VnReview
Hà Nội

Mỹ xem xét đưa Ant Group của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đệ trình một bản dự thảo lên Tổng thống Donald Trump nhằm đưa Ant Group của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại trước khi công ty công nghệ tài chính này chính thức lên sàn chứng khoán.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào các cơ quan chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm đưa ra quyết định đưa một công ty vào danh sách đen (gọi là Entity List) sẽ xem xét dự thảo.

Động thái mới được đưa ra trong bối cảnh nhiều thành viên cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền Trump đang tìm cách gửi đi một thống điệp nhằm ngăn các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào phiên IPO của Ant Group. Phiên IPO kép ở cả hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong có thể mang lại cho Ant Group một khoản tiền kỷ lục lên đến 35 tỷ USD.

Chưa hết, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã sắp sửa diễn ra (ngày 3/11), và Tổng thống Donald Trump - vốn đang bị dẫn trước về kết quả thăm dò bởi đối thủ Joe Biden - đã liên tục đưa ra quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, xem đó như một nền tảng chính sách đối ngoại quan trọng.

Các quan chức trong chính quyền Trump lo ngại Ant có thể tạo cơ hội cho chính phủ Trung Quốc truy cập đến dữ liệu ngân hàng nhạy cảm thuộc về người dùng Mỹ.

Bộ Ngoại giao chưa đưa ra bình luận nào đối với vụ việc. Ant, một công ty con thuộc gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group, từ chối bình luận, nhưng trong một bài phỏng vấn với Reuters đã nói rằng chỉ có 5% hoạt động kinh doanh của công ty diễn ra bên ngoài phạm vi Trung Quốc mà thôi.

Danh sách đen, vốn được lập ra nhằm gây khó khăn cho các công ty Mỹ trong việc buôn bán các vật phẩm công nghệ cao cho các công ty trong danh sách, đã trở thành một công cụ mà chính quyền Trump lựa chọn để trừng phạt các công ty Trung Quốc, dù rằng tác động trên thực tế của nó đôi lúc còn khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi.

Dù ngăn cấm tiếp cận đến công nghệ Mỹ gây ra nhiều vấn đề cho các công ty như gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies (bị đưa vào danh sách vào tháng 5/2019), tác động của nó lên một gã khổng lồ công nghệ tài chính như Ant Group nhiều khả năng chỉ mang tính biểu tượng mà thôi.

Chính quyền Trump cho đến thời điểm này hầu như tránh sử dụng những công cụ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, như đóng băng tài sản tại Mỹ, mà theo nhiều chuyên gia nhận định là nhờ vào lập trường chủ hoà đối với Bắc Kinh của Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin.

Ant là công ty thanh toán di động hàng đầu Trung Quốc, cung cấp các dịch vụ cho vay, thanh toán, bảo hiểm, và quản lý tài sản thông qua các ứng dụng di động. Đặt trụ sở tại Hàng Châu, Ant hiện do Alibaba Group sở hữu 33% và được kiểm soát bởi nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma.

Nền tảng thanh toán Alipay của Ant, như nền tảng WeChat của Tencent, được sử dụng chủ yếu bởi công dân Trung Quốc với các tài khoản Nhân dân tệ. Hầu hết hoạt động tương tác liên quan đến Mỹ đến từ việc các thương gia chấp nhận thanh toán của du khách và các doanh nghiệp Trung Quốc tại đây.

Thượng nghị sỹ Marco Rubio, người đã thành công trong việc thúc giục chính quyền Trump theo đuổi các cuộc điều tra nhằm vào các công ty Trung Quốc, hồi tuần trước đã kêu gọi chính phủ Mỹ xem xét các lựa chọn nhằm trì hoãn phiên IPO của Ant Group - một dấu hiệu cho thấy những áp lực đang được đặt ra ngày một mạnh mẽ hơn nhằm triệt hạ công ty này.

Uỷ ban đánh giá người dùng cuối, vốn là cơ quan quyết định công ty nào sẽ bị đưa vào danh sách, bao gồm các bộ như Ngoại giao, Quốc phòng, Năng lượng và Thương mại. Bộ Quốc phòng và Thương mại đã từ chối bình luận, trong khi bộ Năng lượng chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Phiên IPO của Ant Group tại Hong Kong được tài trợ bởi China International Capital Corp, Citigroup, JPMorgan và Morgan Stanley. Credit Suisse sẽ đóng vai trò điều hướng toàn cầu. Goldman Sachs cũng tham gia.

Tuy nhiên, việc phê duyệt cho phiên IPO này đã bị trì hoãn.

Hôm thứ ba, Reuters đưa tin rằng các cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đang xem xét một vấn đề xung đột tiềm tàng trong kế hoạch lên sàn chứng khoán của Ant Group.

Minh.T.T (Tham khảo;Nikkei)

Chủ đề khác