VnReview
Hà Nội

Google bị cáo buộc theo dõi bất hợp pháp nhân viên trước khi sa thải họ

Theo đơn kiện, Google đã vi phạm luật lao động khi theo dõi nhân viên của mình và sa thải không đúng lý do.

Theo đơn khiếu nại của Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB), Google đã vi phạm luật lao động của Mỹ khi theo dõi nhân viên đang tổ chức các cuộc biểu tình, sau đó sa thải hai người trong số họ.

Đơn khiếu nại nêu tên hai nhân viên, Laurence Berland và Kathryn Spiers. Cả hai đều bị công ty sa thải vào cuối năm 2019 vì liên quan đến hoạt động tuyên truyền trong nhân viên. Berland đã tổ chức cuộc biểu tình nhằm phản đối quyết định của Google khi hợp tác với IRI Consultants, một công ty được biết đến có tư tưởng chống công đoàn. Giờ đây, NLRB nhận thấy chính sách của Google theo dõi hành động của nhân viên là bất hợp pháp.

Một số nhân viên khác đã bị sa thải sau cuộc biểu tình nhưng NLRB nhận thấy rằng chỉ việc chấm dứt hợp đồng của Berland và Spiers là vi phạm luật lao động.

Berland cho biết trong một tuyên bố: "Việc Google thuê IRI là một tuyên bố rõ ràng rằng ban lãnh đạo sẽ không còn dung thứ cho việc nhân viên tổ chức các hoạt động công đoàn nữa. Họ muốn gửi thông điệp đó và NLRB hiện đang gửi thông điệp của riêng mình, đó là hoạt động tổ chức lao động cần được pháp luật bảo vệ".

Spiers bị sa thải sau khi cô tạo ra pop-up cho nhân viên của Google truy cập trang web của IRI Consultants với dòng thông điệp: "Nhân viên của Google có quyền tham gia vào các hoạt động phối hợp được bảo vệ". Google cho biết Spiers đã vi phạm các chính sách bảo mật và tuyên bố cũng làm tổn hại đến danh tiếng của cô trong cộng đồng công nghệ. Nhưng NLRB phát hiện ra rằng, lý do sa thải Spiers của Google là bất hợp pháp, chiếu theo các quy định trong luật lao động.

Spiers chia sẻ: "Tuần này NLRB thay mặt tôi đưa ra khiếu nại. Họ phát hiện ra rằng tôi đã bị chấm dứt hợp đồng bất hợp pháp vì cố gắng giúp đỡ các đồng nghiệp của mình. Đồng nghiệp và những người lạ tin rằng tôi đã lạm dụng vai trò của mình vì những lời nói dối của ban lãnh đạo Google và thực tế thì họ đang trả đũa tôi. NLRB có thể yêu cầu Google phục hồi lại công việc cho tôi nhưng nó không thể đảo ngược được những ảnh hưởng đến uy tín của tôi".

Theo tờ New York Times, nếu Google chọn không giải quyết khiếu nại trên, đơn kiện sẽ được trình lên một thẩm phán trong vài tháng tới. Trường hợp thua kiện, Google có thể phải trả lại tiền lương cho cả Berland và Spiers.

Trong một tuyên bố gửi tới trang The Verge, người phát ngôn của Google dường như vẫn chối bỏ mọi cáo buộc.

Người này viết:"Chúng tôi tự hào về nền văn hóa đó và cam kết bảo vệ nó trước những nỗ lực cố tình phá hoại của các cá nhân, bao gồm cả việc vi phạm các chính sách bảo mật và hệ thống nội bộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho NLRB và thẩm phán về quyết định của chúng tôi trong việc chấm dứt hoặc kỷ luật những nhân viên lạm dụng đặc quyền để truy cập vào các hệ thống nội bộ, chẳng hạn như các công cụ bảo mật hoặc lịch trình của đồng nghiệp. Những hành động như vậy là vi phạm nghiêm trọng các chính sách của Google và điều đó không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ bảo vệ quan điểm của mình".

Google từng được biết đến là công ty hạnh phúc nhất trong lĩnh vực công nghệ nhưng nay liên tục vướng phải các bê bối liên quan đến văn hóa công ty. Google cũng đã trả khoản tiền phạt 90 triệu USD cho cựu CEO Andy Rubin sau cuộc điều tra quấy rối tình dục. Động thái này đã gây ra làn sóng phản đối tại các văn phòng trên toàn cầu. Hơn 20.000 nhân viên và nhà thầu đã tham gia cuộc biểu tình.

Các nhân viên cũng phản đối quyết định của Google trong việc hợp tác với Bộ Quốc phòng liên quan đến dự án Maven. Đây là sáng kiến ​​AI giúp Mỹ cải thiện khả năng tấn công bằng drone. Vào năm 2018, hơn 3.100 nhân viên đã ký đơn kêu gọi CEO Sundar Pichai rút khỏi dự án.

Tiến Thanh

Chủ đề khác