VnReview
Hà Nội

Trung Quốc ngày càng xa vời mục tiêu tự chủ công nghệ

Một số nhà phân tích cho biết mặc dù Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước nhưng nước này khó có thể đạt tới mục tiêu tự chủ công nghệ.

Theo số liệu thống kê, sản xuất vi mạch tích hợp và robot công nghiệp của Trung Quốc đã tăng mạnh vào năm 2020. Trong bối cảnh các lệnh cấm vận của Mỹ ngày càng thắt chặt hơn, Trung Quốc dự tính sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trong năm nay. Tuy nhiên, mục tiêu tự cung tự cấp về công nghệ của Trung Quốc được đánh giá vẫn khó có thể đạt được khi nước này vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn chip nhập khẩu.;

Hôm 18/1, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) đưa ra dữ liệu chứng minh việc mặc dù nhiều công ty Trung Quốc phải chịu các sắc lệnh trừng phạt do chính quyền Trump ban hành nhưng sản lượng xuất khẩu của các công ty này vẫn duy trì ở mức ổn định. Theo đó, sản lượng vi mạch tích hợp của Trung Quốc trong 2020 đã tăng 16,2% so với 2019. Song sản lượng robot công nghiệp cũng tăng vọt 19,1% và sản lượng xe điện tăng 17,3%. 

Trong báo cáo, NBS không đưa ra bảng phân tích chi tiết về từng loại sản phẩm nhập khẩu nhưng họ nhận định rằng Trung Quốc vẫn đang phải phụ thuộc vào các loại chip công nghệ cao nhập từ Mỹ. Theo dữ liệu hải quan, năm vừa qua, Trung Quốc đã nhập tổng cộng số lượng chip có giá trị lên tới 350 tỷ USD, tăng 14,6% so với 2019. Theo các thống kê khác từ NBS, ngành sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc tăng trưởng 7,1% và ngành sản xuất thiết bị tăng 6,6% trong năm 2020.

Khi mà căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng hoàn thành công cuộc tự tạo ra nguồn cung công nghệ trong nước là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

"Đẩy mạnh phát triển tự động hóa, nhà máy thông minh, phương tiện chạy bằng năng lượng sạch và chất bán dẫn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong kế hoạch đổi mới của Trung Quốc từ 2021 đến 2025", Edison Lee, nhà phân tích nghiên cứu cổ phần về dịch vụ viễn thông tại Jefferies Asia, cho biết. 

Có thể nói, chất bán dẫn là linh kiện không thể thiếu đối với Trung Quốc khi nó được tìm thấy trong tất cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chính vì lẽ đó, dễ hiểu vì sao Mỹ lại ban hành nhiều lệnh cấm vận đối với mặt hàng này của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh công nghệ giữa hai nước. Sau khi chính quyền Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Huawei, ngăn cấm công ty này mua linh kiện từ các công ty sử dụng công nghệ Mỹ, Trung Quốc đã ban hành chính sách ưu đãi thuế để đáp trả cũng như hỗ trợ ngành bán dẫn trong nước. 

Chưa hết, các đòn trừng phạt của Mỹ được ra trong bối cảnh nhu cầu về chip của Trung Quốc tăng cao trong năm 2020. "Đại dịch Covid-19 bùng phát không chỉ khiến các nhà máy sản xuất bán dẫn phải đóng cửa hàng loạt mà còn tạo ra một nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử lớn do người dân ở nhà học tập và làm việc trực tuyến, điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip trầm trọng", Lee chia sẻ. Ngoài các hạn chế kể trên, việc Trung Quốc nâng cấp mạng 5G trên toàn quốc cũng khiến các công ty tăng lượng tồn kho chip. 

Ông Lee nhận định rằng bất chấp các chính sách áp đặt từ Mỹ, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2021 khi mà nước này đang tích cực mở rộng công suất cho các nhà máy sản xuất chip. Bên cạnh đó, ông Lee còn chia sẻ rằng mục tiêu tự chủ công nghệ cũng sẽ thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác như xe điện, tự động hóa… phát triển.

Tự chủ công nghệ là một trong những chủ đề chính của kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc với mục tiêu giữ cho nền kinh tế luôn trên đà phát triển. Trong buổi giới thiệu kế hoạch vào cuối tháng 10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Wang Zhigang còn đề cập rằng công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc quản lý môi trường khi mà khí hậu toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo Stewart Randall, người đứng đầu bộ phận điện tử và phần mềm tại Intralink, các dữ liệu mà NBS đưa ra hoàn toàn sai lệch và đã vô tình tạo nên một bức tranh hư cấu về ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Thay vào đó, ông khẳng định rằng Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu đã đề ra đối với việc tăng cường sản xuất vi mạch tích hợp trong nước cũng như gia tăng lượng hàng nhập khẩu. Randall tiết lộ:"Mục tiêu ban đầu của Trung Quốc cho năm 2020 là tự cung tự cấp 40%, nhưng họ đã hoàn toàn thất bại việc thực hiện trong mục tiêu này".

Chí Tôn theo SCMP

Chủ đề khác