VnReview
Hà Nội

Một thẩm phán Mỹ bác bỏ lệnh cấm WeChat của TT Trump

Thẩm phán Laurel Beeler đã chặn nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc cấm ứng dụng nhắn tin và thanh toán của Trung Quốc, WeChat, nói rằng lệnh cấm làm dấy lên những câu hỏi nghiêm trọng liên quan tới Tu chính án thứ nhất của hiến pháp, vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận.

Bộ Thương mại đã công bố lệnh cấm đối với WeChat, theo đó ứng dụng này không được xuất hiện trên các cửa hàng App Store kể từ đêm Chủ Nhật. Điều này tương đương với việc đóng cửa hoạt động của WeChat tại thị trường Mỹ.

Chính quyền ông Trump cáo buộc WeChat đe dọa tới an ninh quốc gia và nói ứng dụng này có thể giao nộp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Cả Wechat và Trung Quốc đều mạnh mẽ bác bỏ.

Tencent, tập đoàn khổng lồ sở hữu WeChat, trước đó tuyên bố lệnh cấm của Mỹ là "đáng tiếc".

Một thẩm phán Mỹ bác bỏ lệnh cấm WeChat của TT Trump

Phán quyết được đưa ra sau khi TikTok, một ứng dụng cũng bị nêu danh trong lệnh cấm của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, đạt được thỏa thuận hợp tác với các hãng Oracle và Walmart của Hoa Kỳ, qua đó hy vọng sẽ tiếp tục duy trì được hoạt động của TikTok ở Mỹ.

Bộ Tư Pháp đã yêu cầu không được chặn lệnh cấm trên, sau khi một nhóm người dùng WeChat đệ đơn kiện.

Bộ Tư pháp nói rằng việc chặn lệnh cấm sẽ "gây xáo trộn và làm hỏng quyết tâm của Tổng thống trong việc xử lý tốt nhất các mối đe dọa an ninh quốc gia".

Tuy nhiên, Thẩm phán Beeler từ San Francisco ghi nhận rằng "trong lúc có những bằng chứng tổng quan cho thấy mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan tới Trung Quốc là đáng để cân nhắc, nhưng bằng chứng cụ thể liên quan tới WeChat là rất khiêm tốn."

WeChat ra đời năm 2011. Đây là ứng dụng đa chức năng, cho phép người dùng gửi tin nhắn, thực hiện các khoản thanh toán trên điện thoại di động và dùng các dịch vụ địa phương khác. WeChat được miêu tả như "một ứng dụng cho mọi thứ" tại Trung Quốc và có hơn một tỷ người dùng hàng tháng.

Giống như tất cả các nền tảng truyền thông xã hội khác của Trung Quốc, WeChat phải kiểm duyệt nội dung mà chính phủ coi là bất hợp pháp. Hồi tháng Ba, theo nội dung một bản báo cáo thì WeChat đã kiểm duyệt các từ khóa liên quan tới việc bùng phát virus corona từ thời điểm có thể là 1/1/2020.

Tuy nhiên, WeChat nói rằng dịch vụ này sử dụng mã hóa, có nghĩa là những người khác không thể để rình rập theo dõi tin nhắn của bạn, và dòng các nội dung văn bản dạng chữ, file âm thanh và hình ảnh đều không được lưu trữ trên máy chủ của hãng, đồng thời đều được xóa bỏ một khi toàn bộ những người được gửi thông tin đã xem nội dung.

Nghĩa Hưng theo BBC News

Chủ đề khác