VnReview
Hà Nội

Phải chăng “console war” đã kết thúc khi Microsoft ngầm nhận thua?

Cái gọi là "console war" có lẽ đã kết thúc ở thế hệ PS4 và Xbox One, với phần thắng nghiêng về đội Nhật Bản một cách tuyệt đối. Tiếp theo, Sony và Microsoft có lẽ không còn mặn mà cạnh tranh nhau nữa.

Microsoft nói nhiều về tăng trưởng thuê bao của dịch vụ Xbox Game Pass. Còn Sony vẫn nhắc đi nhắc lại về dàn game độc quyền của mình. Công ty nghiên cứu thị trường Newzoo cho biết, console sẽ chiếm 45,2 tỷ USD trong tổng 159 tỷ USD doanh thu của thị trường game năm nay. Có lẽ hai công ty giờ đã vui vẻ chia sẻ với nhau số doanh thu này, thay vì cố gắng "đấu đá" đối thủ.

"Console war" hay "đại chiến máy chơi game" chỉ còn là câu chuyện quá khứ. Nó không còn nữa khi mà một bên đã đầu hàng, tìm hướng đi mới. Hầu như các hãng nghiên cứu thị trường đều dự báo nghiêng về Sony PlayStation, doanh số ít nhất cũng cách biệt 2:1 hoặc có thể lớn hơn. Ở lần quyết đấu vừa rồi, PS4 bỏ xa Xbox One với 113,7 triệu so với 48,4 triệu máy, gấp 2,3 lần.

Phân khúc console đứng thứ hai trong thị trường game, tạo ra 45 tỷ USD doanh thu (ảnh: Newzoo)

Sony chỉ dùng duy nhất một chiêu để đánh bại Microsoft và bẻ gãy "đấu chí" của đối thủ - game độc quyền. Với màn ra mắt PS5 vừa rồi, họ đã giới thiệu ngay hai trò chơi Spider-Man: Miles MoralesDemon's Soul. Sang đến 2021 và các năm tiếp theo, hãng hứa hẹn về các tựa game hấp dẫn như Final Fantasy XVI, God of War: Ragnarok,...

Microsoft không có bất cứ cơ hội nào và nếu cố gắng ứng chiến, họ sẽ chỉ lặp lại thất bại như cũ mà thôi. Thay vào đó, công ty Mỹ tỏ ra khôn ngoan khi chọn cách rút lui, không cố gắng đối đầu trực diện với PlayStation nữa. Họ tung ra một mẫu giá rẻ chỉ 300 USD nhằm lôi kéo khách hàng tham gia hệ sinh thái.

Microsoft thừa hiểu họ không thể thắng Sony, nắm trong tay lợi thế sở hữu các thương hiệu game bên thứ nhất chất lượng, cùng với tên tuổi lâu năm trong ngành. Họ đầu tư vào một cuộc chơi dài hơi hơn - xây dựng hệ sinh thái xoay quanh Xbox Game Pass. Với Xbox Series S giá rẻ là "mồi câu" hoàn hảo. Dịch vụ thu phí 10-15 USD mỗi tháng, cung cấp thư viện game phong phú theo mô hình Netflix.

Microsoft quan tâm đến việc có nhiều người chơi game của họ, không phải bán được nhiều máy chơi game (ảnh: Microsoft)

Không như Sony chỉ tập trung vào console, dịch vụ của Microsoft hoạt động đa nền tảng, từ Xbox, PC cho tới cả thiết bị di động (hiện đã mở cho Android). Hãng hứa hẹn cập nhật thư viện thường xuyên, đảm bảo bạn luôn có các đầu game mới để khám phá. Trưởng bộ phận phần cứng và kỹ thuật nền tảng của Microsoft, bà Liz Hamrem, nói với Variety: "Gaming không còn lấy thiết bị làm trung tâm nữa, bây giờ là một kỷ nguyên hoàn toàn mới với người chơi".

Theo Phó chủ tịch công ty Mỹ, người chơi mới là trọng tâm trong kế hoạch phát triển nền tảng gaming thế hệ tiếp theo của họ. Họ quan tâm đến console và phát triển Xbox vì có những người vẫn muốn chơi game tại phòng khách, với ghế sofa, nước ngọt, màn hình lớn cùng tay cầm. "Không cần biết bạn chơi game bằng cách nào, chúng tôi sẽ đáp ứng tất cả" - bà cho biết.

Sony thực ra cũng có nền tảng cloud gaming của riêng mình, PS Now, chi phí 10 USD mỗi tháng và truy cập vào thư viện hơn 700 game. Dịch vụ cho phép chơi trên cả PC và PlayStation nhưng đa phần các game là đời cũ, tốc độ cập nhật chậm hơn Xbox Game Pass. Hiện tại, PS Now có khoảng hơn 2 triệu thuê bao đăng ký, thấp hơn khá nhiều so với đối thủ Mỹ.

Với dàn game độc quyền chất lượng, Sony đã đánh bại Microsoft ở lần "console war" cuối cùng (ảnh: USgamer)

Theo Tim Gettys, đồng sáng lập hệ thống kênh podcast và YouTube Kinda Funny Games, cách làm nhấn mạnh vào game độc quyền của Sony vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của game thủ. Nhận xét về Xbox dưới sự lèo lái của Phil Spencer - tránh đối đầu với thế mạnh đối thủ mà lấy ưu thế của mình để xây dựng chiến lược mới - đang xây dựng một hệ sinh thái khá tốt.

Bởi dù Xbox có bán được hay không, họ vẫn thu được tiền từ người đăng ký dịch vụ trên PC, Android. "Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên trong đời, sẽ là một cơ hội cực kỳ cực kỳ tốt để sở hữu cùng lúc cả Nintendo Switch, PlayStation 5 lẫn Xbox Game Pass - nói luôn tôi không nhắc đến Xbox Series X nhé" - anh cho biết. Microsoft chỉ quan tâm tới việc bán gói Game Pass, còn bạn chơi ở đâu - Xbox, PC hay bất cứ thiết bị nào - là lựa chọn của bạn.

Thay vì cạnh tranh trực tiếp với Sony mà chắc chắn sẽ thua, cũng như không thể cạnh tranh với Nintendo hiện đang độc tôn mảng handheld (ngay cả Sony cũng đã bị đánh bại), Microsoft tìm ra cách chung sống với cả hai. Họ có ưu thế về dịch vụ đám mây (Azure), hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới (Windows), vậy còn cố giành chiến thắng ở "console war" làm gì?

Biết chắc sẽ thua nên Microsoft đã chọn phương án rút lui khỏi "console war" (ảnh: numerama)

Họ muốn bạn chơi Game Pass. Họ muốn bạn đăng ký và duy trì nó hàng tháng cho đến vĩnh viễn, đó mới chính là tương lai mà Microsoft thuộc về. Người Nhật đã đi trước ở thị trường console, đã định ra luật chơi "nội dung độc quyền đi trước, phần cứng giá rẻ theo sau", cứ cố bám theo và chơi theo cách của họ, không riêng Microsoft mà bất kỳ công ty nào cũng sẽ thất bại.

Theo Mat Piscatella, làm việc tại hãng nghiên cứu NDP Group, việc cùng sở hữu nhiều máy console đang trở nên phổ biến. Người chơi có thể mua cả PS4 và Xbox One, hoặc dùng cặp PS4 (Xbox One) với PC, nhằm trải nghiệm tối đa nhiều tựa game nhất có thể. Khi Switch xuất hiện, không ít người đã sắm thêm để chơi các game độc quyền của Nintendo dù đã sở hữu PS4, PC.

Tuy vậy, dù xem như không còn cạnh tranh nữa thì cả Microsoft và Sony đều đang gặp khó. Đối thủ của họ lần này khong phải công ty nào cả mà là… đại dịch COVID-19. Khi đại dịch bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ khiến việc sản xuất các máy chơi game đều gặp khó khăn. Kỳ nghỉ lễ đến, cả hai công ty đều vật lộn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Sony và Microsoft đều gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu các mẫu console mới (ảnh: Getty Images)

Và cũng chính đại dịch đã buộc mọi người phải ở nhà, hình thức giải trí bằng chơi game nở rộ hơn bao giờ hết, khiến nhu cầu mua sắm console lên cao chưa từng có trong lịch sử. Kết quả, Xbox Series X/S và PlayStation 5 đều cháy hàng nhanh chóng, đơn giản vì họ không chuẩn bị đủ như mọi năm. Vấn đề then chốt không còn là cuộc chiến đáp ứng sản phẩm mong muốn nữa, mà là ai có thể đặt vào tay khách hàng sản phẩm sớm hơn.

Ý kiến của Mat Piscatella hoàn toàn chính xác, bởi theo báo cáo thị trường vừa phát hành của công ty ông, mẫu console bán chạy nhất tháng Mười Một không phải PS5 hay Xbox Series X. Đó là Nintendo Switch, đánh dấu tháng thứ 24 liên tiếp sản phẩm này đứng đầu doanh số ở Bắc Mỹ. Doanh số hai phiên bản Switch lên tới 1,35 triệu máy, dễ dàng đánh bại hai console thế hệ mới.

Nguyên nhân rất đơn giản, đây là mẫu console đời cũ nên chuỗi cung ứng đã trưởng thành, tốc độ đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn hẳn hai sản phẩm mới. Theo The Verge, Switch sẵn hàng hơn nên dễ mua hơn, những người không chờ được PS5 hay Xbox Series X có thể mua ngay để chơi tạm trong ít tháng tới. Bởi theo dự báo, tình trạng khan hàng sẽ còn kéo dài tới hết quý 1 năm sau, bất kể là console Sony hay Microsoft.

Ba công ty đứng đầu ở phân khúc console lần lượt là Sony, Nintendo và Microsoft đã tìm ra cách để cùng chung sống với nhau (ảnh: Internet)

Hoạt động chơi game đang ngày càng trở nên đại chúng hơn bao giờ hết, xã hội dần có cái nhìn tích cực hơn nhất là sau thời dịch vừa rồi. Khách hàng cũng chịu chi hơn trước, bằng chứng là doanh số bán trò chơi liên tục tăng khi nhu cầu giải trí bùng nổ. Ở trong ngành công nghiệp gaming đang có quy mô lớn hơn cả âm nhạc và phim ảnh cộng lại, không có ai là kẻ thua cuộc.;

Microsoft đã thua trong cuộc đại chiến máy chơi game cuối cùng, khi Xbox One thất bại trước PlayStation 4. Nhưng, với sự ra mắt của Xbox Series X/S và PlayStation 5, chẳng còn đại chiến console nào cũng như không còn ai là kẻ thua cuộc. Dù là Sony, Nintendo hay Microsoft, tất cả đều đã có hướng đi riêng để chung sống, cùng kiếm tiền từ cộng đồng game thủ.

Ambitious Man

Chủ đề khác