VnReview
Hà Nội

Ông Trump nói cấm TikTok xong quên mất, đến cả TikTok cũng không biết phải làm gì tiếp

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ đã cho TikTok hạn chót để bán các tài sản tại Mỹ là vào cuối tuần này.

TikTok vừa đệ đơn lên Toà kháng cáo Mỹ nhằm kêu gọi đánh giá lại các hành động của Uỷ ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) của chính quyền Trump. Lý do, theo công ty đưa ra, là họ vẫn chưa nghe thêm tin tức gì từ uỷ ban này trong suốt nhiều tuần liền về hạn chót để công ty mẹ ByteDance bán hết tài sản tại Mỹ do những quan ngại về an ninh quốc gia.

Trước đó, CFIUS đã đưa ra hạn chót để TikTok bán "bất kỳ tài sản hữu hình hay vô hình, bất kể ở đâu, được sử dụng để tạo điều kiện hoặc hỗ trợ cho hoạt động điều hành ứng dụng TikTok tại Mỹ của ByteDance";là vào ngày 12/11 tới đây. TikTok cho biết họ đã đệ trình đơn xin kéo dài hạn chót thêm 30 ngày nữa, nhưng chưa nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan vấn đề này. Chính vì vậy, bản thân công ty cũng không biết điều gì sẽ xảy ra một khi đã đến hạn chót ban đầu. Vào cuối tháng trước, TikTok đã nhận được một sắc lệnh sơ bộ bảo vệ công ty trước hạn chót này.

"Trong suốt năm qua, TikTok đã chủ động liên hệ với CFIUS với thái độ cầu thị nhằm giải quyết những vấn đề về an ninh quốc gia, thậm chí cả khi chúng tôi không đồng ý với yêu cầu của họ", TikTok nói. "Trong gần hai tháng kể từ khi Tổng thống đưa ra sắc lệnh sơ bộ chấp thuận cho chúng tôi tìm cách giải quyết những quan ngại đó, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp chi tiết để hoàn thiện thoả thuận - nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào về các giải pháp bảo mật và bảo vệ dữ liệu riêng tư của mình cả".

"Trước những yêu cầu mới được đưa ra một cách liên tục và không biết liệu những giải pháp đề xuất của chúng tôi có được chấp thuận hay không, chúng tôi đề nghị được kéo dài thêm 30 ngày như đã đề cập trong sắc lệnh ngày 14/8" - TikTok nói tiếp. "Hôm nay, khi hạn chót 12/11 của CFIUS gần đến và chưa nhận được chấp thuận kéo dài, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc đệ trình lên toà đơn để bảo vệ quyền lợi của mình và của hơn 1.500 nhân viên tại Mỹ. Chúng tôi vẫn cam kết hợp tác với Chính quyền - như từ trước đến nay - để giải quyết các vấn đề đã đề ra, nhưng đơn của chúng tôi hôm nay được xem là một biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo những cuộc thảo luận có thể tiếp tục diễn ra".

ByteDance đã đồng ý bán một phần mảng kinh doanh tại Mỹ trong một thoả thuận phức tạp với Oracle và Walmart, vốn đã được Tổng thống Trump chấp thuận hồi tháng 9. Nhưng thoả thuận này không bao giờ được chính phủ Trung Quốc thông qua, và chưa có dấu hiệu thực hiện từ đó đến nay.

Minh.T.T theo TheVerge

Chủ đề khác