VnReview
Hà Nội

Sáu bí mật giúp tỷ phú lập dị Elon Musk thành công

Elon Musk vừa trở thành người giàu nhất thế giới, soán ngôi của nhà sáng lập Amazon là Jeff Bezos.

Tài sản ròng của vị doanh nhân đứng sau Tesla và SpaceX hiện vượt mốc 185 tỷ USD sau một đợt tăng giá cổ phiếu của công ty xe hơi điện nổi tiếng nước Mỹ.

Vậy Elon Musk có bí quyết gì giúp công việc kinh doanh thuận lợi đến vậy?

1. Không phải vì tiền

Đây là yếu tố có vai trò trung tâm trong thái độ của Elon Musk đối với kinh doanh.

Khi được phỏng vấn vào năm 2014, ông thậm chí chẳng hề biết mình giàu đến mức nào.

"Tôi không có một núi tiền mặt chất đống ở đâu đó. Sự thật là tôi chỉ có một lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết nhất định trong Tesla, SpaceX, và SolarCity, và chúng thì có giá trị trên thị trường",;Musk nói.

Ông không phê phán việc theo đuổi sự giàu có "nếu điều đó được thực hiện một cách có đạo đức và có phương pháp tốt", nhưng khẳng định đó không phải là thứ tạo động lực cho mình.

Và có vẻ như hướng đi của Elon Musk thực sự hiệu quả.

Vị tỷ phú được lấy làm nguồn cảm hứng cho nhân vật Tony Stark (Người sắt) do Robert Downey Jr thủ vai có tài sản ròng vào khoảng 10 nghìn tỷ USD khi tham giam cuộc phỏng vấn nói trên.

Nhân vật Người sắt do Robert Downey Jr thể hiện lấy cảm hứng từ Elon Musk

Công ty xe hơi điện của ông, Tesla, hoạt động đặc biệt hiệu quả. Trong năm vừa qua, cổ phiếu của công ty đã tăng vọt và đưa giá trị của công ty lên hơn 700 nghìn tỷ USD. Với số tiền này, bạn có thể mua Ford, General Motors, BMW, Volkswagen, và Fiat Chrysler, và vẫn còn đủ để mua thêm Ferrari nữa!

Nhưng Musk, hiện 50 tuổi, không nghĩ đến chuyện chết trên núi tiền của mình. Ông cho biết phần lớn số tiền đó sẽ được chi cho việc xây dựng một căn cứ trên Sao Hoả, và sẽ không ngạc nhiên nếu dự án này tiêu tốn toàn bộ gia tài.

Trên thực tế, giống Bill Gates, Musk có lẽ xem việc từ biệt cõi đời với hàng tỷ đô trong ngân hàng chẳng khác gì dấu hiệu của thất bại, bởi ông đã không tiêu tiền cho những điều tốt đẹp.

2. Theo đuổi đam mê

Căn cứ trên Sao Hoả là một manh mối cho chúng ta thấy thứ mà Elon Musk tin là chìa khoá dẫn đến thành công.

"Bạn muốn mọi thứ trong tương lai trở nên tốt hơn. Bạn muốn những thứ hấp dẫn mới mẻ có thể khiến cuộc sống tốt hơn".

Lấy SpaceX làm ví dụ. Musk nói rằng ông lập nên công ty bởi quá bực bội với việc chương trình không gian của Mỹ chưa đủ tham vọng.

"Tôi luôn kỳ vọng chúng ta sẽ tiến xa hơn Trái đất, và đưa được người lên Sao hoả, và lập căn cứ trên mặt trăng, và thực hiện những chuyến bay với tần suất rất thường xuyên lên quỹ đạo" - ông nói.

Bởi điều đó chẳng hề xảy ra, ông đã nảy ra ý tưởng "Sứ mệnh Ốc đảo Sao Hoả", với mục tiêu gửi lên hành tinh đỏ một ngôi nhà kính nhỏ. Với ý tưởng này, ông muốn làm mọi người hứng thú trở lại với việc khám phá vũ trụ và thuyết phục chính phủ Mỹ tăng ngân sách cho Nasa.

Nhưng trong quá trình tìm cách biến ý tưởng thành hiện thực, Musk nhận ra rằng vấn đề không phải là "thiếu ý chí, mà là thiếu phương thức" - công nghệ không gian lúc bấy giờ quá đắt đỏ so với mức cần thiết.

Và thế là, công ty tên lửa rẻ nhất thế giới đã ra đời!

Và đây là điều quan trọng: công ty này không ra đời để biến thành cỗ máy in tiền, mà là để đưa người lên Sao Hoả.

Musk nói rằng ông xem bản thân như một kỹ sư hơn là một nhà đầu tư, và cho biết thứ dựng ông dậy vào mỗi sáng là khao khát giải quyết được những vấn đề về kỹ thuật.

Đó mới là thước đo thành công của Musk, chứ không phải là tiền đô trong ngân hàng. Ông biết mọi rào cản mà các doanh nghiệp của mình vượt qua được sẽ giúp ích cho mọi người khác, những người cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề tương tự - và ông sẽ mãi mãi làm điều đó.

Đó là lý do tại sao chỉ một thời gian ngắn trước cuộc phỏng vấn năm 2014, vị doanh nhân này đã công bố sẽ mở mọi bằng sáng chế của Tesla nhằm tăng tốc quá trình phát triển của các phương tiện chạy trên trên toàn cầu.

3. Đừng sợ nghĩ lớn

Một trong những điều thực sự ấn tượng về các doanh nghiệp của Elon Musk là tính táo bạo của chúng.

Nhà máy Gigafactory của Tesla tại Thượng Hải

Ông muốn cách mạng hoá ngành công nghiệp xe hơi, thuộc địa hoá Sao Hoả, xây dựng nên những chiếc tàu siêu nhanh chạy trong đường hầm chân không, tích hợp AI vào não người, và thúc đẩy các ngành công nghiệp điện và pin mặt trời.

Có một điểm chung giữa tất cả những điều đó. Mọi dự án của Musk đều giống như những ảo tương viễn vông mà bạn có thể thấy trên một tờ báo dành cho thiếu nhi vào đầu thập niên 1980.

Đó là lý do tại sao chẳng ai ngạc nhiên khi ông đặt tên cho công ty đào hầm của mình là "The Boring Company".

Musk không hề giấu giếm sự thật là ông được truyền cảm hứng bởi nhiều cuốn sách và phim ảnh từng xem khi còn là một cậu nhóc ở Nam Phi.

Điều này dẫn chúng ta đến với bí quyết kinh doanh thứ ba của Musk: đừng ngần ngại.

Ông tin rằng tham vọng thấp đã ăn sâu vào cấu trúc của hầu hết các công ty.

Theo Musk, hiện nay có quá nhiều công ty theo chủ nghĩa "thay đổi từng bước một". "Nếu bạn là CEO của một công ty lớn và bạn nhắm đến một thứ gì đó chỉ là một sự cải tiến khiêm tốn, và mọi thứ diễn ra lâu hơn so với dự kiến, và kết quả thu được cũng không tốt cho lắm, thì sẽ không ai chê bai bạn đâu", ông nói. "Bạn có thể nói rằng đó không phải lỗi của tôi, đó là do bên cung ứng".

Nếu bạn can đảm, và theo đuổi một cải tiến thực sự đột phá, và nó không cho kết quả mong muốn, bạn chắc chắn sẽ bị sa thải - Musk nói - đó là lý do tại sao hầu hết các công ty tập trung vào những cải tiến nhỏ đối với các sản phẩm hiện có của họ thay vì dám hình dung ra những thứ hoàn toàn mới mẻ.

Do đó, lời khuyên của Musk là hãy đảm bảo bạn đang làm thứ mà ông gọi là "những điều sẽ có ý nghĩa".

Có hai thứ nổi bật nhất trong "những điều sẽ có ý nghĩa" của Elon Musk.

Đầu tiên, ông muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch.

Ông nói về điều đó như sau: "Chúng ta đang rút nhiên liệu từ những mỏ khí sâu và những mỏ dầu sâu vốn chưa hề thấy ánh sáng mặt trời kể từ kỷ Cambrian. Nếu lần cuối cùng ánh sáng đến được những nơi đó là khi dạng sống phức tạp nhất còn là một con bọt biển, bạn thực sự cần đặt ra câu hỏi liệu đó có phải là một nước đi khôn ngoan hay không".

Thứ hai, ông muốn đảm bảo sự tồn tại lâu dài của nhân loại bằng cách thuộc địa hoá Sao Hoả và đưa con người đến sống trên nhiều hành tinh.

Đúng là nghĩ lớn!

4. Sẵn sàng đón nhận rủi ro

Đây là điều hiển nhiên trong kinh doanh.

Bạn phải "mặt dày" mới trụ vững được trên thương trường, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Elon Musk đã đón nhận rủi ro nhiều hơn hầu hết mọi người khác.

Đến năm 2002, ông đã bán toàn bộ cổ phiếu của mình trong hai công ty đầu tiên, một dịch vụ dẫn đường trong thành phố gọi là Zip2, và công ty thanh toán trực tuyến PayPal. Lúc đó Musk mới chỉ bước vào tuổi 30 và đã có gần 200 triệu USD trong ngân hàng.

Ông nói rằng kế hoạch của mình là đưa một nửa số tài sản đó vào các doanh nghiệp và giữ lại nửa kia.

Mọi thứ không như mong đợi. Vào thời điểm diễn ra cuộc phỏng vấn nói trên, Musk vừa thoát khỏi thời kỳ đen tối nhất trong cuộc đời kinh doanh của ông.

Các công ty mới của Musk đã đối mặt với đủ loại rắc rối. Ba lần phóng đầu tiên của SpaceX thất bại thảm hại, và Tesla thì gặp vô vàn vấn đề với dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng, lẫn thiết kế.

Tiếp đó là khủng hoảng kinh tế diễn ra.

Musk nói ông đã đối mặt với một lựa chọn khó khăn: "Tôi có thể hoặc giữ lại tiền, còn các công ty chắc chắn sẽ chết, hoặc đầu tư những gì còn lại và có thể sẽ có một cơ hội".

Ông đã tiếp tục vung tiền.

Đã có lúc, Musk nợ nần nhiều đến nỗi phải vay mượn từ bạn bè chỉ để trang trải cho cuộc sống.

Bạn có nghĩ nguy cơ phá sản khiến ông lo sợ?

Musk nói rằng không hề: "Lũ nhóc nhà tôi có thể phải đi học trường công. Chuyện quan trọng đấy. Nhưng tôi cũng học trường công ra mà". (!)

5. Lơ đi những lời chỉ trích

Điều thực sự gây sốc cho Musk - và rõ ràng là vào thời điểm cuộc phỏng vấn năm 2014, ông vẫn rất buồn vì điều đó - là sự hả hê của nhiều chuyên gia và nhà bình luận trước những khó khăn ông gặp phải.

Tesla Model X

"Sự sung sướng trên đau khổ của người khác thực sự rất lạ lùng. Có nhiều blog thậm chí trưng lên một cái đồng hồ đếm ngược ngày chết của Tesla" - Musk nói.

Có lẽ người ta muốn thấy Musk thất bại bởi tham vọng của ông có chút gì đó kiêu ngạo.

Nhưng ông phủ nhận điều đó. "Tôi nghĩ sẽ là kiêu ngạo nếu chúng ta nói chúng ta chắc chắn sẽ làm điều gì đó, trái ngược với việc chúng ta khao khát làm điều gì đó và sẽ cố gắng hết mình".

Câu nói này đưa chúng ta đến bài học tiếp theo trong thành công của Musk - đừng nghe những lời chỉ trích.

Ông nói rằng ông không tin SpaceX hay Tesla sẽ kiếm ra tiền khi thành lập chúng - và sự thật là mọi người khác cũng chẳng tin điều đó.

Nhưng ông mặc kệ những kẻ "thối mồm" và tiếp tục thực hiện kế hoạch.

Tại sao? Nên nhớ, đây là người đàn ông đánh giá thành công dựa trên những vấn đề quan trọng mà mình giải quyết được, chứ không phải số tiền ông làm ra.

Quả là phóng khoáng, đúng chứ? Musk không lo lắng về việc mình sẽ trông ngu ngốc ra sao khi ván cược tài chính lớn của ông không thành công như ý, điều ông quan tâm là theo đuổi những ý tưởng quan trọng.

Điều đó khiến việc đưa ra quyết định trở nên đơn giản hơn nhiều, bởi ông có thể tập trung vào những thứ ông tin là thực sự có ý nghĩa.

Và thị trường dường như thích những thứ Musk đang làm.

Vào tháng 10, ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley định giá SpaceX đến 100 nghìn tỷ USD.

Công ty của Musk đã biến đổi nền kinh tế hàng không vũ trụ, nhưng điều khiến Musk tự hào nhất chính là cách mà công ty của ông đã tái thiết lại chương trình không gian của Mỹ.

Năm ngoái, tên lửa Crew Dragon của ông đã đưa 6 phi hành gia lên trạm không gian ISS - sứ mệnh đưa người lên ISS đầu tiên được thực hiện trên lãnh thổ Mỹ kể từ khi các tàu con thoi được cho "nghỉ hưu" vào năm 2011.

6. Tận hưởng thú vui của bản thân

Làm theo hướng dẫn này, cùng với một chút may mắn, bạn có thể sẽ trở nên giàu có không tưởng, và nổi tiếng nữa. Và rồi bạn có thể bắt đầu thoát ra khỏi vỏ bọc của mình.

Elon Musk nổi tiếng là người ham công việc - ông từng làm việc 120 giờ/tuần để đảm bảo quá trình sản xuất chiếc Tesla Model 3 được duy trì đúng tiến độ - nhưng ông cũng luôn tận hưởng thú vui của bản thân.

Musk từng thổi bùng lên tranh cãi với nhiều vụ kiện tụng gây mất danh dự, xuất hiện với bộ dạng phì phèo khói thuốc khi livestream, và thường xuyên đăng tải những nội dung gây hoang mang trên mạng xã hội.

Năm 2018, Musk gặp rắc rối với các cơ quan tài chính Mỹ khi nói trên Twitter rằng ông dự định biến Tesla thành công ty tư nhân, và khi đại dịch COVID-19 buộc Tesla phải đóng cửa nhà máy tại vùng vịnh San Francisco, ông lên tiếng phản đối quy định cách ly xã hội của chính phủ.

Musk nói những sợ hãi xoay quanh virus corona là "ngu ngốc", và miêu tả sắc lệnh giãn cách tại nhà là "bỏ tù cưỡng ép", nói rằng chính quyền Mỹ là lũ phát xít và đó là hành vi phá hoại quyền hiến pháp.

Hồi mùa hè năm qua, ông công bố kế hoạch bán hết mọi tài sản vật chất với lý do chúng "khiến bạn bị trì trệ".

Nhiều ngày sau đó, ông lên Twitter để khoe với thế giới về đứa con trai mới sinh, rằng ông sẽ đặt tên cậu bé là X Æ A-12 Musk (sau phải đổi thành X Æ A-XII Musk vì quy định đặt tên không cho phép sử dụng chữ số).

Ấy thế nhưng, những hành vi không thể dự đoán được đó dường như không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của ông, và doanh nhân này vẫn tham vọng như mọi khi.

Vào tháng 9, Musk khẳng định Tesla sẽ sản xuất một chiếc xe giá chỉ 25.000 USD trong vòng 3 năm tới, và nói rằng sẽ sớm thôi, mọi xe hơi mới của công ty đều sẽ hoàn toàn tự lái.

Và năm 2020 của Musk kết thúc với một cú bùng nổ cực lớn theo đúng nghĩa đen: vào tháng 12, SpaceX đã phóng thử nghiệm tàu vũ trụ Starship, con tàu mà Musk hi vọng sẽ đưa những con người đầu tiên lên Sao Hoả.

Tàu vũ trụ Starship của SpaceX

Tàu vũ trụ khổng lồ này đã phát nổ khi rơi xuống đất chỉ 6 phút sau khi cất cánh.

Elon Musk, ngược với mọi đồn đoán, ca tụng lần phóng thử này là một thành công "tuyệt vời"!

Minh.T.T theo BBC

Chủ đề khác