đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hơn nữa đối với Huawei và không xem xét đình chỉ việc tạm thời cung cấp trước đó, đồng nghĩa rằng, những thiết bị cũng không thể nhận được các bản cập nhật Android nữa. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt mới nhất nhắm vào Huawei từ Tổng thống Trump đã khiến công ty không thể có được những con chip cho nhiều thiết bị của mình. Cụ thể, lệnh trừng pháp này nhắm đến các nhà sản xuất bán dẫn sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ trong quá trình hoạt động, buộc họ không được phép bán sản phẩm của mình cho Huawei, trừ khi có giấy phép từ Mỹ.

Samsung bán rất nhiều linh kiện cho Huawei, nhưng giờ đây, họ không còn có thể cung cấp chip DRAM, flash NAND cũng như màn hình OLED cho gã khổng lồ Trung Quốc được nữa. Công ty đã gửi yêu cầu đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ hòng xin giấy phép hoạt động kinh doanh với Huawei, nhưng hiện vẫn chưa có thông báo về thời điểm trả lời hoặc liệu có được chấp thuận hay không. Điều này có vẻ khó xảy ra bởi Mỹ dường như muốn gây áp lực tối đa lên Huawei. Chính điều đó đã mang đến cho Samsung cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ những thiết bị mạng 5G của mình ở Mỹ cũng như những nơi khác. Gần đây, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này đã thu về 6,6 tỉ USD nhờ vào hợp đồng cung cấp thiết bị cho Verizon.

Lệnh trừng phạt Huawei mới chính là món quà đặc biệt của Mỹ dành cho Samsung & Apple

Mọi thứ đã nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn với Huawei. Vì phần lớn bộ xử lý Kirin của họ đều do TSMC sản xuất, vốn cũng phải tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ, thế nên, xưởng đúc lớn nhất thế giới này không thể sản xuất chipset cho Huawei nữa. Huawei cũng đã làm với với nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC, nhưng công nghệ xử lý của họ không đủ tân tiến để sản xuất những con chip flagship. Một phương án khác cho Huawei là sử dụng các chipset tầm trung từ MediaTek cho những chiếc điện thoại của mình, nhưng do công ty chip này cũng phải tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ, thế nên, cả 2 đều phải từ bỏ hi vọng. Huawei cũng không thể mua RAM từ Samsung và SK Hynix – hai trong số những "ông trùm" lớn nhất trong ngành bộ nhớ. Sony cũng ngừng bán cảm biến hình ảnh của mình cho Huawei. Thế nhưng, dẫu nguồn cung ứng màn hình từ LG và Samsung đã tạm ngưng, ít nhất thì Huawei vẫn có thể dựa vào một số công ty sản xuất màn hình Trung Quốc.

Huawei xuất xưởng hàng trăm triệu chiếc điện thoại, thế nên, họ mua rất nhiều linh kiện từ các nhà cung cấp này. Samsung kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động kinh doanh linh kiện của mình, do đó, rõ ràng là họ sẽ không muốn dòng doanh thu này bị cắt đứt trong thời gian dài, nhưng họ có cơ hội tốt để tận dụng những rắc rối mà các đối thủ lớn nhất của mình đang gặp phải.

Trước khi gặp khó khăn, Huawei đã liên tục bám đuổi Samsung và Apple hòng khẳng định mình mới là nhà sản xuất thống trị. Huawei đã "đánh" Samsung ở nơi mà công ty bị tổn thương nhiều nhất. Họ tung ra những mẫu điện thoại có mức giá phù hợp tại nhiều thị trường trọng điểm và tung ra các chiếc điện thoại flagship cạnh tranh gay gắt với dòng Galaxy S và Note. Với những rắc rối đang gặp phải, ngoài dòng flagship phổ thông, Huawei cũng không thể tung ra chiếc điện thoại gập Mate X của mình ra thị trường, giúp Galaxy Fold cùng Galaxy Z Fold 2 chiếm lĩnh hoàn toàn sân chơi này. Nếu không phải chật vật để có thể tồn tại, khả năng cao, Huawei đã "tung hoành ngang dọc", trình làng rất nhiều thiết bị gập nhằm tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với Samsung.  

Apple cũng được hưởng lợi từ những rắc rối của Huawei. Dù Huawei chưa bao giờ phát hành những chiếc smartphone của mình ở Mỹ, thế nhưng, những chiếc điện thoại cao cấp của họ lại là "đối thủ sừng sỏ" của iPhone tại các thị trường béo bở trên khắp Châu Âu và Châu Á. Đây là số ít khu vực chứng kiến sự tăng trưởng trong doanh số của smartphone cao cấp. Và với việc áp lực từ Huawei ngày càng giảm bớt¸ giờ đây, Apple chỉ cần "để mắt" đến Samsung.

Sự tổn thương của Huawei còn tăng cao hơn khi mất đi niềm tin từ người tiêu dùng. Trừ khi sống tại Trung Quốc, bạn sẽ chẳng muốn sử dụng những chiếc điện thoại Android không có quyền truy cập vào các dịch vụ như Google Maps, YouTube, Google Play Store. Bạn cũng sẽ không chắc chắn tương lai của các bản cập nhật Android cho thiết bị. ZTE đã từng phải gánh chịu hậu quả tương tự khi bị Mỹ đưa đến bờ vực phá sản. Nếu điều này xảy ra với Huawei, một trong những công ty di động Trung Quốc có sức ảnh hưởng nhất, thì đó chắc chắn là một cơ hội tốt cho các nhà sản xuất smartphone khác.

Chúng ta có thể thấy hiệu ứng gợn sóng từ phép thử của Huawei đối với ngành. Nhiều khách hàng có xu hướng tránh xa các thiết bị từ những nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là với tuyên bố rằng các công ty công nghệ Trung Quốc cho phép chính phủ của họ theo dõi người dùng, hoặc đơn giản là họ không muốn quãng đời của thiết bị sẽ kết thúc ngắn ngủi trong trường hợp Chính phủ Mỹ quyết định đưa một mục tiêu khác vào tầm ngắm.

Samsung không phải đổi mặt với những rủi ro như vậy bởi các yếu tố địa chính trị tương tự sẽ không xảy ra giữa Mỹ và Hàn Quốc. Hai quốc gia này là đồng minh thất thiết và là một trong những tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc, Samsung rõ ràng sẽ không muốn làm đảo lộn mọi thứ. Đây là cơ hội hoàn hảo để Samsung giành lại thị phần đã mất vào tay Huawei tại những thị trường béo bở như Ấn Độ, hay thậm chí là tấn công Huawei ngay tại sân nhà Trung Quốc bằng các thiết bị gập.

Thời gian sắp tới sẽ cho chúng ta thấy Huawei khốn đốn thế nào khi số lượng smartphone xuất xưởng của họ dự kiến sẽ dần cạn kiệt vì lượng linh kiện mà họ dự trữ sẽ hết và không nhận được bất kỳ sự cứu trợ nào từ Mỹ. Cũng có khả năng vận đen của Huawei sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ diễn ra, nhưng chỉ trong trường hợp chiếc ghế Nhà Trắng được trao cho người khác. Nếu Tổng thống đương nhiệm vẫn giữ nguyên vị trí, nỗi đau của Huawei sẽ còn kéo dài.

Minh Hùng theo SamMobile

Chủ đề khác