VnReview
Hà Nội

Tencent và chiến lược sử dụng mảng game để mở rộng đế chế toàn cầu

Tập đoàn internet hàng đầu Trung Quốc hiện đang phất lên như diều gặp gió, nhưng những nguy cơ về mặt chính trị tại thị trường Mỹ là không thể xem thường.

Tập đoàn internet Trung Quốc Tencent Holdings dường như dần từ bỏ chiến lược nội địa để tiến đến hình thành nên một đế chế toàn cầu, mà đòn bẩy không gì khác ngoài mảng kinh doanh game đang phát triển rất mạnh của mình.

Công ty này đã tăng trưởng bằng cách hình thành những mối quan hệ đối tác với các công ty bản địa và liên tục đầu tư vào các thị trường mà họ đang nhắm đến, với nhiều ứng dụng siêu tiện lợi - như cổng tin nhắn WeChat, vốn có 1,2 tỷ người dùng - qua đó tạo nên nền tảng kinh tế vững chắc để vươn cao hơn nữa.

Tencent Holdings hiện đứng trong top 10 công ty hàng đầu thế giới xét về giá trị vốn hoá thị trường, nhưng chính sự hiện diện ngày một rõ rệt hơn của họ trên thị trường toàn cầu đã dẫn đến những "va chạm" chính trị không mong muốn với Mỹ.

Tại một buổi họp báo hồi tháng 12 năm ngoái, Zhao Jiannan, giám đốc bộ phận Đông Bắc Á của Tencent Cloud International, công ty con của Tencent chuyên về điện toán đám mây, đã tiết lộ những tham vọng của mình đối với mảng game tại nhiều thị trường, đặc biệt là Nhật Bản - quê nhà của những ông lớn ngành công nghiệp game, Sony và Nintendo.

"Một khía cạnh khác của Tencent là chúng tôi còn là một công ty game nữa";- ông nói. "Mơ ước của chúng tôi là đóng góp cho ngành công nghiệp game của Nhật Bản thông qua mảng đám mây của mình". Nếu bạn chưa biết, thì Tencent đang điều hành một trung tâm dữ liệu tại Nhật Bản.

Tham vọng của Tencent thể hiện qua tựa game bom tấn tại thị trường Trung Quốc, Honor of Kings (Liên Quân Mobile tại thị trường Việt Nam). Trong tựa game này có một chức năng là đánh giá lại trận đấu thông qua video, cho phép người chơi xem lại chiến thuật đã sử dụng sau khi trận đấu kết thúc. Những đoạn video này được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo nhằm điểm lại một số tình tiết cụ thể. Tencent muốn mở rộng hơn nữa đối tượng khách hàng, như các công ty game chẳng hạn, bằng cách tận dụng những chức năng phổ biến như vậy.

Tại thị trường nội địa, Tencent (do Pony Ma thành lập vào năm 1998) đối đầu trực tiếp với Alibaba Group Holding vốn chuyên về lĩnh vực thương mại điện tử. Nhưng với mức giá trị vốn hoá thị trường vượt quá 733 tỷ USD, họ còn là đối thủ không thể xem thường của các công ty công nghệ lớn tại Mỹ - bộ tứ được biết đến với tên gọi GAFA: Google, Apple, Facebook, và Amazon.

Thứ giúp Tencent phát triển mạnh mẽ chính là mảng truyền thông xã hội và game. Theo công ty phân tích thị trường Mỹ Sensor Tower, các tựa game do Tencent phân phối là PUBG Mobile và Honor of Kings lần lượt xếp vị trí thứ nhất và thứ hai trong bảng xếp hạng doanh thu game di động trong năm 2020, với mức doanh thu gấp hơn hai lần các đối thủ xếp thứ 3 trở đi, bao gồm Pokemon Go của nhà phát triển Mỹ Niantic.

Doanh thu từng mảng kinh doanh của Tencent tính theo tỉ lệ phần trăm (từ trên xuống dưới: game online, các dịch vụ fintech và kinh doanh, mạng xã hội, quảng cáo online, khác)

Không như hai đối thủ kỳ cựu Nintendo và Sony, vốn đều sở hữu những hệ console riêng, lĩnh vực chính của Tencent là di động. Nắm trong tay vũ khí quan trọng là hệ thống phân phối, hãng đã càn quét ngành công nghiệp game với chiến lược từ từ mở rộng nền tảng kinh tế bằng cách thực hiện những thương vụ đầu tư và những thoả thuận liên kết ấn tượng. Tencent hiện đang hướng đến mục tiêu trở nên phổ biến trên toàn thế giới như Netflix, một công ty stream video của Mỹ với đà tăng trưởng thần tốc khi liên tục tạo ra những nội dung hấp dẫn nhờ nền tảng kinh tế vững chắc.

Trong ngành công nghiệp game, Tencent tìm cách thâu tóm Riot Games - nổi tiếng với tựa game League of Legends, và Supercell - công ty từng thuộc sở hữu của nhà đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank Group, nổi tiếng với tựa game Clash of Clans.

Công ty internet Trung Quốc nay còn "rung đùi" hưởng lợi từ các tựa game di động lớn sau khi đầu tư vào Bluehole, công ty Hàn Quốc phát triển nên PUBG, và Epic Games, nhà phát triển Fortnite vốn đang trong vụ kiện tụng với Apple liên quan phí phân phối sản phẩm trên App Store. Tencent còn có mối liên hệ chặt chẽ với các công ty game Nhật Bản, bao gồm nắm giữ cổ phần trong Marvelous - nhà phát triển Harvest Moon, và có một thoả thuận liên kết với Nintendo.

Gần đây hơn, Tencent đang trong quá trình sáp nhập hai công ty live-stream game mà họ nắm giữ cổ phần, nhằm chiếm được quyền kiểm soát đối với các công ty này. Trong bối cảnh đại dịch virus corona đã kích thích nhu cầu chơi game ở những người phải thực hiện giãn cách tại nhà, Tencent cũng chứng kiến doanh thu mảng game di động trực tuyến tăng 45% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2020.

Các tựa game di động hàng đầu thế giới, xếp theo doanh thu, đơn vị: tỷ đô-la

"Tencent ngay từ đầu đã tập trung vào phần giao tiếp để liên kết mọi người với nhau" - theo lời Toshihiko Okano, một chuyên gia về các công ty công nghệ Trung Quốc tại Viện Tư vấn Quản lý Dữ liệu NTT (Nhật Bản). "Họ đã thành công trong việc tạo nên một hệ sinh thái bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng và công nghệ". Đặc biệt, tại thị trường châu Á, Tencent đã "che đậy thành công dấu ấn ‘Trung Quốc' của mình bằng cách hợp tác với các công ty bản địa".

Tencent, vốn có hoạt động kinh doanh xoay quanh WeChat, điều hành dịch vụ tin tức, stream nhạc và thanh toán WeChat Pay, cũng như dịch vụ đám mây của riêng mình.

Họ còn tung ra nhiều ứng dụng mini, hoạt động trên nền tảng WeChat, và giúp tăng cường các chức năng của WeChat. Ví dụ, những ứng dụng mini này có thể mang lại cho người dùng khả năng đặt hàng bằng cách quét mã QR trên điện thoại trong các cửa hàng.

Tencent còn đầu tư vào website thương mại điện tử Trung Quốc JD.com và nhà phát triển ứng dụng giao nhận thực ăn Meituan Dianping nhằm tăng cường các chức năng giao dịch điện tử của mình.

Thông qua các khoản đầu tư và các mối quan hệ đối tác, Tencent còn mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực công nghiệp khác, bao gồm phát triển phần mềm hoạt động trên xe hơi, trí tuệ nhân tạo, phát triển các hệ thống liên kết với các thành phố thông minh, và các dịch vụ đi nhờ xe và bản đồ.

Riêng tại Nhật Bản, Tencent đang đẩy mạnh chiến lược sử dụng game để mở rộng nền tảng kinh tế. Họ đã hợp tác với tập đoàn bản địa Mitsui & Co. và sử dụng dịch vụ đám mây của mình để hỗ trợ cho việc phát triển các ứng dụng mini. Tencent hướng đến mục tiêu bán dịch vụ này cho các công ty Nhật Bản mong muốn phát triển tại thị trường Trung Quốc. Hãng đang đàm phán với Mitsui về việc thành lập một công ty liên doanh.

Chiến lược đẩy mạnh phát triển các "siêu ứng dụng" của Tencent - những ứng dụng cung cấp cho người dùng một loạt các dịch vụ bao gồm thanh toán, truyền thông xã hội, giao nhận thức ăn và đi nhờ xe chỉ trong một ứng dụng duy nhất - đang đạt được những thành công, đặc biệt tại châu Á.

Tuy nhiên, tiến trình mở rộng kinh tế của Tencent đang gặp phải một rào cản lớn. Cách đây chưa lâu, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh cấm các giao dịch thông qua các ứng dụng Trung Quốc tại Mỹ, bao gồm Alipay của Alibaba và chức năng thanh toán của WeChat.

Vào mùa hè năm 2020, Trump còn ký một sắc lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video cực kỳ phổ biến là TikTok, sở hữu bởi công ty Trung Quốc ByteDance, và WeChat. Vẫn chưa rõ liệu các sắc lệnh này có được đảo ngược trong nhiệm kỳ của tân Tổng thống Joe Biden hay không. Dù thế nào đi nữa, thì những xung đột giữa các công ty Trung Quốc và chính quyền Mỹ được cho là vẫn sẽ tiếp tục.

Dù các dịch vụ liên quan truyền thông xã hội của Tencent đang đối mặt với những vấn đề về an ninh tại Mỹ xoay quanh cách thức sử dụng dữ liệu, dịch vụ game của họ cho đến nay vẫn chưa gặp phải bất kỳ hạn chế nào về mặt pháp luật. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, chính phủ đã có một số động thái nhằm cấm sử dụng các ứng dụng của Tencent. Công ty còn đối mặt với khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ Trung Quốc, sau khi mối quan hệ giữa Alibaba với Bắc Kinh đã và đang trượt dốc không phanh kể từ cuối năm ngoái.

Chiến lược duy trì đà tăng trưởng toàn cầu của Tencent hiển nhiên không thể tránh khỏi những rủi ro về mặt chính trị. Họ sẽ giải quyết ra sao?

Minh.T.T (theo Nikkei)

Chủ đề khác