VnReview
Hà Nội

Facebook và Apple không ưa, thậm chí khinh nhau dù luôn cần có nhau

Những đối thủ của các công ty lớn có một điểm chung: cạnh tranh trong cùng một lĩnh vực. Trước đây có Coca-Cola và Pepsi, Boeing và Airbus, McDonald's và Burger King. Nhưng trong lĩnh vực công nghệ, Apple và Facebook không ưa nhau không phải vì cạnh tranh một mất một còn.

Cả Facebook và Apple là những công ty công nghệ tầm cỡ nhưng không có nhiều điểm tương đồng trong kinh doanh. Hầu như tất cả doanh thu của Facebook đều đến từ quảng cáo nhưng quảng cáo chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của Apple, vốn chủ yếu từ mảng thiết bị như iPhone, iPad… và App Store (Chợ ứng dụng).

Hai công ty không thực sự cạnh tranh với nhau, thậm chí phụ thuộc lẫn nhau - họ chỉ không ưa nhau, theo bài viết trên BBC News.

Facebook và Apple không ưa, thậm chí khinh nhau dù cộng sinh lẫn nhau

CEO Apple (trái) Tim Cook và CEO Facebook Mark Zuckerberg

Nhiều năm qua, CEO Tim Cook của Apple nói Facebook coi người dùng của mình như là sản phẩm - bằng cách kiếm tiền từ quảng cáo - và không coi trọng quyền riêng tư của họ (khách hàng).

Trong khi đó, Mark Zuckerberg, CEO Facebook nói rằng các sản phẩm của Apple đắt đỏ và Apple có động cơ mờ ám khi chỉ trích Facebook.

Năm ngoái, theo New York Times, Apple thậm chí đã tắt chức năng công cụ dành cho nhà phát triển của Facebook.

Chương mới nhất của mối thù hằn này vừa xảy ra cuối tháng qua, đã làm cho quan hệ đôi bên đã xấu nay thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Xát muối

Đầu năm nay, Apple thông báo sẽ ra mắt một tính năng Theo dõi Tính minh bạch, cho phép người dùng iPhone, iPad kiểm soát nhiều hơn dữ liệu của họ. Quan trọng là khách hàng sẽ phải chọn dữ liệu nào - mà trước đây vốn được bàn giao theo mặc định - sẽ được sử dụng bởi những ứng dụng nào, ví dụ như Facebook.

Đây là một vấn đề lớn đối với Facebook, hãng bán các quảng cáo nhắm mục tiêu để kiếm lợi nhuận khổng lồ. Facebook ngay sau đó tuyên bố hành động của Apple sẽ gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của hãng.

Sau đó Apple đã tạm hoãn những thay đổi cho đến năm sau với lý do để các nhà phát triển có thời gian chuẩn bị.

Trong một lá thư ngày 19/11 giải thích về sự trì hoãn này, Giám đốc cấp cao về quyền riêng tư toàn cầu Jane Hovarth của Apple đã không kìm được việc nhắm thẳng vào Zuckerberg: "Lãnh đạo Facebook đã cho thấy ý đồ rõ ràng về việc thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt. Sự coi thường quyền riêng tư của người dùng này tiếp tục bành trướng".

Đáp lại, Facebook cũng chẳng vừa: "Họ sử dụng ưu thế vượt trội của mình trên thị trường để ưu tiên cho hoạt động thu thập dữ liệu của chính họ, trong khi khiến các đối thủ cạnh tranh hầu như không thể sử dụng cùng các dữ liệu đó. Họ tuyên bố đó là về quyền riêng tư - nhưng thực chất đó là lợi nhuận".

Điều đó với Apple chẳng khác nào xát muối vào vết thương hở, khi hãng luôn tự hào mình có một mô hình kinh doanh cao cả hơn Facebook.

Từ năm 2010, đồng sáng lập Apple Steve Jobs đã cảnh báo Facebook về quyền riêng tư. Năm 2018, CEO kế nhiệm ;Tim Cook nói ông có thể đã làm như Facebook, sử dụng dữ liệu người dùng để bán quảng cáo nhưng "chúng tôi quyết định không làm điều đó".

Roger McNamee, một nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon và là tác giả của Zucked, một cuốn sách phê bình về Facebook và Mark Zuckerberg, cũng không phải là fan của Facebook.

Ông nói: "Văn hóa của Apple là trao quyền cho khách hàng, văn hóa của Facebook là đang khai thác người dùng. Trong lịch sử, Apple có rất nhiều lý do để lên án người khác và đã chọn không làm như vậy. Tôi nghĩ đó là sự bày tỏ cho việc họ thấy hành động của Facebook gây phiền nhiễu nhường nào".

Nhưng Facebook có lý không? Thực tế có phải Apple đang cố gắng sử dụng sự thống trị thị trường của mình để hất cẳng các đối thủ cạnh tranh? Mặc dù hoạt động kinh doanh quảng cáo của Apple tương đối nhỏ, hãng phân tích của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự đoán doanh thu quảng cáo của Apple sẽ tăng mạnh trong vài năm tới.

Vì vậy, có phải Apple muốn ngăn Facebook thu thập dữ liệu người dùng chỉ để bản thân kiếm lợi?

Nếu điều đó xảy ra thì sẽ là một điều nực cười với một đại gia tầm cỡ như Apple.

Toẹt móng heo

Một trong những quảng cáo được chạy nhiều nhất trên truyền hình Mỹ là chiến dịch bảo vệ quyền riêng tư của Apple. Trong đó, một loạt người bất ngờ nói ra những thứ bẽ bàng mà họ đã tìm kiếm trên Internet với những người lạ ngẫu nhiên.

Rồi câu khẩu hiệu xuất hiện: "Có những thứ bạn không nên chia sẻ - iPhone giúp bạn làm điều đó."

Apple rõ ràng tin rằng quyền riêng tư là vấn đề phổ cập - thật lạ khi xâm phạm điều đó.

Không công bằng đối với nhà phát triển

Tuy nhiên, Apple đã được tất cả các đảng phái Mỹ mô tả là độc quyền. Apple hiện đang dính vào một loạt các hành động pháp lý, sau khi bị cáo buộc lạm dụng App Store có tính thống trị để áp đặt các điều khoản không công bằng cho các nhà phát triển. Bên cạnh đó, còn có các cáo buộc về việc Apple không trả đủ thuế dù hãng luôn bác bỏ.

Về phía Facebook, tranh cãi giữa quyền riêng tư và tính trong sạch rõ ràng đã dày vò ông Zuckerberg.

Năm 2014, khi ông Cook lần đầu tiên chỉ trích Facebook đối xử với khách hàng như là một sản phẩm hàng hóa, lãnh đạo Facebook đã đáp trả trên tạp chí Time: "Điều khiến tôi thất vọng là có nhiều người ngày càng có vẻ muốn đánh đồng một mô hình kinh doanh quảng cáo nào đó là không phù hợp với khách hàng của quý vị. Sao, anh nghĩ rằng chỉ vì anh trả tiền cho Apple mà bằng cách nào đó anh đứng ngang hàng với họ? Nếu bạn là đồng minh với họ, thì họ đã làm cho sản phẩm rẻ hơn rất nhiều".

Điều này thì có lẽ Facebook đúng - Apple là một trong những công ty giàu có nhất trên thế giới.

Cuộc chiến kỳ quặc

Điều kỳ lạ hơn nữa của sự khinh thường lẫn nhau này là cả hai đều phụ thuộc lẫn nhau.

iPhone sẽ kém hấp dẫn đối với nhiều khách hàng nếu Facebook (cùng với WhatsApp và Instagram) không có sẵn. Ngược lại, liệu mọi người có tìm đến các nền tảng mạng xã hội khác nếu họ không thể sử dụng Facebook trên iPhone không?

Sẽ dễ hiểu hơn khi cả hai công ty có một mối quan hệ làm việc lành mạnh và bền chặt. Tuy nhiên, họ không như vậy.

Chuyên gia của Apple, Carolina Milanesi là một trong số nhiều người tin rằng hai công ty chỉ nhìn thế giới theo cách khác nhau và mối hiềm khích giữa đôi bên là thuộc về văn hóa và cá nhân.

"Về mặt triết lý, họ rất khác biệt", bà nói. "Khi bạn nhìn vào Apple, nếu Apple cảm thấy rất dữ dội về cách Facebook đang hành xử chống lại khách hàng của họ, vậy tại sao chúng ta lại có ứng dụng Facebook trên các thiết bị của Apple?"

Đó là điểm mấu chốt của vấn đề. 

Cho đến nay, cả hai công ty không hòa hợp với nhau cho lắm khi mối quan hệ giữa họ thực sự là cộng sinh.

Trong tất cả những công ty công nghệ nghệ lớn có thể trở thành đối thủ của nhau, Facebook và Apple dường như ít khả năng xảy ra nhất. Google hiển nhiên là đối thủ cạnh tranh của Facebook; Microsoft và Google là đối thủ của Apple. Nhưng sự ám ảnh về quyền riêng tư của Apple gây bất lợi trực tiếp tới Facebook.

Năm 2021 có thể là năm chứng kiến cơn thịnh nộ của sự đối đầu giữa hai đại gia công nghệ còn đi xa hơn nữa.

Tuấn Phan theo BBC News

Chủ đề khác