VnReview
Hà Nội

Apple bị người dùng Ý kiện vì cố ý "làm hỏng" iPhone của người dùng

Hôm 25/1, Hiệp hội người tiêu dùng Ý Altroconsumo đã đệ đơn lên tòa án để kiện Apple vì cáo buộc liên quan đến kế hoạch làm lỗi thời iPhone của họ và nhóm người này cũng đòi 73 triệu USD tiền bồi thường từ công ty Mỹ.;

Cụ thể, các thiết bị được đề cập đến trong đơn kiện là iPhone 6 và iPhone 6s. Theo Cult of Mac, Apple đã sử dụng một bản cập nhật phần mềm để làm chậm hiệu suất của hai mẫu iPhone này. Mặc dù Apple biện minh rằng hành động trên giúp iPhone kéo dài tuổi thọ pin và tránh tình trạng tắt nguồn đột xuất nhưng người dùng Ý lại cảm thấy chúng chỉ ngày càng xuống cấp. 

Els Bruggerman, thủ trường quản lý chính sách cho nhóm quyền người tiêu dùng Euroconsumers (tập đoàn quốc tế quản lý Altroconsumo) chia sẻ với Cult of Mac: "Việc Apple làm lỗi thời iPhone chắc chắn là một hành động cố ý và đã được lên kế hoạch từ trước. Thật không công bằng cho người tiêu dùng, họ phải chịu tổn thất về tinh thần lẫn tài chính".

Chưa hết, Bruggerman cho biết: "Vào tháng 11/2020, Apple từng thông báo rằng họ sẽ chi 113 triệu USD để giải quyết các cáo buộc cho rằng họ làm giảm hiệu năng iPhone với mục đích che giấu các vấn đề về pin. Vụ dàn xếp này chứng tỏ rõ ràng rằng Apple đã cố gắng thực hiện hành vi làm lỗi thời iPhone như một nỗ lực có chủ ý nhằm thúc đẩy nhu cầu đổi mới iPhone, lừa dối người tiêu dùng cũng như che giấu các vấn đề". 

Số liệu thống kê từ năm 2014 đến 2020, Apple đã bán được khoảng 1 triệu mẫu iPhone 6 và 6s chỉ riêng tại Ý. Sau khi vụ việc bị phanh phui, Apple đang tốn khá nhiều chi phí và tiền bạc đề giải quyết toàn bộ các vụ kiện. Vào năm 2017, hãng đã thừa nhận hành vi cố ý làm giảm chậm các mẫu iPhone cũ nhằm ngăn chúng bị hỏng.

Mặc dù đây thực sự là một vấn đề kỹ thuật và có thể chứng minh được, nhưng Apple đã bị chỉ trích vì không công bố cho người dùng. Cùng thời điểm đó, kế hoạch làm lỗi thời iPhone của Apple cũng bị khiếu nại. Nhiều khách hàng phàn nàn rằng Apple đang cố ý thiết kế sản phẩm để chúng hỏng sau một thời gian sử dụng, buộc họ phải thay điện thoại sớm hơn. Đến năm 2018, Apple mới phát hành một bản cập nhật iOS để chấm dứt tình trạng này trên các thiết bị cũ. 

Kể từ đó, Apple đã phải đối mặt với một loạt cuộc chiến pháp lý trên toàn thế giới để giải quyết nhiều bê bối liên quan. Vào cuối năm 2020, hãng đã đồng ý bồi thường 113 triệu USD cho người dùng ở 30 tiểu bang của Mỹ để sự việc kết thúc. Tuy nhiên, trường hợp mới đây xuất hiện tại Ý cho thấy vấn đề về pin và hiệu năng vẫn chưa "buông tha" cho Apple.

Bruggerman cho biết Altroconsumo đã bắt đầu nghi ngờ hành vi này của Apple từ năm 2017. Lúc đó, họ đã tung ra một ứng dụng có tên gọi là Trop Vite Usé với mục đích thống kê các sản phẩm của người dùng xuống cấp nhanh hơn dự kiến. Theo Bruggerman, smartphone là sản phẩm xuất hiện đa số trên ứng dụng này. 

Hiện tại, Euroconsumers đang theo đuổi các vụ kiện tương tự ở Bỉ, Tây Ban Nha và sắp tới là Bồ Đào Nha. "Các vụ kiện yêu cầu bồi thường trung bình ít nhất 60 euro cho mỗi người dùng bị ảnh hưởng", Bruggerman cho biết. Phiên tòa sơ thẩm của Altroconsumo chống lại Apple diễn ra vào ngày 26/7/2021.

Chí Tôn

Chủ đề khác