VnReview
Hà Nội

Đòn mới của Mỹ nhắm vào SMIC "đánh sập tham vọng tự chủ bán dẫn của Trung Quốc"

Trong bối cảnh kế hoạch tự chủ bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn đang dang dở, "đòn đánh" mới nhất của chính phủ Mỹ nhắm vào SMIC rõ ràng đang khiến giấc mộng của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc thêm xa vời.

Các nhà phân tích nhận định, các hạn chế mới nhất của Mỹ đối với công ty Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) sẽ giáng một đòn nặng nề vào tham vọng ;thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ mới đây đã quyết định áp đặt các lệnh hạn chế nhắm vào SMIC và cho rằng các sản phẩm chip của công ty có thể được sử dụng trong quân đội Trung Quốc. Với lệnh hạn chế này, các nhà cung cấp hợp tác với SMIC sẽ phải xin giấy phép từ Bộ thương mại Mỹ để bán công nghệ cho SMIC.

Arisa Liu, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết: "Việc đưa SMIC vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ sẽ giáng một đòn nặng nề vào kế hoạch phát triển ngành bán dẫn của Trung Quốc. Mỹ đang thực hiện chiến lược ngăn chặn các công ty chủ chốt của Trung Quốc và buộc họ phải dừng các dây chuyền sản xuất tiên tiến".

Stewart Randall, trưởng bộ phận điện tử và phần mềm tại Intralink cho rằng, việc mất đi sự hỗ trợ sẽ khiến các công ty bị Mỹ trừng phạt phải gồng mình lên bằng tất cả mọi thứ họ có.

Theo Reuters, phía Mỹ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với mối quan hệ giữa SMIC với quân đội Trung Quốc. Nhưng đáp lại, SMIC liên tục phủ nhận mọi sự dính líu tới quân đội nước này.

Một người phát ngôn của công ty nhấn mạnh: "Chúng tôi nhắc lại rằng, SMIC không sản xuất bất kỳ thiết bị nào cho quân đội Trung Quốc". Đồng thời người này cho biết chưa nhận được thông tin về các hạn chế của Mỹ thông qua các kênh chính thức nào.

Các hạn chế được đưa ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Giờ đây cuộc chiến giữa hai bên không còn đơn thuần là các lệnh trừng phạt kinh tế ăn miếng, trả miếng mà là các đòn đánh vào công nghệ, một trong những lĩnh vực chủ lực của mọi nền kinh tế.

Lệnh hạn chế của Mỹ đã khiến Huawei lao đao suốt hơn một năm nay. Hãng công nghệ Trung Quốc dù rất cố gắng tìm kiếm nguồn cung thay thế nhưng liên tiếp bị các lệnh trừng phạt bổ sung chặn mọi con đường thoát thân. Giờ đây, tất cả các đối tác từ nước ngoài lẫn trong nước đều quay lưng với Huawei chỉ vì họ phải xin giấy phép từ phía Mỹ trước khi cung cấp chip cho Huawei.

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, lệnh cấm Huawei có thể sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, vốn vẫn còn yếu thế trước các đối thủ nước ngoài.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co hay SMIC được coi là lá cờ đầu của Trung Quốc trong việc phát triển các quy trình bán dẫn và giúp nước này dần thu hẹp khoảng cách với các đối thủ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Người thành lập SMIC là Richard Chang, người từng làm việc nhiều năm tại hãng bán dẫn nước Mỹ Texas Instruments.

Thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn đối với ngành bán dẫn toàn cầu. Trong năm ngoái, nước này đã nhập khẩu số chip trị giá hơn 44 tỷ USD và hứa hẹn sẽ còn tăng mạnh khi với ngày càng có nhiều thiết bị điện tử công nghệ mới ra đời.

Vào tháng 7, SMIC đã công bố kế hoạch xây dựng một xưởng đúc trị giá 7,6 tỷ USD tại Bắc Kinh, tập trung vào quy trình 28nm và các quy trình tiên tiến hơn. SMIC đặt mục tiêu sản xuất khoảng 100.000 tấm wafer 12 inch mỗi tháng.

Eric Tseng, CEO công ty nghiên cứu chất bán dẫn Isaiah Capital & Research có trụ sở tại Đài Loan cho biết: "Kế hoạch mở rộng quy trình 28nm của SMIC có thể sẽ bị chậm lại và quy trình 10nm dự kiến ​​sản xuất với số lượng lớn vào năm 2021 cũng vậy".

Tuy nhiên, nhà phân tích đến từ công ty nghiên cứu chất bán dẫn Icwise có trụ sở tại Thượng Hải tỏ ra ít bi quan hơn. Ông cho rằng còn quá sớm để đưa ra các phỏng đoán về tác động của lệnh trừng phạt mới nhất đối với SMIC bởi lẽ các hoạt động sản xuất của hãng vẫn đang diễn ra bình thường.

Tiến Thanh theo SCMP

Chủ đề khác