VnReview
Hà Nội

“Chia tay” Huawei giúp điện thoại Honor có thể trở lại thị trường

Honor cho biết đã đảm bảo được các giấy phép mua chip từ Mỹ.

Công ty đã ra mắt mẫu điện thoại mới V40 được bán trực tuyến tại quê nhà, mức giá khởi điểm 3.599 tệ tương ứng 557 USD. CEO Zhao Ming của Honor cho biết: "Năm tháng qua quả thực là quãng thời gian khó khăn. Nhưng nhờ có sự ủng hộ của khách hàng và ngành công nghiệp, chúng tôi đã vượt qua. Honor sẽ đối mặt với tất cả mọi chuyện một cách dũng cảm và tràn đầy tự tin".

Honor cũng tuyên bố đã đảm bảo được quyền giao dịch với các nhà cung ứng như AMD, Intel, MediaTek, Micron, Microsoft, Qualcomm. Samsung, SK Hynix và Sony. Như vậy, tách khỏi Huawei đã giúp công ty không còn thuộc diện cấm vận của Mỹ nữa. Tuy rằng một vài công ty lớn vẫn đang xem xét kỹ chuyện hợp tác trở lại với Honor, tránh những rắc rối pháp lý không đáng có.

Mẫu Honor V40 mới trang bị MediaTek Dimensity 1000+ 5G, thế hệ chip di động thứ hai của hãng bán dẫn Đài Loan. Theo ông Zhao, hiệu suất và kết nối 5G của sản phẩm ngang ngửa với Oppo Reno 5 Pro, Galaxy Note20 và iPhone 12 Pro. "Mặc dù về phần cứng thì chúng tôi không khác biệt với đối thủ, nhưng các kỹ sư đã tích hợp rất nhiều công nghệ riêng để mang tới hiệu suất vượt trội hơn họ" - ông nói.

Tách khỏi Huawei mở ra cơ hội sống sót cho Honor (ảnh: Getty Images)

Theo nguồn tin riêng của Nikkei, Honor đang đàm phán để đảm bảo được nguồn cung chip từ Qualcomm và MediaTek. Sản phẩm vừa công bố hiện sử dụng lô chip tồn kho từ Huawei, được vận chuyển sang từ năm ngoái. Một số nhà cung ứng linh kiện điện tử cho báo Nhật biết, Honor đã đảm bảo được ít nhất nguồn dự trữ cho 60 đến 70 triệu sản phẩm trong năm nay.

Họ thậm chí còn đặt mục tiêu giao được 100 triệu sản phẩm. Theo Jeff Pu đến từ GF Securities, khả năng công ty Trung Quốc hoàn thành mục tiêu vẫn còn là dấu hỏi. Bởi toàn bộ các hãng smartphone khác cũng đang tăng tốc để chiếm lấy các lô hàng, cả ngành điện tử và thậm chí cả xe hơi đều đang thiếu hụt chip. Hơn nữa, không có Huawei chống lưng, liệu khả năng cạnh tranh của Honor được đến đâu?

Năm ngoái, để cứu Honor thì Huawei đã chấp nhận bán lại nó cho một nhóm gồm 30 công ty Trung Quốc. Counterpoint cho biết Huawei giao được tổng cộng 240 triệu smartphone, trong đó Honor chiếm tới 68 triệu đơn vị. Các đối thủ của Huawei gồm Oppo, Xiaomi, Vivo đã nhanh chóng nhảy vào để tranh giành phần thị trường bị bỏ lại. Honor trở thành công ty độc lập thì khả năng tồn tại sẽ cao hơn, ít nhất là không bị Mỹ gây khó dễ.

Huawei bị Mỹ đàn áp khiến kinh doanh điện tử tiêu dùng rơi vào trạng thái tê liệt (ảnh: Nikkei)

Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi gọi đây là một "cuộc li dị" giữa Huawei và Honor. Khoảng 7.000 nhân viên công ty đã đi sang tổ chức làm việc mới. Nikkei cho biết, cuộc di tản cũng đồng thời đem theo một số đội phát triển kỹ thuật và công nghệ quan trọng, không chỉ với smartphone mà còn một số sản phẩm điện tử khác.

Còn theo hãng thông tấn Reuters, con số nhân viên là khoảng 8.000 người với một nửa làm công việc R&D. Dù sao, hành động của Huawei cũng đã kịp thời cứu lấy một thương hiệu smartphone Trung Quốc. Bây giờ chỉ còn chờ xem, liệu Honor có thể tận dụng cơ hội này để tái sinh hay không.

Ambitious Man

Chủ đề khác