VnReview
Hà Nội

Các nền tảng OTT không phép đang kiếm tiền ở Việt Nam như thế nào?

Với tỷ lệ người dùng Internet đến 70%, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn các nền tảng OTT TV, nhưng thị trường này đang bị đe dọa bởi các OTT ngoại chưa được cấp phép.

Mới đây, một bộ phim thuộc sở hữu bản quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do nhà nước trả tiền để đặt hàng sản xuất đã xuất hiện Netflix, một ứng dụng xem truyền hình trực tuyến chưa được cấp phép tại Việt Nam. Việc này hoàn toàn chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Theo ước tính sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, NetFlix, iQiYi, WeTV đã đạt khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu. Chưa kể, họ còn tiếp tục mở rộng nguồn thu bằng việc thu hút quảng cáo của chính các nhãn hàng Việt.

Thông thường, một nhãn hàng sẽ ký hợp đồng sẽ chuyển video quảng cáo cho đại lý, sau đó đăng tải video lên website, ứng dụng mà họ hợp tác. Trong đó, họ ưu tiên các kênh giá rẻ, thường là không phép, để nhanh chóng đạt số lượng view đã cam kết với khách hàng.

Các nền tảng OTT không phép đang kiếm tiền ở Việt Nam như thế nào?

Nhãn hàng Việt là đích nhắm của các kênh không phép, nội dung xấu, độc

Nhiều nhãn hàng nổi tiếng đang ngày đêm quảng cáo trên các nền tảng OTT không phép, trên các website cung cấp các nội dung độc hại, không bản quyền. Nguồn tiền quảng cáo số ngày một lớn giúp các kênh không phép ngày càng mở rộng hoạt động bất chấp các quy định pháp luật.

Theo báo cáo của Appota, gần ½ số doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng đầu tư vào quảng cáo trên di động. Năm nay, tổng mức chi tiêu vào khoảng 4.800 tỷ đồng và dự báo tiếp tục tăng thêm 400 tỷ đồng trong năm 2021.

Doanh nghiệp và thị trường Việt Nam đang trở thành mục tiêu hút tiền của các cá mập OTT nước ngoài. Nếu năm 2016, thị phần của họ là 10% thì nay đã là hơn 50%. Chính điều đó lại tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ cho nền kinh tế.

"Thứ nhất là những nguồn kinh doanh lậu, họ sẽ có nguồn thu để duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển, cạnh tranh với OTT trong nước. Thứ hai là khi họ sử dụng đơn vị không phép ở Việt Nam, vô hình trung họ đang tiếp tay cho việc truyền bá nội dung không có bản quyền, không được kiểm duyệt tốt ở Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các brand", ông Lê Trọng Đức, Giám đốc FPT Play, cho biết.

"Truyền hình trong nước phải chấp hành các quy định về thuế, phí, nghĩa vụ với nhà nước. Trong khi các OTT ngoại vừa không bị kiểm duyệt nội dung, họ lại bán giá rẻ nên người xem chuyển sang đó rất nhiều", ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, cho hay.

Điều đáng tiếc là nhiều đơn vị trong nước vẫn liên tục quảng bá cho nội dung, các gói dịch vụ của họ.

Dùng luật pháp hay chờ đợi ở tính chính trực của các thương hiệu?

Thực trạng phát hành phim, video thu phí người dùng, bán quảng cáo nhưng chưa được cấp phép dẫn đến thất thu thuế, rủi ro trong giao dịch, lan truyền nội dung xấu độc, vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam, gây sức ép lớn tới cơ hội phát triển của các OTT nội.

Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất sớm hoàn thiện, ban hành Nghị định 06 sửa đổi để quản lý chặt chẽ, bình đẳng giữa các nền tảng trong và ngoài nước.

Trong khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang dự thảo bổ sung quy định mới để yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm cao hơn khi quảng cáo trên môi trường trực tuyến.

"Những người cung cấp dịch vụ quảng cáo cũng như người mua quảng cáo phải có trách nhiệm không để quảng cáo của mình bị gắn vào những nơi không phù hợp với quy định pháp luật", ông Lê Quang Tự Do, Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định.

Theo các chuyên gia công nghệ, trên Internet, việc lựa chọn hiển thị hay không hiển thị quảng cáo của mình ở đâu là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc giá thành rẻ vẫn khiến nhiều đại lý quảng cáo đẩy thương hiệu của khách hàng lên các kênh không phép, nội dung độc hại.

Thế nhưng, cũng không thể phủ định trách nhiệm của các nhãn hàng khi giá rẻ lại luôn là tiêu chí họ ưu tiên.

"Tôi cho rằng, tính chính trực của các thương hiệu là quan trọng nhất nếu thương hiệu đó muốn xây dựng uy tín dài hạn. Về khía cạnh nào đó của một doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam mà lại giúp cho các doanh nghiệp khác trốn thuế thì đấy là một hành vi bất minh và chúng ta cũng cũng phải lên án những cái hành vi như vậy", ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê, khẳng định..

Ông Vinh cũng cho biết, hiện nhiều đại lý quảng cáo có cả pháp nhân nước ngoài, do đó dòng tiền thanh toán không chịu kiểm soát bởi các cơ quan quản lý và đó là lý do gây thất thoát lớn cho ngân sách quốc gia.

Theo VTV

Chủ đề khác