VnReview
Hà Nội

Cả thế giới đang tranh giành một công ty Đài Loan

Vấn đề thiếu hụt chip bán dẫn ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua vừa có cuộc họp bất thường với các lãnh đạo của TSMC hôm 24/1, nhằm chuyển lời "cầu cứu" từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới.

Bà Wang đã hỏi TSMC: "Liệu có cách nào để tăng công suất nhanh hơn nữa được không? Bất cứ điều gì". Mặc dù cố giữ lịch sự, các lãnh đạo TSMC không dám hứa hẹn trước bất kỳ điều gì. Một người đại diện công ty nói lại rằng nếu hoạt động sản xuất được tăng cường bằng cách tối ưu lại sản phẩm đầu ra, họ sẽ ưu tiên cung cấp cho chip ô tô. Không có gì được đảm bảo!

TSMC hay Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. là hãng đúc chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Các nhà máy của họ đang chạy hết công suất nhiều tháng nay. Với thái độ không chắc chắn trong cuộc họp với Bộ trưởng Đài Loan, công ty đã thể hiện thấy tầm ảnh hưởng vô song của mình trong ngành chip. Họ đang nắm thứ quyền lực bất kỳ quốc gia nào cũng khao khát.

Từ Apple tới Qualcomm, Sony và nhiều công ty khác trên thế giới, các cuộc gọi điện từ các lãnh đạo cấp cao cứ thế đổ về TSMC mỗi ngày, giục giã công ty đảm bảo nguồn cung chip cho họ hoặc bày tỏ lo ngại vấn đề thiếu chip. Các nhà đầu tư nhanh chóng nhìn ra giá trị của TSMC ngay từ năm ngoái, khi mà thương chiến Mỹ Trung căng thẳng cũng chỉ xoay quanh những con chip bán dẫn nhỏ bé.

TSMC đang mở rộng cơ sở tại Nam Kinh, Trung Quốc (ảnh: TSMC)

Vốn hóa của TSMC đã tăng gấp đôi kể từ đó và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, họ đã đạt tới giá trị thị trường 550 tỷ USD.;

Được thành lập từ năm 1987, một năm sau khi Nhật và Mỹ ký hiệp ước bán dẫn song phương. Lúc đó, các công ty Nhật Bản gồm NEC, Toshiba và Hitachi dẫn đầu trong việc sản xuất chip. Hiệp ước yêu cầu các hãng này phải tăng giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty Mỹ. Không chỉ bán dẫn, nhiều công ty ô tô, đồ gia dụng khác của Nhật cũng bị Mỹ tìm cách khống chế, nhằm cứu lấy ngành sản xuất nội địa khỏi sụp đổ vì hàng Nhật.

Nhìn thấy cơ hội, chính quyền Đài Loan tham vọng đưa tên hòn đảo này xuất hiện trên bản đồ công nghệ thế giới, đã giục giã ông Morris Chang làm điều gì đó. Ông Morris Chang được mệnh danh là "cha đẻ ngành bán dẫn Đài Loan", từng làm việc cho Texas Instrument 25 năm trước khi về nước. Ngành bán dẫn sẽ thay đổi và đây chính là cơ hội cho Đài Loan đột phá.

Tầm nhìn đó đã đúng, một tầm nhìn đi trước thời đại. Bây giờ, công ty TSMC mà ông Chang thành lập đã trở thành một hãng chuyên đúc chip theo hợp đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành công nghệ Mỹ khi chuyển sang mô hình chiều ngang. Trước đây, các hãng chip sẽ giữ toàn bộ quy trình sản xuất trong sân nhà. Từ việc nghiên cứu, thiết kế cho tới sản xuất.

Sau hơn ba thập kỷ, giới chức Đài Loan và TSMC đã có trái ngọt (ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, dần dần lương công nhân Mỹ tăng, các chính sách lao động thay đổi, dẫn tới việc tối ưu chi phí không còn duy trì được với mô hình này. Họ có xu hướng thuê ngoài sản xuất với quy mô lớn tại châu Á. Khi sự chuyển dịch này diễn ra, TSMC lập tức trở thành bến đỗ của nhiều hãng, được tin tưởng giao trọng trách giảm bớt gánh chi phí trong chuỗi cung ứng bán dẫn.

Đến những năm 2010, cơn sốt smartphone bùng nổ càng khiến TSMC trở nên quan trọng hơn. Hãng đầu tư nhiều tỷ USD mỗi năm để cải thiện quy trình, phát triển công nghệ mới, nhằm đáp ứng yêu cầu đổ về ngày càng nhiều. Bây giờ, công ty Đài Loan là một trong ba hãng có tiến trình bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, bên cạnh Samsung Foundry thuộc Samsung Electronics và Intel. Nhưng Intel lại đang tụt hậu rất xa trong cả ba.

Với việc Intel sắp rời bỏ mô hình tự chủ quy trình thiết kế và sản xuất chip, các công ty Mỹ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào dây chuyền châu Á. Họ tập trung khâu nghiên cứu chip sau đó giao lại hợp đồng cho các bên gia công, ví dụ điển hình là Nvidia và Qualcomm. Do không sở hữu nhà máy (fabless), giá trị của các công ty nằm ở tài sản vô hình như bằng sáng chế, dữ liệu, chất xám,...

Ngành công nghiệp ô tô và điện tử toàn cầu đang rơi vào tình trạng thiếu chip trầm trọng (ảnh: Nikkei)

TSMC vì thế trở thành công ty có tiếng nói nhất ngành bán dẫn. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc mang tới những nguy cơ địa chính trị, đồng thời thúc đẩy hơn nữa tầm quan trọng của TSMC. Nước Mỹ tìm cách thuyết phục công ty Đài Loan xây một cơ sở ở đây nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Cuối cùng, nó dẫn tới cam kết xây dựng nhà máy chip trị giá hơn 12 tỷ USD.

Ambitious Man

Chủ đề khác