VnReview
Hà Nội

Được thuê tháo rời iPhone, iPad, Watch, đối tác tái chế của Apple lại tuồn máy ra thị trường

Apple đang kiện đối tác tái chế cũ, GEEP Canada - hiện là một bộ phận của Quantum Lifecycle Partners, với cáo buộc ăn cắp và bán lại ít nhất 103.845 chiếc iPhone, iPad và Apple Watch mà họ được thuê để tháo rời ra.

Apple kiện đối tác tái chế vì đã bán hơn 100.000 iPhone, iPad và Apple Watch mà họ thuê để tháo ra

Theo thông tin từ The Logic, trong phần đơn khiếu nại, Apple tiết lộ: "Có ít nhất 11.766 pound thiết bị Apple đã rời khỏi cơ sở của GEEP mà chưa bị tiêu hủy – một sự thật mà chính GEEP cũng đã thừa nhận."

Theo The Logic, Apple đã gửi cho công ty tái chế này hơn 500.000 chiếc iPhone, iPad và Apple Watch trong khoảng thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2017. Khi thực hiện một cuộc điều tra, Apple đã phát hiện ra 18% trong số các thiết bị đó vẫn đang truy cập internet thông qua mạng di động. 18% đó chưa tính đến các thiết bị của Apple không có kết nối di động không dây, thế nên, có khả năng, tỉ lệ những thiết bị được tuồn ra bán lại thậm chí còn cao hơn.

Apple đang tìm cách thu về ít nhất 31 triệu CAD (tương đương 22,7 triệu USD) từ đối tác cũ của mình. Công ty tái chế này phủ nhận tất cả các hành vi sai trái, nhưng không phủ nhận đã có hành vi trộm cắp. Họ đã đệ đơn kiện bên thứ 3, tuyên bố 3 nhân viên đã âm thầm lấy trộm thiết bị. Apple không đồng thuận với lập luận đó, cho rằng những nhân viên này thực chất chính là các quản lý cấp cao của GEEP.

Apple kiện đối tác tái chế vì đã bán hơn 100.000 iPhone, iPad và Apple Watch mà họ thuê để tháo ra

Robot tái chế Daisy của Apple có thể tháo gỡ 9 mẫu iPhone khác nhau để thu hồi các vật liệu giá trị

Năm ngoái, con người đã để lại một lượng rác thải điện tử kỷ lục, lên đến 53,6 triệu tấn điện thoại, máy tính, thiết bị gia cũng cũng như những thiết bị khác bị loại bỏ. Giống như các công ty công nghệ khác, Apple đang cố gắng cải thiện những hoạt động môi trường của mình, bao gồm nỗ lực chuyển đồ tái chế của riêng mình bằng các robot tháo rời Daisy và Dave tự phát triển, vốn được thiết kế để phục hồi các thành phần iPhone mà những đơn vị tái chế truyền thông không thể làm được.

Tuy nhiên, công ty vẫn dựa vào các đối tác khác để phục hồi nhiều vật liệu có giá trị từ những thiết bị đã qua sử dụng, và từ năm 2015 đến 2018, GEEP Canada là một trong số các công ty đó. Mặc dù vậy, tân trang và bán lại thiết bị cũng là một phần hoạt động kinh doanh của GEEP: dẫu công ty cung cấp nhiều dịch vụ quản lý chất thải điện tử, họ cũng tuyên bố rõ ràng trên trang web riêng rằng sứ mệnh của mình là "khuyến khích sử dụng lại bất cứ khi nào có thể".

Nhưng theo quan điểm của Apple, việc bán lại những thiết bị này không phải là một điều phù hợp. Những sản phẩm được bán lại trên thị trường phi chính thức có thể sẽ không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng hoặc an toàn của Apple. Táo khuyết cho The Verge biết rằng: "Những sản phẩm được gửi đi tái chế không còn đủ điều kiện để bán cho người tiêu dùng, và nếu chúng được chế tạo với những bộ phận giả mạo, chúng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sự an toan, bao gồm cả lỗi điện hoặc pin."

Apple nộp đơn khiếu nại vào hồi tháng 1/2020, nhưng họ đã biết về các vụ trộm này khi phát hiện sự hoạt động của những thiết bị đó từ năm 2017 đến năm 2018. Kể từ đó, Apple không còn hợp tác với GEEP Canada nữa.

Minh Hùng theo The Verge

Chủ đề khác