VnReview
Hà Nội

"Ăn nên làm ra", Samsung chuẩn bị đổ 30 tỉ USD vào mảng bán dẫn

Samsung Electronics dự định sẽ đầu tư hơn 30 tỉ USD cho hoạt động sản xuất bản dẫn của mình. Đây là lần đầu tiên trong năm nay công ty chi mạnh tay cho mảng bán dẫn nhằm khai thác nhu cầu ổn định về bộ nhớ cũng như tăng cường cho bộ phận đúc chip của mình trong bối cảnh đại dịch corona vẫn chưa thuyên giảm.

Samsung đổ thêm 30 tỉ USD vào bộ phận chip đang tăng trưởng mạnh mẽ cua rmình

Nhu cầu tăng mạnh đối với chip nhớ, một lĩnh vực mà Samsung đang thống trị thị trường toàn cầu với mức thị phần khoảng 40%, là một yếu tố quan trọng đối với lợi nhuận của công ty. Thực tế, lợi nhuận hoạt động của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này đã tăng 29%, đạt mốc 35,95 nghìn tỉ won (tương đương 32,8 tỉ USD), với mức doanh thu tăng 3%, bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang chững lại do đại dịch.

Sự gia tăng đối với họp từ xa thông qua video cũng như học trực tuyến đã thúc đẩy việc đầu tư nhiều hơn vào những trung tâm dữ liệu nhằm đảm bảo khả năng xử lý lượng dữ liệu tăng cao. Sự phát triển mạnh mẽ đối với nhu cầu máy tính cá nhân, tablet hay hệ thống chơi game cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy doanh số cho những con chip được sử dụng trong các thiết bị như vậy.

Hồi tháng 10, công ty Hàn Quốc cho biết, họ dự định sẽ đầu tư tổng cộng 28,9 nghìn tỉ won (khoảng 26,5 tỉ USD) cho mảng này trong năm 2020, cao hơn 28% so với năm 2019, đánh dấu mức kỉ lục mọi thời đại. Các công ty cung ứng trang thiết bị sản xuất chip cho biết, Samsung đã cung cấp kế hoạch đặt hàng cho năm 2021, cho thấy mức chi tiêu cho mảng này tăng thêm từ 20% – 30%.

Điều này đồng nghĩa là, mức chi tiêu của Samsung trong năm nay sẽ rơi đâu đó vào khoảng 25 nghìn tỉ won, dù rằng công ty cũng chưa đưa ra con số ước tính.

Trong 3 quý đầu năm 2020, tỉ suất lợi nhuận hoạt động của mảng bản dẫn Samsung đạt mức 27%, cao hơn mốc 12% của mảng công nghệ thông tin và di động (bao gồm cả smartphone) và 8% đối với mảng điện tử tiêu dùng. Và điều đó cũng tiếp tục diễn ra trong quý 4.

Mức tỉ suất lợi nhuận này vượt trội hơn so với con số 17% và 19% của 2 đối thủ SK Hynix (Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ).

Với dòng tiền mạnh, chiến lược đầu tư của Samsung sẽ thành công nhanh hơn so với những đối thủ cạnh tranh, cho phép công ty thu về nhiều tiền hơn khi thị trường vẫn đang bùng nổ. Việc nhận các đơn hàng càng nhanh càng tốt sẽ giúp công ty có nhiều thời gian hơn trong việc đàm phán mức giá cũng như thời gian giao hàng với những đơn vị cung cấp.

Mức đầu tư này của Samsung chủ yếu sẽ tập trung vào khuôn viên chính Pyeongtaek gần Seoul. Đây là nơi mà công ty dự định sẽ đặt các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất chip nhớ cũng như đúc chip nhằm từng bước mở rộng quy mô sản lượng.

Samsung cũng sẽ tiếp tục tăng sản lượng cho bộ nhớ NAND flash tại các cơ sở sản xuất ở thành phố Tây An, Trung Quốc, cũng như nâng cấp dây chuyền sản xuất nhằm mở rộng 1 nhà máy ở Austin, Mỹ.

Đối với nhu cầu, mức giá của những linh kiện này đang có dấu hiệu hồi phục nhờ vào các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cũng như sự đầu tư toàn cầu đối với trung tâm dữ liệu.

Khi khả năng sản xuất smartphone của Huawei giảm mạnh do sự ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ, những công ty đồng hương như Vivo, Oppo hay Xiaomi đã chớp lấy cơ hội nhằm lấp đầy khoảng trống. Thị phần xuất xưởng toàn cầu của Huawei đã giảm từ 20,2% trong quý 2 xuống còn 14,6% trong quý 3, trong khi con số đó của Xiaomi lại tăng từ 10,3% lên 13,1% đối với cùng khoảng thời gian này.

Bộ ba Vivo – Oppo – Xiaomi tiếp tục thừa thắng xông lên, tung ra các thiết bị mới có khả năng tương thích với công nghệ kết nối không dây thế hệ thứ 5, viết tắt là 5G. Họ không chỉ đang chiếm phần lớn thị phần ở Trung Quốc mà còn cả Ấn Độ lẫn Đông Nam Á. Đó chắc chắn cũng là một cơ hội tốt để Samsung kiếm tiền.

Trong khi đó, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng đang tăng cường đầu tư vào những trung tâm dữ liệu. Theo thông tin tài chính công khai, 3 công ty điều hành trung tâm lớn tại Mỹ, bao gồm Amazon, Microsoft và Alphabet, công ty mẹ của Google, đã cùng nhau đầu tư hơn 50 tỉ USD vào năm 2019. Con số này được cho là đã tăng khoảng 30% vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Các cơ sở này cần đến những bộ xử lý mạnh mẽ có thể thực hiện khối lượng dữ liệu lớn ở tốc độ cao, cũng như công nghệ DRAM tiên tiến. Rõ ràng, đó chính là lợi thế của Samsung. Dù chip nhớ thường được coi là một sản phẩm đa dạng, thế nhưng, những nhà sản xuất chip khác lại thiếu đi khả năng sản xuất DRAM hàng loạt tiên tiến của Samsung.

Công ty có thể tận dụng năng lượng công nghệ cũng như khả năng cung ứng của mình trong các cuộc đàm phán với khách hàng, nâng cao tỉ suất lợi nhuận cũng như đầu tư mạnh mẽ hơn vào những kế hoạch của mình.

Minh Hùng theo Nikkei Asian

Chủ đề khác