VnReview
Hà Nội

Vì sao Apple bị các đối tác quay lưng, nhất loạt phản đối mức thu phí 30%?

Ngày càng nhiều công ty đứng lên phàn nàn về mức thu phí 30% mà Apple đang áp dụng, trong khi chẳng có lấy một ai bênh vực công ty. Vì đâu nên nỗi?

Danh sách những công ty "hục hặc" với Apple ngày một dài, những cái tên nổi tiếng nhất gồm có Facebook, Spotify, Epic Games,... tất cả đều chỉ trích công ty đang lợi dụng vị thế độc quyền của App Store để trục lợi cho bản thân, triệt tiêu sức cạnh tranh trên thị trường ứng dụng iOS và o ép các nhà phát triển đủ đường.

App Store tạo ra ít nhất 15 tỷ USD doanh thu hàng năm cho công ty Mỹ, theo các nhà phân tích cho hay. Để có được con số doanh thu trong mơ này, Apple đã chiếm giữ cánh cổng duy nhất để các nhà phát triển tiếp cận với người dùng, sau đó chèn ép họ hòng lấy một phần doanh thu của ứng dụng. Theo cách nhìn nhận này, Apple giống như hoạt động bảo kê, nếu không muốn mất khách hàng thì buộc phải trích phần trăm cho hãng.

App Store là "mỏ vàng" của Apple (ảnh: iStock)

Tất nhiên Apple không đồng ý với cách nhìn nhận của phe phản đối. Hãng một mực khẳng định mức thu phí đang áp dụng chỉ là một khoản nhỏ đối với gần 2 triệu ứng dụng trên App Store. Hãng cũng nhấn mạnh, họ không hề thu phí cao hơn các chợ ứng dụng khác.

"Thuế Apple"

Apple lấy 30% doanh thu của các ứng dụng trả phí, cũng như các hàng hóa kỹ thuật số phát sinh trong ứng dụng. Có vô số các công ty phàn nàn về mức phí này là cao quá mức, đồng thời thúc giục Apple cho phép đưa thêm những cổng thanh toán khác vào ứng dụng để thực hiện các giao dịch kỹ thuật số. Ngược lại, Apple cho rằng khoản phí 30% tương đương với các chợ Play Store của Google và Galaxy Store của Samsung. Chưa kể, họ viện dẫn lý do cần chi tiêu cho các hoạt động bảo mật, duy trì quyền riêng tư đối với dữ liệu khách hàng.

Công ty đứng sau trò chơi 'Fortnite' đã dũng cảm đứng lên thách thức Apple (ảnh: Sony)

Một trong những động thái mạnh mẽ nhất là của Epic Games. Công ty đã cố thuyết phục Apple cởi mở hơn với App Store hòng mưu cầu một thị trường ứng dụng cạnh tranh. Tuy nhiên Apple không đồng ý, và thế là Epic tự ý đưa công cụ thanh toán của riêng họ vào trò chơi Fortnite. Rất nhanh chóng, Apple xóa bỏ ứng dụng khỏi App Store, tố Epic đã vi phạm quy định.

Giờ thì cả hai đang kiện tụng nhau tại tòa. Các phán quyết gần đây của thẩm phán cho phép Apple tiếp tục cấm cửa Fortnite, tuy nhiên ngăn chặn hành vi khóa tài khoản nhà phát triển của Epic do lo ngại những hệ lụy tiếp nối khác.

Ai phải chịu khoản phí 30%?

Apple lấy 30% phí giao dịch trên App Store là nhắm trực tiếp vào các hàng hóa kỹ thuật số và dịch vụ. Ví dụ, một khách hàng mua khẩu súng trong Fortnite với giá 10 USD, sẽ có 3 USD tương ứng 30% được giữ lại ở chỗ Apple trước khi chuyển tới cho Epic Games. Tuy nhiên, hàng hóa vật lý như một cốc cà phê của Starbuck thì không bị tính phí.

Các công ty như Netflix và Spotify đều tìm cách né tránh đóng phí 30% cho Apple (ảnh: hardware)

Đối với thuê bao, Apple giảm xuống còn 15% sau một năm đầu tiên. Ngoài ra, công ty Mỹ còn thu phí hàng năm đối với các nhà phát triển, ngoại trừ các đối tượng là những tổ chức phi lợi nhuận hay cơ quan chính phủ.

Một số công ty đã tìm cách lách luật để né khoản "thuế 30%" này từ lâu. Netflix hay Spotify là các ví dụ tiêu biểu, họ bán các gói thuê bao trên nền web và Apple không thể làm gì để thu phí các giao dịch bên ngoài App Store. Tuy nhiên, công ty Mỹ cấm các hãng này nhắc nhở người dùng trong ứng dụng một cách công khai về việc thanh toán ở bên ngoài, nhằm đăng ký thuê bao.

Một quy tắc khác là các nhà phát triển cũng không được nói với khách hàng rằng họ đang phải bán mức giá cao hơn, chỉ vì khoản phí 30% khiến giá vật phẩm bị đội lên. Đây được xem là một quy tắc rất vô lý của Apple khi người dùng không biết rõ tiền thanh toán của mình sẽ "chảy" về đâu, mặc định họ cho rằng nhà phát triển được lấy hết mà không biết đến khoản phí 30%.

Epic Games cho rằng mức thu 30% là quá cao đối với các nhà phát triển và người tiêu dùng (ảnh: Ad Age)

Một số công ty cung cấp những mặt hàng như khóa học nấu ăn từ xa, không may cũng thuộc diện "thu thuế" của Apple. Mới đây, Airbnb đã phàn nàn rằng Apple muốn cắt giảm doanh thu của họ bằng cách thu phí những hàng hóa kia.

Cạnh tranh trực tiếp với Apple trên nền tảng App Store

Rất nhiều công ty lại phản đối Apple vì cạnh tranh trực tiếp với họ. Apple bị cho là đã lợi dụng vị thế độc quyền trên App Store, ưu tiên các ứng dụng của mình lên trước đối thủ hòng tiếp cận khách hàng tiềm năng sớm hơn.

Spotify là công ty lên án mạnh mẽ nhất việc này, đã nộp cả đơn khiếu nại lên Ủy ban Châu Âu vào năm ngoái. Hãng tố cáo Apple cạnh tranh không lành mạnh với dịch vụ stream nhạc, từ việc thu phí 30% khiến giá sản phẩm của họ bị đội lên, trong khi phía Apple Music là "con đẻ" Apple nên đương nhiên không phải chịu khoản phí này. Mới đây, gói Apple One cũng bị Spotify tố là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh.; Người phát ngôn của hãng Thụy Điển bày tỏ quan ngại khi Apple lợi dụng vị thế độc quyền App Store, sức mạnh trên thị trường ứng dụng, hòng dồn ép các đối thủ cạnh tranh.

Spotify liên tục chỉ trích Apple "chơi không đẹp" (ảnh: TechCruch)

Về phía Apple, đương nhiên hãng phủ nhận mọi cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh của Spotify. Công ty Mỹ cho rằng gói Apple One chỉ đơn giản là một cách giúp khách hàng tiết kiệm chi tiêu, đăng ký nhiều dịch vụ cùng lúc mà không bị tính phí quá cao.

Một số hãng khác cũng phàn nàn về các chính sách trên App Store thiếu công bằng. Microsoft, Facebook, Match Group (sở hữu Tinder), Audiobooks, đều công khai phản đối Apple, cho rằng hãng ngày càng lạm dụng vị thế độc quyền trên App Store để gây khó dễ cho các công ty khác. 

Nhiều cơ quan chính phủ khác như Quốc hội, Bộ Tư pháp, Liên minh Châu Âu và Ủy ban Thương mại Liên bang cũng bày tỏ lo ngại Apple đang độc quyền, triệt tiêu sự cạnh tranh trên thị trường ứng dụng iOS. 

Taylor Swift từng công khai chỉ trích chính sách của Apple Music là bất công với các nghệ sĩ (ảnh: Apple)

Có ai chống lại Apple thành công hay chưa?

Năm 2015, ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift đã phàn nàn rằng ba tháng dùng thử dịch vụ Apple Music có nghĩa là nghệ sĩ không được trả tiền, mặc dù bài hát của họ vẫn được stream đều đặn trên dịch vụ. Sau đó Apple đã phải thay đổi chính sách, chấp nhận trả tiền cho nghệ sĩ kể cả khi khách hàng đang dùng thử miễn phí, không phải thanh toán.

Amazon cũng là một đơn vị thành công khác khi chống lại chính sách Apple. Năm 2016, công ty ký một thỏa thuận với Apple cho phép mức phí năm đầu tiên với dịch vụ thuê bao của họ chỉ là 15%, thay vì 30% như với các ứng dụng khác. Tháng Tư, Amazon bắt đầu sử dụng hệ thống thanh toán của riêng mình để xử lý giao dịch của Prime Video.

Ambitious Man

Chủ đề khác