VnReview
Hà Nội

Mặc cho COVID-19, Trung Quốc vẫn đều đặn tạo ra tỷ phú cho thế giới

Trung Quốc đã bổ sung thêm 257 tỷ phú đô-la vào danh sách 621 tỷ phú hiện có tính đến tháng 8 vừa qua.

Đó là thông tin được biết từ Danh sách Người giàu Trung Quốc vừa được công bố hôm thứ ba (20/10) vừa qua - một danh sách thường niên nhằm theo dõi mức độ giàu có của giới siêu giàu nước này trong suốt 22 năm trở lại đây. Tổng cộng, Trung Quốc có 878 tỷ phú, con số cao nhất từng thấy trong lịch sử quốc gia đông dân nhất thế giới. Vào năm 1999, Trung Quốc không hề có vị tỷ phú nào!

Theo danh sách, Trung Quốc hiện có 2.398 cá nhân với tài sản ròng ước tính vượt mức 2 tỷ Nhân dân tệ (290 triệu USD) - mức tối thiểu để được đưa vào danh sách. Tổng giá trị tài sản của những người giàu được liệt kê lên đến 4 nghìn tỷ USD, tương đương với GDP của Đức, tăng từ 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2019.

Trung Quốc lần đầu vượt mặt Mỹ về số lượng tỷ phú vào năm 2015 và nay đã có số tỷ phú nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới - theo Hurun, tổ chức duy trì danh sách. Mỹ hiện có khoảng 700 tỷ phú.

"Thế giới chưa bao giờ chứng kiến lượng tài sản lớn như thế này được tạo ra chỉ trong một năm. Các doanh nhân Trung Quốc đã làm tốt hơn nhiều so với kỳ vọng. Mặc cho Covid-19, họ đã trỗi dậy và đạt mức kỷ lục" -;Chủ tịch Hurun, Rupert Hoogewerf, nói. Một loạt các sự kiện lên sàn chứng khoán, cùng với sự bùng nổ của thị trường này, đã giúp tạo ra các tỷ phú mới - ông nói thêm.

Phần nhiều các tỷ phú trong danh sách hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Jack Ma, cựu sáng lập và CEO Alibaba, năm thứ ba liên tiếp giữ vững vị trí số một trong danh sách với mức tài sản ròng gần 60 tỷ USD, tăng 45% so với năm ngoái, trong bối cảnh công ty công nghệ tài chính Ant Financial của ông sắp sửa thực hiện một thương vụ IPO đình đám và công việc kinh doanh của Alibaba đang thuận lợi hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Pony Ma, CEO của Tencent - một trong các đối thủ đáng gờm của Alibaba - xếp thứ hai trong danh sách với tài sản ròng 57,4 tỷ USD.

Pony Ma (trái) và Jack Ma (phải)

Nhìn chung, các kết quả nêu trên đã vẽ nên một bức tranh ấn tượng cho thấy sự hồi phục thần tốc của kinh tế Trung Quốc sau Covid-19. Dù giới phê bình từng lo ngại đại dịch có thể trở thành "sự kiện Chernobyl" của Trung Quốc khi mà số lượng tử vong quá cao cùng sự bất mãn ngày càng gia tăng của người dân Trung Quốc đối với cách xử lý của chính phủ giữa đỉnh dịch, Bắc Kinh vẫn đứng vững nhờ nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh hữu hiệu.

Hôm qua, Trung Quốc cũng đã công bố mức tăng trưởng GDP 4,9% trong quý III/2020 nhờ quá trình hồi phục trong sản xuất công nghiệp và lĩnh vực bán lẻ, so với mức giảm 6,8% và sau đó là tăng trưởng 3,2% trong lần lượt quý I và II/2020. Một yếu tố quan trọng góp phần vào sự phục hồi thần kỳ này xuất phát từ việc sự tự tin của người tiêu dùng đã được cải thiện, người dân Trung Quốc nay đã sẵn sàng để mua sắm và đi lại một cách thoải mái. Sự tự tin này thể hiện rõ nét nhất trong 8 ngày nghỉ lễ hồi đầu tháng 10 vừa qua của Trung Quốc, khi mà có tổng cộng 637 triệu chuyến du lịch đã được thực hiện trong phạm vi quốc gia này.

Dẫu vậy, có ý kiến cho rằng khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc đang ngày càng rộng hơn trong đại dịch, với người giàu hồi phục nhanh chóng, còn người nghèo thì tiếp tục gặp khó khăn khi thiếu sự hỗ trợ về tài chính.

Minh.T.T theo YahooNews

Chủ đề khác