VnReview
Hà Nội

Nếu Grab và Gojek sát nhập, người dùng sẽ phải chịu thiệt?

Nếu Grab và Gojek sát nhập thì nó sẽ tạo ra một hãng gọi xe công nghệ khổng lồ, bao trùm các lĩnh vực vận chuyển, đồ ăn, giao hàng... tại rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Vụ Grab Bike tắt app đình công: Mổ xẻ cách tính phí mới của Grab

Nanik Soelistiowati - một chủ gian hàng chuối chiên ở Tây Jakarta (Indonesia) là ví dụ điển hình nhất cho cuộc chiến của Grab và Gojek, 2 trong số những công ty start up về công nghệ có giá trị nhất châu Á. Người phụ nữ 64 tuổi đăng ký dịch vụ của Gojek vào năm 2015 cho dịch vụ giao đồ ăn. Thời điểm đó, những chiếc xe máy giao hàng đã vượt qua mọi con đường để đưa đồ ăn của bà đến với khách hàng tại Jakarta tắc nghẽn. Doanh số bán hàng của Soelistiowati gia tăng nhanh chóng.

Đến năm 2017, Grab tiếp cận bà Soelistiowati bà đưa ra lời đề nghị chi phí thấp hơn đối thủ Gojek đến 15%. Với tiềm lực tài chính hùng hậu, Grab đã đẩy mạnh giảm giá cho người dùng dịch vụ của mình. Điều này hiệu quả đến mức Soelistiowati thường xuyên cháy hàng chuối chiên.

Nhưng đến hiện tại, khi có thông tin Grab và Gojek sắp sát nhập thì những người như bà Soelistiowati không khỏi hoang mang. Họ lo ngại rằng thương vụ sát nhập startup công nghệ lớn bậc nhất Đông Nam Á này có thể khiến dịch vụ gọi xe trực tuyến rơi vào thế độc quyền. Từ đó, những khuyến mại, giảm giá sẽ ít đi.

Những gã khổng lồ gọi xe trực tuyến

Grab có trụ sở tại Singapore và Gojek đặt đại bản doanh ở Jakarta là những hãng gọi xe công nghệ, giao đồ ăn, thanh toán, bảo hiểm,... lớn hàng đầu Đông Nam Á - khu vực có dân số lên đến khoảng 650 triệu người. Trong đó, Grab là công ty khởi nghiệp lớn nhất khu vực với giá trị hơn 15 tỷ USD, được hỗ trợ bởi Softbank Group. Họ đã mở rộng hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á và không giấu diếm tham vọng trở thành một siêu ứng dụng, phủ sóng mọi lĩnh vực từ giao đồ ăn, thanh toán online, tài chính, bảo hiểm, y tế...

Trong khi đó, Gojek được thành lập năm 2010 và phát triển rất nhanh chóng. Đến năm 2015, đơn vị này trở thành startup kỳ lân, được những tên tuổi lớn như Google, Tencent Holdings và Facebook rót tiền đầu tư. Đến hiện tại, giá trị của Gojek rơi vào khoảng 10 tỷ USD.

So về quy mô, Grab thực sự nổi trội hơn so với Gojek. Tuy nhiên, hãng đặt xe của Indonesia lại có ưu thế lớn tại quê nhà của mình, nơi là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Đây được coi là thị trường vô cùng 'béo bở', phát triển mạnh mẽ về các loại hình đặt xe, giao đồ ăn công nghệ mà ông lớn nào cũng muốn nắm giữ. Theo ước tính, tại Indonesia, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến chỉ chiếm 1,3% tổng thị trường thực phẩm, so với 8% của Mỹ và khoảng 12% của Trung Quốc. Điều này có nghĩa thị trường 'đất nước vạn đảo' còn rất màu mỡ để khai thác. Gojek nắm lợi thế ở đây có nghĩa họ còn cơ hội tạo ra những bước nhảy vọt vượt bậc.

Thị trường đồ ăn cũng được cả Grab và Gojek lấy làm trọng tâm trong thời gian tới bởi họ nhận ra rằng nó mang lại biên lợi nhuận hấp dẫn hơn nhiều so với hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe lâu đời. Điều này có lẽ đến từ việc cả 2 công ty được dẫn dắt bởi những người bạn học với nhau tại Trường kinh doanh Havard.

Thị trường chính của cả Grab và Gojek đều là các quốc gia ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore. Một khi hợp nhất, họ sẽ trở thành siêu ứng dụng khổng lồ, thâu tóm nền tảng gọi xe công nghệ tại khu vực có dân số trẻ và rất đông.

Với sự tích cực của SoftBank, quá trình đàm phán hợp nhất của 2 gã khổng lồ này có vẻ như đang diễn ra rất suôn sẻ. Theo DealstreetAsia, vấn đề hiện nay là Gojek muốn một tỷ lệ sở hữu 50:50 khi hợp nhất trong khi đó Grab muốn tỷ lệ tốt hơn nghiêng về mình.

Không giống với các thị trường lớn khác ở Đông Nam Á, quá trình hợp nhất của Grab và Gojek có lẽ sẽ ít ảnh hưởng đến Việt Nam. Hiện nước ta có khoảng 10 ứng dụng gọi xe công nghệ nhưng tỷ trọng của Grab đã là quá lớn và có sẽ sẽ ít thay đổi trong tương lai gần. Đối thủ chính trong lĩnh vực chở khách của Grab ở Việt Nam là Be. Tuy nhiên, hãng gọi xe của Việt Nam trong tương lai gần có lẽ cũng chưa thể theo kịp được Grab.

Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt khi Grab và Gojek sát nhập?

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghê, vụ hợp nhất của Grab và Gojek là điều tất yếu và nó sẽ xảy ra. Cả hai đều đã tồn tại được gần một thập kỷ, cạnh tranh khốc liệt, đốt hàng trăm triệu USD để chiếm thị phần và giờ họ sát nhập để thâu tóm thị trường.

Cả Grab và Gojek trong những năm qua đều muốn đi theo mô hình siêu ứng dụng của các hãng công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà điều này chưa thành công. Năm 2019 cả 2 công ty đều không có lãi, riêng mảng gọi xe của Grab ở Singapore lỗ đến hơn 200 triệu USD. Grab và Gojek trong 1-2 năm gần đây liên tục sa thải nhân viên, đóng cửa các dịch vụ không mang lại khả năng sinh lời cao. Cách đây chưa lâu, Gojek đã phải đóng cửa GoLiffe (dịch vụ làm sạch và massage tại nhà) rồi dừng GoGlam (dịch vụ đặt phòng làm đẹp) và GoFix (dịch vụ sửa chữa đồ gia dụng).

Hai công ty này đã cạnh tranh với nhau quá lâu, đốt quá nhiều tiền và giờ có lẽ họ đang mắc kẹt trong trận chiến giảm giá, trợ cấp nhằm thu hút khách hàng. Lối thoát của họ giờ đây có lẽ là việc sát nhập với nhau. Khi đó, siêu ứng dụng sau khi hợp nhất sẽ nắm giữ phần lớn thị trường gọi xe ở Đông Nam Á, không còn đối thủ cạnh tranh trực tiếp và bắt đầu công cuộc tìm cách thu lại những gì đã bỏ ra.

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho rằng Grab và Gojek sát nhập có lẽ là cần thiết theo quan điểm của những đơn vị đang đầu tư cho họ. Cả hai công ty đang cạnh tranh gay gắt tại Indonesia nhưng đều không có lợi nhuận. Hợp nhất sẽ giúp họ loại bỏ được sự phân tâm vào đối thủ để từ đó tập trung vào việc cải thiện sản phẩm cũng như dịch vụ. Nó cũng cho phép Grab và Gojek phân bổ nguồn vốn hợp lý hơn, tiết kiệm được rất nhiều chi phí marketing và dùng tiền đó để đầu tư cho R&D hoặc ra mắt cá dịch vụ mới. Một điều quan trọng nữa đến từ việc cổ đông lớn của Grab là Softbank rất muốn việc sát nhập diễn ra. Họ chính là những người tích cực nhất thúc đẩy quá trình này chứ không phải Grab hay Gojek.

Tuy nhiên, khi việc sát nhập diễn ra, chắc chắn những người như bà Nanik Soelistiowati sẽ không được hưởng lợi từ giá dịch vụ nữa. Lúc đó, Grab cũng như Gojek không còn đối thủ chính và các chiến lược giảm giá là không cần thiết. Ông Sergei Filippov - Thành viên hợp danh của Morphosis Capital Partners cho rằng: 'Có lẽ hầu hết người tiêu dùng sẽ thất vọng vì quyết định sát nhập của Grab và Gojek. Khi họ hợp nhất có nghĩa là cả 2 không còn đối thủ cạnh tranh chính. Giá dịch vụ khi đó sẽ tăng lên và chưa kể đến những rắc rối có thể xảy ra về dịch vụ'.

Đồng quan điểm này, Herston Powers - Thành viên hợp danh của Ventures 1982 cho rằng người tiêu dùng không quá hạnh phúc với vụ sát nhập của Grab và Gojek. Có lẽ chúng ta nên quen với việc giá dịch vụ vận chuyển sẽ cao hơn trước đây. Trong khi đó, ông Charles Rim - Tổng giám đốc; Access Ventures  thì cho rằng vụ sát nhập sẽ làm cho lực lượng lái xe có ít lựa chọn hơn.

Việc sát nhập có nghĩa là Grab và Gojek sẽ bớt đốt tiền của nhà đầu tư đi và đồng nghĩa với việc những lời mời chào về giảm giá sẽ chẳng còn hấp dẫn như trước. Nó cũng gây phẫn nộ cho người tiêu dùng lớn như vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á vào năm 2018. Thời điểm đó, người dùng của 2 ứng dụng này đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ bởi sự việc sẽ khiến thị trường gọi xe tại Malaysia, Singapore hay Việt Nam ít tính cạnh tranh đi đáng kể.

Theo các chuyên gia, trong vụ sát nhập của Grab và Gojek thì 2 hãng gọi xe này là những người chiến thắng thực sự. Các nhà đầu tư cho 2 công ty này cũng sẽ nắm một lượng cổ phần lớn tại một tập đoàn công nghệ khổng lồ ở thị trường có nên kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, người tiêu dùng có lẽ sẽ phải tập quen với việc ít khuyến mại đi, giá thành cao hơn khi sử dụng dịch vụ của Grab và Gojek.

T.T

Chủ đề khác