VnReview
Hà Nội

Góc khuất cay đắng đằng sau mỗi chiếc iPhone

Khi các công nhân tràn vào đập phá cơ sở sản xuất iPhone tại miền nam Ấn Độ, họ đã gây ra thiết hại hàng triệu USD. Đồng thời, vén màn thế lực công đoàn đầy quyền lực ở quốc gia này.

Thủ tướng Modi muốn Ấn Độ thay thế Trung Quốc, trở thành điểm đến của các tập đoàn toàn cầu, một cường quốc về gia công sản xuất trong ngành điện tử. Khi mà chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang, tham vọng thúc đẩy đất nước của ông càng thuận lợi đạt được những bước tiến mới.

Tuy nhiên, sự cố vừa xảy ra tại bang Karnataka, nơi đặt một cơ sở sản xuất iPhone của công ty Đài Loan Wistron đã đặt ra những thách thức mới. Các công nhân theo hợp đồng được báo cáo đã trở nên nổi giận vì tiền lương chậm chi trả. Phía Wistron sau đó xác nhận thiệt hại có thể lên tới 7 triệu USD, không cho biết nhiều hơn ngoài việc sẽ điều tra và hỗ trợ các công nhân.

Có thật chỉ là trường hợp "cá biệt" hay không?

Một số cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ chưa sẵn sàng để thay thế Trung Quốc, các quan chức Ấn Độ lại nói rằng vụ hỗn loạn chỉ là một trường hợp cá biệt, tổng thể môi trường lao động vẫn đang được cải thiện. Chủ tịch Unnikrishnan tại Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết: "Văn hóa đình công đã xuống thấp tại Ấn Độ". Nhắc đến vụ Wistron ông khẳng định đó chỉ là "cá biệt" mà thôi.

Nhà máy Wistron sản xuất iPhone cho Apple (ảnh: Reuters)

Unnikrishnan cũng phản bác quan điểm cho rằng các công nhân Ấn Độ rất tích cực tham gia và tổ chức đình công hoặc gây gián đoạn việc kinh doanh. Theo ông thì chỉ có một vài vụ đình công lớn xảy ra trong cả thập kỷ qua, các trong các trường hợp đó thì các công nhân tham gia vì "nổi giận và mất kiểm soát những cảm xúc bị dồn nén… Bởi vì những hứa hẹn trước đó đã không thành sự thật. Khoảng cách [giữa người quản lý và công nhân] vượt quá cả tiêu chuẩn chung của thế kỷ 21".

Theo số liệu báo cáo từ chính phủ gần nhất có được năm 2018, số vụ đình công với 10 công nhân tham gia trở lên đã giảm mạnh, từ 579 năm 2002 xuống còn 102 vào 2016. Số ngày công bị mất đã giảm từ 26,5 triệu xuống còn 1,27 triệu. Bên cạnh đó, chính phủ cũng vừa thông qua bộ luật gây khó khăn cho công đoàn trong việc tổ chức đình công hơn. Các công ty tăng cường sử dụng lao động theo hợp đồng, những người không tham gia công đoàn.

Các công ty nước ngoài đã lường trước nguy cơ

Theo Madan Sabnavis làm việc tại CARE Ratings, những rắc rối về lực lượng lao động sẽ không ảnh hưởng tới các nhà đầu tư. "Tất cả các nhà đầu tư đều biết về luật lao động, họ thậm chí còn xem xét tổng thể các khía cạnh của vấn đề". Đó là nhu cầu, năng suất, khả năng truy cập tới nguồn nguyên liệu thô và tổng quát về khung chính sách.

Vụ đập phá xoay quanh vấn đề trả lương đã gây chấn động truyền thông Ấn Độ (ảnh: The News Minute)

Như vậy, kể cả khi vấn đề của người lao động bị xem là tiêu cực, các nhà đầu tư vẫn sẽ chuẩn bị trước khi đến đây. Bọn họ biết rõ tại các quốc gia đang phát triển, sẽ luôn có những vấn đề phát sinh. Một công ty Đài Loan khác cũng là nhà cung cấp của Apple, Pegatron, vừa xác nhận đang theo sát vụ việc của Wistron. Đây là nhà lắp ráp iPhone lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Foxconn.

Công ty đang xây dựng một cơ sở gần Chennai, thủ đô của bang Tamil Nadu. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động nửa sau năm 2022. Chủ tịch Pegatron là ông Tung Tzu-Hsien tỏ ra lạc quan với việc đầu tư vào Ấn Độ. Theo ông, nó giống như khi họ mới tới Trung Quốc cách đây mấy thập kỷ, có hàng tá các vấn đề về cơ sở hạ tầng. Ông tin rằng rồi thì mọi chuyện sẽ dần cải thiện và trở nên tốt hơn.

Người lao động chưa được lắng nghe

Ấn Độ là một quốc gia có hoạt động công đoàn rất phát triển, đã "cắm rễ" từ đầu những năm 1920, khi thực dân Anh còn nắm quyền kiểm soát. Giáo sư A. Venkataraman, giảng dạy về nguồn nhân lực tại Khoa Nghiên cứu Quản lý, Đại học Delhi, cho biết những người đấu tranh giành tự do cho Ấn Độ đã nhận ra rằng cần phải "làm tê liệt bộ máy kinh tế". Việc đó dẫn tới một cuộc đình công có tổ chức, mang mục đích chính trị và diễn ra trên quy mô lớn.

Năm 2012 từng xảy ra một vụ đốt phá nhà máy tại cơ sở của Suzuki (ảnh: India Today)

Nhiều vụ xung đột giữa công đoàn với các doanh nghiệp nước ngoài xảy ra gần đây, là hệ quả của việc hiểu lầm văn hóa đi cùng sự thất vọng về môi trường làm việc. Trong năm 2012, đã xảy ra cuộc đụng độ giữa công nhân với quản lý tại nhà máy Maruti Suzuki, phía bắc bang Haryana, dẫn tới một vụ cháy làm sập cơ sở và giết chết một quản lý.

Vụ việc được cho là châm ngòi do một quản lý đã dùng những lời lẽ nặng nề, mang tính xúc phạm đẳng cấp với người công nhân, thì cốt rễ vấn đề đã âm ỉ từ lâu. Đó là sự bất mãn giữa những công nhân toàn thời gian với hợp đồng, đòi hỏi phải tăng lương và thành lập công đoàn đảm bảo quyền lợi.

Một ví dụ khác là vào giữa năm 2000, cơ sở Honda Motorcycle và Scooter Ấn Độ bị cháy. Khoảng 2.700 công nhân trước đó đã bắt đầu áp dụng chiến thuật tuyệt thực và lãn công để phản đối việc sa thải bốn đồng nghiệp, cùng những yêu sách không được đáp ứng. "Giọt nước tràn ly" cuối cùng là khi một nhà quản lý người Nhật đi xung quanh để đo năng suất cùng một cây thước, sau đó đã vỗ mạnh vào một nhân công theo đạo Sikh, đến nỗi khăn xếp anh ta rơi xuống.

Người lao động trong vụ đình công năm 2000 tại cơ sở sản xuất Honda (ảnh: Mint)

Đối với người theo đạo Sikh, quấn khăn xếp là một hành động rất quan trọng, vậy nên vụ bạo động sau đó có một phần liên quan tới cả niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Tuy vậy, theo lí giải của giáo sư Venkataraman, đình công không phải biện pháp được ưu tiên áp dụng. Đó là hệ quả sau hàng loạt những ấm ức chịu đựng và nỗi thất vọng không được giải tỏa.

Việc gia tăng sử dụng lao động hợp đồng của các hãng xe cũng tiềm tàng nguy cơ. Do lao động xuất thân từ các gia đình nông dân, có rất nhiều căng thẳng về đẳng cấp ở đây. Ngoài ra, người lao động cũng ít có những kênh thông tin để tiếp cận với tầng lớp quản lý. Vụ việc đáng tiếc xảy ra ở nhà máy iPhone có thể chỉ là hệ quả tất yếu, khi nỗi lòng của những người công nhân không được lắng nghe suốt thời gian dài.

Sự phản kháng là tất yếu

Theo một thanh tra chính phủ Ấn Độ, nhà máy đã tăng số lượng lao động nhanh chóng khi yêu cầu lắp ráp iPhone đổ về, cùng với đó là các vi phạm cũng xảy ra thường xuyên hơn. Truyền thông Ấn Độ đều đưa ra nguyên nhân là do chậm trễ trả lương khiến hàng ngàn người nổi giận, hủy hoại máy móc và đốt phá nhà máy.

Áp lực sản xuất iPhone đã khiến nhà máy Wistron để xảy ra nhiều sai phạm từ trước (ảnh: Blommberg)

Theo báo cáo, nhân công tại đây đã tăng từ 5.000 lên 10.500 chỉ trong thời gian ngắn, cho thấy vấn đề về áp lực trả lương có thể là thật. "Mặc dù 10.500 công nhân đang làm việc trong nhà máy, bộ phận nhân sự lại chưa được bố trí đủ nhân viên có kiến ​​thức tốt về luật lao động" - báo cáo cho biết. Wistron đã bổ sung ca làm 12 giờ so với 8 giờ trước đó, nhưng lại không làm rõ được các khoản lương chi trả làm thêm.

Họ cũng không thông báo đầy đủ với quản lý nhà máy về các ca làm mới. Hệ thống chấm công cũng bị thay đổi mà không khắc phục được sự cố trong hai tháng, khiến nhiều nhân viên bị chấm sai ngày công. Chính sự thiếu nhất quán giữa các cấp quản lý đã dẫn đến "ngọn lửa" bùng lên, vì người lao động cho rằng bị đối xử bất công.

Báo cáo còn có hé lộ những sự thật cay đắng khác đằng sau chiếc iPhone mà nhà máy làm ra. Bao gồm "trả lương thấp cho nhân viên hợp đồng và nhân viên dọn phòng, bắt nhân viên nữ làm thêm giờ trái phép". Vài giờ sau vụ nổi loạn, một cuộc kiểm tra của chính phủ cũng tìm thấy có những vi phạm khác, theo Reuters.

Quy mô sản xuất dường như đã vượt quá năng lực quản lý của Wistron, vụ đập phá nhà máy chỉ phơi bày ra những yếu kém tận sâu bên trong. Đằng sau mỗi chiếc iPhone, luôn là câu chuyện mưu sinh của những người lao động.

Ambitious Man (tham khảo Nikkei)

Chủ đề khác