VnReview
Hà Nội

Liệu Xiaomi có đủ sức để thế chỗ Huawei?

Trước khi bị chặn đứng bởi lệnh cấm giao dịch với các công ty Mỹ, Huawei vẫn còn tham vọng đấu tay đôi với Samsung. Huawei trước đó thậm chí còn vượt mặt và chiếm lấy vị trí thứ hai toàn cầu của Apple.

Gần một năm sau lệnh cấm, Huawei vẫn vượt được Samsung để ngồi lên ngai vàng mà họ thèm muốn trong Quý 2/2020. Tuy nhiên, kết quả này xuất phát từ một loạt những điều kiện chưa từng có tiền lệ. Đó là lúc Trung Quốc đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, còn những thành trì của Samsung tại châu Âu và Bắc Mỹ thì mới bị ảnh hưởng bởi loại virus này.

Những số liệu mới nhất trong Quý 3/2020 quả thực cho thấy Huawei có được vị trí số một là nhờ những điều kiện đó. Số lượng đơn hàng tại nhiều khu vực của nhãn hiệu Trung Quốc hiện đã rơi vào tình trạng trượt dài. Đòn trừng phạt Huawei của Mỹ cũng đã mở ra cánh cửa cho nhiều nhãn hiệu khác tận dụng lợi thế, và có vẻ như Xiaomi chính là cái tên đang ngấp nghé thay thế cho vị trí mà Huawei đã bỏ lại.

Người kế vị "ngai vàng" của Huawei

Tuần qua, Xiaomi đã công bố các kết quả tài chính trong Quý 3/2020, đáng chú ý nhất là số lượng hàng xuất xưởng tăng vọt đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Counterpoint Research cho biết cũng trong Quý 3, số lượng hàng xuất xưởng so với cùng kỳ năm ngoái của Huawei giảm 24%, và thị phần của hãng đạt con số 14%, chỉ cao hơn 1% so với Xiaomi.

Nói cách khác, tính đến thời điểm hiện tại, hoàn toàn có khả năng Xiaomi đã vượt mặt Huawei xét về thị phần toàn cầu và đang trên con đường trở thành nhãn hiệu Trung Quốc phổ biến nhất thế giới. Con số 45% nói trên đặc biệt ấn tượng khi mà phần còn lại của top 5 nhãn hiệu, trừ Samsung, đều có số lượng hàng xuất xưởng so với cùng kỳ năm ngoái giảm sút. Về phần Samsung, họ cũng chỉ tăng khiêm tốn 2% mà thôi.

Chiến lược của Xiaomi trong vài năm trở lại đây là tập trung vào các thành trì truyền thống của Huawei ở châu Âu, Trung Đông, và một phần của châu Phi, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tại quê nhà Trung Quốc và thị trường nóng Ấn Độ. Trong Quý 2/2020, Xiaomi đã vượt mặt Huawei để chiếm vị trí thứ ba tại châu Âu. Tuy nhiên, Xiaomi khẳng định họ còn lọt vào top 5 tại 54 thị trường và là nhãn hiệu hàng đầu tại 10 thị trường trên thế giới.

Công ty này từ lâu đã cố tránh việc "bỏ toàn bộ trứng vào một rổ", và hướng đi này cuối cùng đã mang lại kết quả như ý. Theo Xiaomi, doanh thu tại thị trường hiện đã lần đầu chiếm quá nửa tổng doanh thu của hãng (hơn 55%). Có nghĩa là nhãn hiệu này có thể dựa vào thị trường trong nước hoặc nước ngoài tuỳ thích. Chiến lược này từng mang lại kết quả khả quan cho Huawei trong quá khứ, mà gần đây nhất đã giúp họ vươn lên vị trí số một hồi đầu năm nay.

Xiaomi còn thử chiến lược phối hợp với các nhà mạng. Các nhà mạng lớn vẫn đang loay hoay tìm cách lấp khoảng trống để lại bởi những mẫu điện thoại không có Google của Huawei. Cụ thể, Xiaomi cho biết họ đã ký hợp đồng với 50 nhà mạng với "100 mạng nhỏ" tại 50 quốc gia. Đây rõ ràng là một nước đi nhanh nhạy của Xiaomi trong bối cảnh các nhà mạng đang liên tục tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho các mẫu điện thoại dòng Lite, dòng Y, và cả các mẫu flagship của Huawei.

Thách thức ở phân khúc cao cấp

Các mẫu điện thoại giá rẻ của Xiaomi đã luôn là yếu tố mang lại sức tăng trưởng cho hãng qua nhiều năm. Trong Quý 3/2020, có ba mẫu điện thoại giá rẻ Xiaomi lọt vào top 10 điện thoại phổ biến nhất toàn cầu. Điều tương tự cũng diễn ra trong Quý 1/2020, theo bảng xếp hạng điện thoại của Canalys.

Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với Xiaomi là phân khúc cao cấp. Công ty đã và đang tìm kiếm một lối vào phân khúc cao cấp trong vài năm trở lại đây. Các điện thoại Mi cao cấp của hãng thường được xem là những mẫu flagship giá tốt, như series Mi 8 và Mi 9 chẳng hạn.

Nhưng năm ngoái, khi CEO Lei Jun tiết lộ giá bán flagship sẽ được đẩy lên cao hơn, thì chúng ta mới bắt đầu thấy được ý định rõ ràng của Xiaomi.

"Tôi từng nói với mọi người trong công ty rằng đây có lẽ là lần cuối giá bán điện thoại của chúng ta dưới 3.000 tệ (khoảng 447 USD)";- vị lãnh đạo nói, ám chỉ chiếc Mi 9. "Trong tương lai, điện thoại của chúng ta sẽ đắt hơn - không hơn nhiều, nhưng đắt hơn một chút"

Thật vậy, series Mi 10 ra mắt vào đầu năm 2020 với giá bán đắt hơn thế hệ trước - nhưng không phải "đắt hơn một chút", khi mà Mi 10 và Mi 10 Pro lần lượt có giá 3.999 tệ (573 USD) và 4.999 tệ (716 USD) tại Trung Quốc. Còn tại châu Âu, chúng lần lượt có giá 799 euro (952 USD) và 999 euro (1.191 USD).

Xiaomi vẫn tung ra những mẫu flagship giá tốt hơn, như series Mi 10T, nhưng nếu muốn bán máy với giá ngang ngửa Samsung và Huawei, họ sẽ cần trang bị cho các thiết bị cao cấp của mình những tính năng hấp dẫn hơn, như kháng nước, công nghệ màn hình tốt hơn, và nhiều thứ khác.

Ngoài ra, hãng điện thoại Trung Quốc cũng phải đấu với Samsung và Apple, vốn đang bùng nổ mạnh mẽ trong phân khúc này. Galaxy S20 FE và iPhone 12/iPhone 12 mini đều vượt trội khi xét về cán cân giá bán/hiệu năng. Đây còn là những nhãn hiệu quen thuộc đối với hầu hết người tiêu dùng, do đó Xiaomi sẽ phải chơi lớn nếu họ hi vọng thu hút được sự chú ý của khách hàng từ Samsung và Apple ở phân khúc cao cấp.

Dẫu vậy, vẫn có một số thông tin khá "ấm lòng" cho Xiaomi trong phân khúc này. Counterpoint cho biết Xiaomi đã lọt vào top 5 các nhãn hiệu cao cấp (trên 400 USD) trong Quý 1/2020, đánh dấu lần đầu tiên của nhãn hiệu này kể từ Quý 3/2018, và là công lao của dòng Mi Note 10 và Mi 10. Bạn có thể xem bảng trên để biết rõ hơn về các vị trí xếp hạng.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng Xiaomi xếp thứ 5 trong Quý 1/2020, với thị phần chỉ 2% - phân khúc này, tại thời điểm đó, vẫn là cuộc chơi của Apple, Samsung, và Huawei. Nhưng thị phần 12% của Huawei rõ ràng đang nằm đó, chờ bị...ăn mất, và sẽ là điều rất đáng ngạc nhiên nếu Xiaomi chưa "cạp" một miếng từ người đồng hương!

Điều đó có ý nghĩa gì trong năm 2021?

Đại dịch COVID-19 và sự bất ổn của nền kinh tế, kết hợp với những khó khăn của Huawei, chắc chắn sẽ mở ra những điều kiện lý tưởng để các nhãn hiệu smartphone giá tốt trỗi dậy. Xiaomi đã may mắn ở đúng nơi, đúng lúc, để tận dụng lợi thế từ những điều kiện đó. Nhưng để trở thành một cái tên hàng đầu, họ không thể cứ mãi bán điện thoại giá rẻ. Xiaomi sẽ cần phải nâng tầm cuộc chơi flagship nếu hi vọng có thể cạnh tranh được với Apple và Samsung trong phân khúc này.

Liệu Xiaomi có củng cố được vị trí thứ hai trong các bảng xếp hạng từ nay đến năm 2021? Đó là một câu hỏi lớn, và câu trả lời sẽ phụ thuộc khá nhiều vào những hành động mà chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện đối với Huawei trong năm sau. Sự trở lại của các dịch vụ Google sẽ là chiến thắng lớn đối với Huawei, nhưng họ vẫn sẽ cần làm nhiều điều nữa để giành lại lòng tin từ người tiêu dùng.

Bên cạnh sự cạnh tranh từ ông lớn Samsung và mối đe doạ tiềm tàng từ Huawei, Xiaomi cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ Oppo, Realme, và Vivo trong năm 2021. Cả ba nhãn hiệu này đều tương đối mới tại thị trường trọng điểm châu Âu, trong đó Vivo mới chỉ ra mắt ở đây vào đầu tháng này mà thôi. Nhãn hiệu tập trung vào giá tốt là Realme có thể là nguy cơ lớn nhất cho thị phần toàn cầu của Xiaomi. Realme đã phả hơi thở vào gáy Xiaomi tại thành trì Ấn Độ, đồng thời còn đang nhanh chóng mở rộng sang các khu vực khác như châu Âu.

Trong nhiều năm qua, Xiaomi cũng đã tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Họ đã chi ra đến 7,5 tỷ tệ (khoảng 1,14 tỷ USD) trong năm 2019 cho hoạt động này, tăng 29,7% so với năm 2018. Công ty dự báo sẽ tiếp tục chi 10 tỷ tệ (khoảng 1,5 tỷ USD) trong năm 2020 - vẫn thấp hơn so với khoản chi 15 tỷ USD của Hưaei trong năm 2019.

Dù sao đi nữa, Xiaomi được cho là sẽ mang các công nghệ như sạc nhanh hơn, camera selfie dưới màn hình, và UWB lên các mẫu flagship của hãng trong năm 2021. Liệu công nghệ mới và giá bán cạnh tranh có giúp hãng củng cố vị trí thứ hai trong năm 2021? Chỉ có thời gian mới trả lời được.

Minh.T.T (theo AndroidAuthority)

Chủ đề khác