VnReview
Hà Nội

Samsung thách thức vị trí vững chắc của Sony trên thị trường cảm biến hình ảnh

Samsung Electronics đang thách thức vị trí vững chắc của Sony trong thị trường cảm biến hình ảnh cho smartphone trên toàn cầu, đặc biệt là khi những rủi ro địa chính trị liên quan đến gã khổng lồ Huawei của Trung Quốc đang thay đối cục diện cạnh tranh.

Samsung đang thách thức vị trí vững chắc của Sony trên thị trường cảm biến hình ảnh

Sony, vốn đang chiếm hơn 1 nửa thị trường, đã ưu tiên cung cấp cảm biến hình ảnh cho Huawei cũng như những nhà sản xuất smartphone hàng đầu khác. Nhưng chiến lược đó đã phản tác dụng.

Sự cạnh tranh về những chiếc smartphone 5G tăng lên, và những cuộc chiến tranh giành ngôi vị dẫn đầu trong thị trường cảm biến hình ảnh cũng ngày càng trở nên gay gắt hơn.

"Sony duy trì lập trường thận trọng, trong khi Samsung đang tập trung tấn công đầu tư như thể bây giờ là cơ hội của họ", một quan chức của một nhà cung cấp thiết bị liên quan đến quá trình sản xuất cảm biến hình ảnh cho biết. "Hai công ty đang thể hiện những động thái hoàn toàn khác nhau".

Bình luận này được đưa ra sau khi nhà cung cấp này nhận được một lượng lớn đơn đặt hàng từ Samsung hồi tháng 9 và tháng 9.

"Đó không phải là điều chúng tôi mong đợi", một giám đốc điều hành của Sony cho biết khi đề cập đến những hạn chế do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra đối với Huawei vào ngày 15/09.

Cho đến nay, Sony đã đầu tư rất tích cực trong quá trình sản xuất cảm biến hình ảnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, bao gồm cả việc công bố kế hoạch xây dựng 1 nhà máy mới ở Nagasaki Prefecture.

Mới đây, Sony đã được chính phủ Mỹ cấp giấy phép tiếp tục hợp tác với Huawei. Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận, Sony vẫn rất thận trọng về tương tai của Huawei, bởi gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc vẫn cần đảm bảo các nguồn tin cậy cho chip cũng như những linh kiện khác cho mảng kinh doanh smartphone của mình.

Huawei là công ty lớn thứ 2 sử dụng các cảm biến do Sony sản xuất, đứng sau Apple. Dù Sony đã thu 1 nghìn tỉ Yên (tương đương 9,58 tỉ USD) doanh số bán cảm biến hình ảnh trước những hạn chế của Mỹ, thế nhưng, nguồn cung cho Huawei ước tính rơi vào khoảng 20% tổng số đó.

Sony đã yêu cầu Chính phủ Mỹ miễn trừ, cho phép họ cung cấp linh kiện cho Huawei. Thế nhưng, vẫn chưa rõ lượng hàng mà họ vận chuyển đến gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này có được hồi phục lại như trước kia hay không.

Theo công ty nghiên cứu Omdia tại Anh, với những cảm biến hình ảnh CMOS của mình, Sony đã chiếm 53,5% thị phần toàn cầu về mặt giá trị trong năm 2019, theo sau là Samsung với 18,1%.

Samsung đang thách thức vị trí vững chắc của Sony trên thị trường cảm biến hình ảnh

Sony đã đi trước các đối thủ, phát triển một cảm biến hình ảnh "nhiều lớp" và chủ yếu cung cấp cho những sản phẩm phân khúc cao cấp. Với công nghệ vượt trội hơn so với Samsung, Sony đã được Apple và Huawei lựa chọn nhằm cung cấp cảm biến hình ảnh cho những camera hiệu suất cao trên cac chiếc smartphone của họ.

Nhưng những rủi ro từ Huawei có thể khiến cấu trúc thị trường đảo lộn.

Là người đến sau trên thị trường cảm biến hình ảnh, Samsung đã hợp tác kinh doanh với Apple và Huawei ở quy mô hạn chế, trong khi vẫn thu hút những khách hàng nhỏ hơn, chẳng hạn như Xiaomi và Vivo – những công ty đang đẩy mạnh sản xuất smartphone với kỳ vọng nhu cầu về các lựa chọn thay thế cho Huawei.

Do đó, nhiều khả năng, Samsung sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng của những nhà sản xuất smartphone nhỏ hơn đến từ Trung Quốc.

Về phần mình, Sony có một chiến lược để đáp trả sự thách thức của Samsung. "Chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng và đa dạng hóa cơ sở khách hàng của mình trước năm tài chính 2021", Hiroki Totoki, Phó Chủ tịch điều hành của công ty, cho biết trong 1 cuộc họp báo vào tháng 10. "Khả năng sinh lời được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm tài chính 2022", ông cho biết.

Nhưng một nhà phân tích cho biết, Sony sẽ khó có thể "bù đắp hoàn toàn đối với sự sụt giảm nguồn cung cho Huawei bằng việc tăng doanh số với những công ty khác trong năm nay."

Sony thu hút nhu cầu về cảm biến hình ảnh của mình nhờ vào những lợi thế công nghệ tổng thể của chúng, chẳng hạn như hiệu năng đọc nhanh cũng như ít nhiễu. Với việc đang phát triển cảm biến 180MP, Samsung đang nhấn mạnh vào con số pixel cao và sẽ sử dụng chúng vào những chiếc điện thoại của mình và cả của Xiaomi như một chiến lược tiếp thị.

"Cảm biến của Sony có thể không đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất smartphone theo đuổi con số pixel cao", Tetsuo Omori, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu Nhật Bản Techno Systems Research, cho biết.

Samsung đang thách thức vị trí vững chắc của Sony trên thị trường cảm biến hình ảnh

Samsung là nhà sản xuất thiết bị điện tử tích hợp, bao phủ nhiều lĩnh vực, kể cả chip nhớ, và đó là thế mạnh lớn nhất của công ty, trong khi đó, Sony lại chỉ tập trung vào cảm biến hình ảnh đối với bộ phận bán dẫn của mình. Samsung đạt doanh thu cao gấp 10 lần trong lĩnh vực kinh doanh chip và áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến của mình cho cảm biến hình ảnh. Hơn nữa, công ty cũng có lợi thế về quy mô khi mua sắm vật tư cũng như trang thiết bị.

Với việc sản xuất các linh kiện điện tử để sử dụng trong tập đoàn của mình, Samsung cũng đang cải thiện chất lượng toàn bộ mô-đun camera, bao gồm cả cảm biến hình ảnh.

Ngoài ra, Samsung cũng tự sản xuất các tấm nền OLED độ nét cao – thành phần không thể thiếu trên những chiếc smartphone, và cung cấp chúng ở mọi mức giá với thương hiệu Galaxy của mình.

Với tư cách là nhà sản xuất smartphone lớn nhất về thị phần toàn cầu vào năm 2019, Samsung cũng có thể điều chỉnh cung và cầu đối với cảm biến hình ảnh, làm cho chúng thân thiện hơn với người dùng bằng cách kết hợp với smartphone.

Mảng kinh doanh cảm biến hình ảnh là một trong những "trụ cột" chính của Sony với lợi nhuận hoạt động đạt 240 tỉ Yên trong năm tài chính 2019 (kết thúc vào tháng 3), gần ngang ngửa với doanh số thu về từ video game. Nhưng khi công bố thu nhập của quý 2 năm tài chính 2020 vào tháng 10, Sony dự báo, lợi nhuận của cả năm tài chính sẽ giảm 66% đối với cảm biến hình ảnh, nhiều hơn so với mức giảm 17% lợi nhuận hoạt động dự kiến của công ty.

Nhưng lại có một cứu tinh tiềm năng cho Sony, đó là Apple. Với việc phát hành iPhone 12 hỗ trợ 5G hồi tháng 10, Sony có thể bù đắp một số tổn thất từ việc ngừng cung cấp cho Huawei gây ra trong trường hợp những chiếc smartphone này có thể duy trì được nhu cầu mạnh mẽ.

Đối với những thành phần cốt lõi của smartphone, các nhà sản xuất thiết bị và điện tử lớn tại Nhật Bản đều đã mạnh tay đầu tư vào việc sản xuát tấm nền tinh thế lỏng. Thế nhưng, do thua thiệt với các đối thủ đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc về khoản đầu tư, họ đã đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình.

Tuy nhiên, Sony đã áp dụng chiến lược duy trì tính cạnh tranh dựa trên công nghệ cảm biến hình ảnh tiên tiền cùng thị phần cao, kết hợp với việc tích cực đầu tư.

Samsung đã đặt mục tiêu sẽ vượt qua Sony vào năm 2030 để trở thành công ty sản xuất cảm biến hình ảnh lớn nhất thế giới. Cuộc chiến cảm biến hình ảnh giữa Sony và Samsung sắp bùng lên vào thời điểm khi các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ đối với Huawei đang bắt đầu mang lại những thay đổi cơ bản và có khả năng trở nên sâu rộng hơn nhiều trên thị thường smartphone.

Phụ thuộc vào sự phát triển toàn cầu, Sony có thể rơi vào 1 vòng luẩn quẩn, thận trọng trong việc đầu tư khi không có mức kỳ vọng nhu cầu vững chắc, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh. Nều điều đó xảy ra, thành trì vững chắc và lâu đời của Sony có thể sẽ sụp đổ.

Minh Hùng theo Nikkei

Chủ đề khác