VnReview
Hà Nội

Thương vụ thâu tóm ARM trị giá 40 tỷ USD của Nvidia có thể đổ bể

SoftBank cố gắng bán hãng thiết kế chip ARM cho công ty Mỹ Nvidia. Tuy nhiên, thương vụ hàng chục tỷ USD đang làm dấy lên lo ngại trong giới lập chính sách, từ an ninh quốc gia cho tới bảo mật, độc quyền.

Hồi tháng Chín năm ngoái, SoftBank đã thông báo bán lại ARM cho Nvidia với giá 40 tỷ USD, trả bằng tiền mặt lẫn cổ phiếu. Thương vụ ngay sau đó gây chấn động trong giới công nghệ lẫn chính trị vì tính chất nhạy cảm của nó, không chỉ vì giá trị khổng lồ. Thực ra ngay từ đầu, người ta đã sớm chỉ ra vụ mua bán giữa hai gã khổng lồ này phức tạp đến thế nào.

Lo ngại độc quyền

Hai bên sẽ cần có cái gật đầu của nhiều quốc gia khác nhau, do đó thu hút sự chú ý của nhiều nhà chính trị. Những mối lo về chống độc quyền, đe dọa an ninh quốc gia và bảo mật thông tin thương mại đang ngày càng tăng cao. Theo những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong vấn đề M&A quốc tế, nếu muốn trót lọt, hai bên phải xóa bỏ những nghi kỵ về hành vi phản cạnh tranh.

SoftBank đang tìm cách bán lại ARM cho Nvidia (ảnh: Nikkei)

Cùng với đó là vượt qua những rào cản pháp lý vốn được dựng nên để ngăn chặn các mối đe dọa với an ninh địa chính trị của mỗi quốc gia. ARM là công ty sở hữu tài sản trí tuệ trong ngành bán dẫn hàng đầu thế giới, chuyên cấp phép công nghệ cho các công ty sản xuất chip. Khi được mua lại bởi SoftBank năm 2016, nó dễ dàng được thông qua vì tập đoàn Nhật là người ngoài ngành.

Tuy nhiên, Nvidia thì khác. Công ty Mỹ lại đang là một đối thủ trực tiếp với chính các khách hàng ARM như Qualcomm, Intel, AMD, MediaTek và Samsung,... Theo luật sư Akira Kawashiro thì Nvidia sở hữu ARM sẽ "làm dấy lên lo ngại bóp méo tính cạnh tranh giữa các công ty hạ nguồn, đang mua giấy phép công nghệ từ ARM". SoftBank vốn được coi là một công ty đầu tư nên không hình thành mối đe dọa nào như vậy.

Ông cho rằng các bên điều tra chống độc quyền sẽ phỏng vấn với nhóm khách hàng của ARM, nhằm xác định xem có nên thông qua vụ mua bán hay không. Do vậy, đây trở thành một thương vụ "khó khăn" đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Nếu các khách hàng của ARM không hài lòng, họ sẽ không để nó trót lọt. Theo truyền thông; quốc tế, một số hãng như Intel, Qualcomm đang vận động hành lang tại Mỹ để quan chức từ chối SoftBank.

Người ta lo ngại quyền lực của Nvidia có thể quá lớn nếu có được ARM (ảnh: Nvidia)

Có báo cáo nói rằng cơ quan FTC của Mỹ đã gửi yêu cầu thứ hai tới Nvidia, đòi hỏi gửi thêm các tài liệu nội bộ liên quan đến vụ này nhằm điều tra chống độc quyền. Điều này ám chỉ giới chức Mỹ nghi ngờ khả năng vụ mua bán sẽ sinh ra một thế lực quá lớn mạnh, gây mất cạnh tranh trên thị trường. Theo luật sư Takafumi Uematsu, hành động của FTC là chỉ báo nói rằng, vụ này sẽ được "điều tra rất nghiêm ngặt tại Mỹ".

Ẩn số Trung Quốc

Trung Quốc cũng là một trong các quốc gia có ảnh hưởng thông qua thương vụ hay không. Họ đang ở trong thương chiến với Mỹ. Một công ty Mỹ như Nvidia mà thâu tóm ARM thành công sẽ chỉ càng khiến áp lực của chính quyền Washington thêm nặng nề. Các quan chức chống độc quyền Trung Quốc rất có thể sẽ gạt vụ này qua một bên, như trong lịch sử họ đã từng làm.

Hồi 2018, Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc đã ngăn chặn Qualcomm mua lại hãng bán dẫn Hà Lan NXP Semiconductor. Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ năm 2020 Nvidia mua lại hãng thiết kế chip Israel Mellanox, thương vụ cần hơn một năm mới hoàn thành vì quá trình phê duyệt ở Trung Quốc.

Trung Quốc có thể ngăn chặn vụ mua bán để trả đũa Mỹ (ảnh: China Briefing) 

Khả năng chính quyền Bắc Kinh gật đầu với vụ này là cực kỳ thấp.

Chính phủ Anh

Hermann Hauser là đồng sáng lập một hãng thiết kế chip có trụ sở tại Cambridge. Ông hiện đang vận động để chống lại kế hoạch thâu tóm của Nvidia. Trong lá thư gửi đến Thủ tướng Anh quốc Boris Johnson, ông đã trình bày rất rõ vì sao chính quyền Anh nên ngăn chặn việc này. "ARM là công ty duy nhất của Anh có sức mạnh công nghệ, hiện đang thống trị các bộ vi xử lý trên smartphone". Do vậy, việc bán ARM có ảnh hưởng tới không chỉ việc làm trong nước mà còn cả quyền lợi đàm phán khi giao dịch với ARM.

Theo ông, nước Anh sẽ bị tổn hại lợi ích quốc gia nếu để mất ARM. Hiện tại công nghệ Mỹ vốn đã chi phối các nước khác qua những gã khổng lồ như Google, Facebook hay Apple. Nước Anh cần có ARM để cân bằng quyền lực, như một thứ vũ khí tự vệ trước các công ty Mỹ. Chính quyền nên tạo ra ba rào cản để thông qua thương vụ. Trong đó bao gồm đảm bảo việc làm tại Anh và một thỏa thuận với Nvidia, đảm bảo công ty này sẽ không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào khi nhận cấp phép từ ARM so với người khác.

CEO SoftBank và CEO Nvidia (ảnh: Nikkei)

Lá thư của ông đã thu thập được hơn 2.000 chữ ký ủng hộ. Cục Quản lý thị trường và Cạnh tranh nước Anh cũng đã thông báo về việc điều tra chống độc quyền với Nvidia. Giám đốc CMA là ông Andrea Coscelli, cho biết: "Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các cơ quan chống độc quyền khác trên toàn cầu, nhằm cân nhắc thật kỹ lượng ảnh hưởng của thương vụ. Cũng như để đảm bảo kết quả dẫn tới cuối cùng không phải là khách hàng phải chịu đựng những sản phẩm kém chất lượng, hoặc bị tăng giá".

Vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ trong vụ thâu tóm chục tỷ USD này. Tuy nhiên, rõ ràng là Nvidia lẫn SoftBank đều phải đưa ra được những biện minh thật chắc chắn, cũng như chiến dịch PR thật tốt nếu muốn thuyết phục các cơ quan quản lý thị trường. Nếu cuối cùng cả hai thất bại khi cố gắng chuyển giao quyền kiểm soát ARM, giới quan sát cũng không ngạc nhiên. Ngay từ khi bắt đầu, nó đã không đơn giản là vấn đề lợi ích kinh tế hay tiền bạc giữa hai công ty.

Ambitious Man

Chủ đề khác