VnReview
Hà Nội

Lỡ miệng miệt thị khách hàng "thấp kém", "loser", Phó Chủ tịch Xiaomi phải từ chức

Vạ miệng này đã khiến nhiều người dùng Xiaomi nổi giận, trong khi công ty đưa ra lời xin lỗi và thông báo đã thông qua đơn từ chức của vị Phó chủ tịch.

Tại Hội nghị thường niên về quản trị nhân lực diễn ra ngày 21/11, một Phó chủ tịch Xiaomi là Wang Mei đã lỡ lời trong khi phát biểu. Cụ thể, bà đã nói: "Xiaomi tin rằng trong tương lai, ai có thể thâu tóm nhóm khách hàng ‘diaosi' thì sẽ nắm trong tay cả thế giới, hãy năng động và tiến ra bên ngoài".

Trong câu nói này, từ "diaosi" (Hán Việt: điểu ti) mà bà sử dụng vốn là tiếng lóng ở Trung Quốc, thường dùng để chế giễu tầng lớp thanh thiếu niên kém cỏi. Không địa vị xã hội, tương lai mờ mịt, cô độc không có người yêu và có thể gặp cả vấn đề về tài chính. Nhìn chung, "điểu ti" là một từ miệt thị tương tự như "loser" trong tiếng Anh, đều chỉ nhóm người thất bại (loser), thấp kém.

Phó Chủ tịch Xiaomi tại Hội nghị thường niên về quản trị nhân lực hôm 21/11

Dân mạng Trung Quốc hay dùng từ này để nói móc nhau, xem là sự thiếu tôn trọng đối phương. Bản thân cộng đồng người dùng Xiaomi đôi khi tự trào một cách vui vẻ, dùng từ này để gọi lẫn nhau nhưng không nhằm mục đích công kích. Thực tế, lãnh đạo kiêm sáng lập thương hiệu Xiaomi là ông Lôi Quân (Lei Jun) cũng từng nói về cách nghĩ này thuở đầu công ty.

Không ít những người hâm mộ gạo cội của hãng từng tự trào bản thân là một "điểu ti". Từ này vốn dùng để chỉ nhóm người tầng lớp dưới của xã hội, không nổi trội và có thành tựu, nhưng nó cũng vô tình trùng khớp với nhóm khách hàng lớn nhất của Xiaomi. Nói đúng hơn, thương hiệu Trung Quốc từng có thời gắn liền với hình ảnh sản phẩm sản xuất để phục vụ "điểu ti".

Tuy nhiên, khi Xiaomi ngày càng phát triển và muốn định hình dòng Mi là dòng cao cấp. Việc nâng tầm thương hiệu vô tình lại vướng phải chính tảng đá tên "điểu ti" này. Từ ngữ vốn được sử dụng để đả kích trên Internet và một số người hâm mộ Trung Quốc trêu đùa nhau, lại được nói ra từ chính miệng lãnh đạo Xiaomi, tại một hội nghị bàn về nhân lực của hãng, đã khiến cả cộng đồng mạng lẫn các mifan nổi giận.

Các mifan cũng dùng từ "điểu ti" tự gọi bản thân nhưng là để đùa giỡn;

"Ý của bà ấy là những ai dùng đồ Xiaomi đều là bọn thất bại?". "Nghe bà ấy nói như vậy, tôi cầm một chiếc Redmi trên tay mà chỉ muốn quăng nó đi". "Công ty coi thường chính khách hàng của mình trong khi đang thu tiền cũng từ họ" - một tài khoản khác chất vấn. Một ý kiến khác phản ánh rất đúng sai lầm trong phát ngôn của Xiaomi - "Người dùng Xiaomi có thể gọi nhau là ‘điểu ti' để tự trào bản thân, nhưng Xiaomi thì không thể nói khơi khơi trước công chúng như vậy".

Một số người hâm mộ khác thì nêu ý kiến hòa nhã hơn, ngụ ý nhắc nhở Xiaomi về cuộc khủng hoảng truyền thông mà họ đang vướng phải. "Nhìn vào chiếc điện máy Xiaomi trên tay và nghĩ về địa vị của bản thân, tôi cho rằng cô ấy đang nói lên sự thật". "Những lời nói của cô ấy sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu Xiaomi", hay một bình luận khác: "Xiaomi đã tự kéo bản thân mình quay về với phân khúc rẻ tiền thành công".

Tuy vậy, một mifan có lẽ đã quá quen với cách gọi "điểu ti" trong cộng đồng lâu nay, nên tỏ ra không quá gay gắt. "Tự nhận là một ‘điểu ti' như cách bà ấy gọi, nhưng tôi không nghĩ là bà ấy muốn chế giễu ai. Không nhất thiết phải làm mọi chuyện căng thẳng không cần thiết" - tài khoản này viết. Không ít người lại cho rằng, phát ngôn này dù không có ác ý chăng nữa cũng vẫn đầy mẫu thuẫn.

Công ty mong mọi người không vì sự cố này mà hiểu nhầm về mình

Một mặt, Xiaomi liên tục tỏ ra quyết tâm muốn nâng tầm thương hiệu, muốn rũ bỏ hình ảnh điện thoại giá rẻ trước đây để tiến lên phân khúc cao cấp. Thế nhưng, bây giờ một lãnh đạo công ty lại phát biểu cần phải tấn công vào nhóm khách hàng trẻ tuổi, giành lấy trái tim họ là có thể chiếm được cả thế giới. Đây vẫn là phân khúc khách hàng quen thuộc của họ lâu nay.

Liệu Xiaomi đã thực sự sẵn sàng để chinh phục phân khúc khách hàng cao hơn hay chưa?

Đến ngày 25/11, Xiaomi đã chính thức đưa ra phát ngôn về vụ việc không hay này. Công ty cho biết Wang Mei rất lấy làm tiếc vì đã gây ra tổn hại không đáng có tới người dùng lẫn người hâm mộ Xiaomi. Cô đã quyết định từ chức và được công ty phê duyệt. Thừa nhận lỗi lầm gây ra từ một phát ngôn liều lĩnh thiếu thận trọng, Wang nhấn mạnh rằng đó không phải là lời nói đại diện cho tầm nhìn và quan điểm của Xiaomi.

Tuy nhiên, cộng đồng mạng vẫn chưa thực sự hài lòng với cách xử trí này từ cả hai phía. Các từ khóa liên quan vụ việc như "Wang Mei" hay "diaosi" vẫn rất được quan tâm, thu hút hàng chục ngàn bình luận. Một số quan điểm cực đoan còn cho rằng cần phải tẩy chay sản phẩm Xiaomi. "Tại sao lúc nào cũng là sai lầm gây ra bởi cá nhân, còn công ty thì hưởng lợi cuối cùng? Xiaomi có thể đứng ra nhận trách nhiệm hay không?" - một tài khoản đặt vấn đề.

Thực tế, đây không phải lần đầu Xiaomi vướng vào những chỉ trích về cách truyền thông đến công chúng. Một Phó chủ tịch khác là ông Chang Cheng từng quảng bá sản phẩm bằng cách gợi ý dùng điện thoại Xiaomi để chụp lén nữ giới. Hay giữa năm nay, Xiaomi phát đi một mẩu quảng cáo ở Nhật Bản cho Redmi Note 9. Vô tình trong đó lại chứa những hình ảnh làm gợi đến quả bom nguyên tử Fat Man, từng thả xuống thành phố Nagasaki vào Thế chiến II.

Ambitious Man

Chủ đề khác