VnReview
Hà Nội

Nhật Bản dẫn đầu cuộc đua công nghệ pin khi nắm giữ trong tay 1/3 số bằng sáng chế toàn cầu

Panasonic và Toyota là hai hãng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp pin, trong khi Samsung và LG giúp Hàn Quốc chiếm vị trí thứ hai.

Nhật Bản vẫn là một "ông lớn" về cải tiến pin, với Panasonic, Toyota Motor, và nhiều cái tên khác đang nắm giữ hơn 1/3 số bằng sáng chế quốc tế thuộc lĩnh vực này.

Trong năm 2018, Nhật Bản đã đăng ký bằng sáng chế quốc tế cho 2.339 phát minh liên quan đến pin, nhiều gần gấp đôi so với quốc gia ở vị trí thứ hai là Hàn Quốc (1.230 bằng sáng chế) - theo một nghiên cứu của Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu và Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Nghiên cứu này đánh giá các bằng sáng chế được đăng ký ở hai hoặc nhiều quốc gia.

Hai nền kinh tế Đông Á hiện đang trong một cuộc chạy đua khốc liệt nhằm thống trị lĩnh vực pin, vốn là loại công nghệ tối quan trọng trong bối cảnh các phương tiện chạy điện và năng lượng tái tạo ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Trung Quốc đứng thứ 4 về số lượng bằng sáng chế, tiếp theo là Mỹ ở vị trí thứ 5. 38 quốc gia ký kết vào Hiệp ước Bằng sáng chế châu Âu.

Các công ty Nhật Bản chiếm đến 7/10 vị trí trong top 10 trong giai đoạn từ 2000 - 2018, nhưng Samsung Electronics của Hàn Quốc mới là hãng "vô địch" về số bằng sáng chế được đăng ký, chính xác là 4.787 phát minh. Nhà cung ứng pin cho Tesla, Panasonic, đứng thứ nhì với 4.046 phát minh, theo sau là LG Electronics với 2.999 phát minh.

Toyota đứng thứ 4. Hitachi, Sony, và các công ty Nhật Bản khác xếp ở các vị trí thấp hơn trong top 10.

Công cuộc cải tiến công nghệ pin đã bắt đầu diễn ra một cách sôi động trong hai thập kỷ trở lại đây. Các bằng sáng chế quốc tế dành cho 7.153 phát minh liên quan đến thiết bị lưu trữ điện năng đã được công bố trong năm 2018, tăng mạnh từ 1.029 trong năm 2000. Hầu hết hoạt động nghiên cứu đều tập trung vào pin.

Những cải tiến về công nghệ pin xoay quanh cell pin lithium-ion, vốn được sử dụng trên điện thoại di động và máy tính xách tay, chiếm 45% bằng sáng chế về cell pin trong năm 2018.

Các cell pin cải tiến sẽ cho phép các phương tiện chạy điện đi được xe hơn sau mỗi lần sạc. Công nghệ lưu trữ điện năng cũng sẽ giúp cải thiện độ tin cậy trong việc cấp phát điện năng cần thiết để bù đắp những biến động trong quá trình tạo điện mặt trời và gió.

Dù Nhật Bản dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế pin điện, số lượng phương tiện chạy điện tại quốc gia này hiện rất ít, chiếm một mức rất nhỏ trong thị trường xe hơi điện toàn cầu.

Trung Quốc, với 1,1 triệu xe hơi điện, chiếm một nửa thị trường toàn cầu trong năm 2019, trong khi thị phần của Nhật Bản chỉ ở mức 2% mà thôi.

Minh.T.T (theo Nikkei)

Chủ đề khác