VnReview
Hà Nội

Amazon Luna sẽ giống như dịch vụ truyền hình cáp cho trò chơi điện tử

Amazon;sẽ bán quyền truy cập nội dung trên các kênh của nhà phát hành trò chơi, giống với mô hình truyền hình trả phí.

Nền tảng trò chơi trên đám mây Luna của Amazon sẽ hoạt động giống với dịch vụ truyền hình cáp

Tại sự kiện thường niên về phần cứng cho Alexa, Amazon đã hé lộ dịch vụ trò chơi trên đám mây mới với tên gọi chính thức là Luna. Đây sẽ là đối thủ trực tiếp của Googla Stadia, Microsoft xCloud, Sony PlayStation Now, cùng một danh sách dài những dịch vụ tới từ các nhà phát hành game lớn, tất cả đều đang muốn thử nghiệm thực hoá ý tưởng truyền phát nội dung của trò chơi qua mạng Internet.

Nhưng trong phiên phỏng vấn đăng tải sau sự kiện ra mắt với Protocol, Marc Whitten, phó chủ tịch mảng thiết bị và dịch vụ giải trí của công ty này, đã làm rõ một vấn đề chưa được giải đáp trong buổi giới thiệu: mô hình kinh doanh. Và từ những gì ta có được từ cuộc phỏng vấn thì dịch vụ mới này sẽ giống như truyền hình cáp cho trò chơi điện tử vậy.

Cụ thể, Whitten đã trả lời với Protocol rằng Luna sẽ không đi theo mô hình của Stadia - không có phí dịch vụ nhưng yêu cầu người dùng phải trả tiền cho từng tựa game mà họ chơi, hoặc đăng kí gói Stadia Pro để được truy cập một thư viện nho nhỏ gồm một vài tựa game miễn phí và nhiều đặc quyền khác. Luna cũng sẽ không giống với xCloud - được tặng kèm với gói thuê bao Xbox Game Pass Ultimate. xCloud cho phép người dùng chơi hơn 100 tựa game có trên nền tảng Game Pass, nhưng hiện mới chỉ khả dụng cho người dùng Android.

Thay vào đó, Luna sẽ mang tới khái niệm "kênh" tương ứng với mỗi nhà phát hành, và hoạt động giống với nền tảng Amazon Channel - một tính năng cho phép người đã đăng kí gói thuê bao Primeđăng kí thêm các dịch vụ truyền hình riêng biệt để gói gọn lại trong một khoản thanh toán duy nhất, quản lí bởi Amazon. Dù hiện tại vẫn chưa có nhiều thông tin về mô hình này, nhưng có thể mỗi kênh sẽ đòi hỏi một mức phí khác nhau nhưng đi kèm với những đặc quyền và giới hạn riêng biệt. Luna sẽ sớm bước vào giai đoạn truy cập sớm (early access) giới hạn người dùng với số lượng kênh ban đầu là 2.

Kênh đầu tiên sẽ mang thương hiệu Amazon là Amazon Plus, giống với Stadia Pro ở khả năng truyền phát nội dung 4K và không giới hạn số giờ chơi, nhưng lại cho phép người dùng truy cập vào vài chục tựa game với mức giá chỉ là 5,99 USD mỗi tháng. Hiện vẫn chưa rõ là trong thư viện dịch vụ sẽ có những cái tên nào ngoài những tựa game đã được xác nhận khi ra mắt như Resident Evil 7 và Controlnhưng mô hình kinh doanh này sẽ đem lại cho Luna một chút lợi thế trước Stadia bởi người dùng sẽ không phải tự trả tiền cho hầu hết tựa game mà họ chơi. Luna sẽ không thu phí theo tựa game, người dùng chỉ cần đăng kí kênh để trải nghiệm toàn bộ nội dung trong đó.

Kênh thứ hai sẽ thuộc về nhà phát hành game lớn Ubisoft với những đặc quyền không kém gì Luna Plus (dù rằng Ubisoft giới hạn chỉ một luồng streaming ứng với mỗi tài khoản thay vì tối đa 2 luồng như của Luna Plus), cùng với khả năng truy cập hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ, thư viện nội dung khổng lồ của hãng này. Hiện Amazon chưa ké lộ mức giá cho kênh của Ubisoft nhưng có thể nó sẽ cao hơn Luna Plus và loanh quanh ở mức giá 14,99 USD của gói thuê bao UPlay Plus mà công ty này mới giới thiệu năm ngoái.

Hiện vẫn chưa rõ là các tựa game indie (độc lập) hay các nhà phát hành có quy mô không đủ lớn với lượng nội dung ít ỏi sẽ được thêm vào như thế nào, hay liệu đây có phải là lý do cho sự tồn tại của Luna Plus hay hay không. Một vấn đề nữa là cách mà các nhà phát hành đang hợp tác với cả nền tảng chơi game đám mây của đối thủ được đối xử trong tương lai. Một ví dụ chính là hãng Electronic Arts, dù đang tự phát triển nền tảng chơi game qua đám mây của riêng mình, những vẫn hợp tác với Microsoft trong gói thuê bao Xbox Game Pass. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy rất có thể hãng game này cũng sẽ xuất hiện trên nền tảng của Amazon.

Với những chi tiết trên thì làm gì có nhà phát hành nào lại không háo hức về nền tảng này đâu chứ? Mô hình mà Luna sử dụng nghe như một kiểu kinh doanh dễ sinh lời cho lĩnh vực trò chơi trên đám mây, đa phần là vì nó có cấu trúc giống với bối cảnh của ngành công nghiệp truyền hình hiện nay. Giống với đặc quyền được sử dụng Prime Video miễn phí khi trả tiền cho gói Amazon Prime, Amazon sẽ cho phép bạn chơi bất kì tựa game nào có trên nền tảng cloud gaming của mình, để đổi lấy khoản phí hàng tháng là 5,99 USD hoặc cao hơn sau khi đợt early access kết thúc.

Song song với đó, nếu muốn chơi thêm những tựa game tới từ các nhà phát hành khác, bạn sẽ chỉ phải mua quyền truy cập vào kênh của công ty ấy, giống như kiểu bạn mua gói thuê bao của HBO hay Netflix nhưng lại thông qua nền tảng của Amazon vậy. Khi ấy, Amazon sẽ xử lý hoá đơn, phân phối gói thuê bao, kèm theo một khoản chiết khấu nhỏ từ doanh thu hàng tháng cho việc quản lý hoạt động đăng kí tài khoản, và quan trọng hơn là duy trì dịch vụ Luna trên nền tảng điện toán đám mây AWS của mình. Cái mô hình hoạt động nêu trên rất giống với việc đăng kí một gói truyền hình cáp cơ bản và trả tiền cho những tiện ích bổ sung, hay như việc vừa đăng kí truyền hình cáp của Sling TV hoặc YouTube TV và vừa sử dụng kèm một tá những dịch vụ giải trí khác vậy.

Việc cảnh của Luna nghe thật đẹp đối với những nhà phát hành game đang muốn kiếm thêm doanh thu từ một kênh phân phối mới, nhưng nó cũng lại là tin xấu đối với những game thủ đang mong chờ ngày mà dịch cụ GeForce Now của Nvidia trở thành tiêu chuẩn. Dành cho những ai chưa biết thì GeForce Now cho phép người dùng chơi những tựa game mà họ đã sở mua từ Steam trên nhiều loại thiết bị khác nhau, trong đó có Mac và điện thoại Android.

Nhưng nền tảng này đang phải đối mặt với làn sóng phản đối từ các nhà phát hành game sau khi đợt beta kết thúc để bước sang giai đoạn thử nghiệm công khai có thu phí. Nguyên nhân đa phần là vì một số nhà phát hành không cấp phép cho Nvidia truyền phát tài sản trí tuệ từ máy chủ đám mây. Nhiều nhà phát hành đã lưng lại với nền tảng của Nvidia, nối tiếp động thái này bao gồm cả những cái tên đình đám như Activision Blizzard và Take-Two Interactive. Hoàn cảnh của GeForce Now cho thấy cách nhìn nhận về nền tảng cloud gaming của các công ty làm game, rằng đây là phương thức được xây dựng chủ yếu để bán nội dung cho khách hàng mới, chứ không phải là cách để đa dạng hoá phương thức giải trí đối với nhóm khách hàng cũ, những người đã bỏ tiền ra mua game từ trước đó.

Tất nhiên là cloud gaming vẫn còn đang trong đoạn sơ khai, đây cũng là lúc mà các nhà phát hành lớn liên tục thử nghiệm để tìm ra đâu là mô hình kinh doanh hiệu quả nhất. Với sự ra mắt của Luna và cách tiếp cận theo hướng kênh nội dung của Amazon, ta sẽ sớm được chứng kiến một canh bạc lớn về cách mà cấu trúc của hoạt động phân phối trò chơi điện tử được hình thành trong tương lai. Chỉ khác là lần này Amazon đang học tập mô hình đã thành công của các nền tảng truyền hình vốn có trên mạng Internet ngày nay. Liệu đây có phải là bước đi khôn ngoan hay không, điều này còn phải phụ thuộc vào việc người tiêu dùng đánh giá thế nào về lợi ích mà Luna mang lại.

Trung ND theo The Verge

Chủ đề khác