VnReview
Hà Nội

'Tương lai của Amazon ở Trung Quốc phụ thuộc vào người lãnh đạo tiếp theo'

Mặc dù là một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cũng như thương mại điện tử hàng đầu thế giới nhưng Amazon vẫn chưa khai thác được thị trường "béo bở" Trung Quốc.;

Amazon là một trong những công ty đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trên toàn thế giới. Do đó, dễ hiểu vì sao người lãnh đạo bộ phận này của Amazon cũng là một trong những CEO tài năng nhất thế giới công nghệ. Andy Jassy được biết đến với vai trò là Giám đốc điều hành của bộ phận dịch vụ đám mây Amazon Web Services (AWS) và là người sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành của Amazon trong thời gian tới. 

Jassy gia nhập Amazon từ năm 1997, cùng thời điểm công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán (IPO). Năm 2006, AWS được ra mắt như một dịch vụ lưu trữ và tính toán đơn giản phân phối từ xa qua internet. Đến năm 2016, Jassy trở thành CEO của bộ phận này và dẫn dắt nó trở thành một nền tảng đám mây toàn cầu được sử dụng bởi hàng triệu công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và chính phủ trên khắp thế giới.

Ở tuổi 53, người đàn ông này đã đóng góp rất nhiều thành công trong việc biến AWS thành nhà cung cấp đứng đầu trên thị trường dịch vụ điện toán đám mây. Tuy nhiên, Amazon cũng như Jassy đã thất bại tại cả lĩnh vực dịch vụ đám mây và thương mại điện tử khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, AWS đã bị tụt lại phía sau do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Huawei, Tencent và Baidu. Sự hiện diện của AWS tại Trung Quốc ít đến nỗi nó hầu như không được đề cập trong các báo cáo thị trường. 

AWS đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Theo SCMP, nhu cầu đối với các dịch điện toán đám mây ở Trung Quốc đang tăng nhanh nhờ sáng kiến mở rộng quy mô của các nhà cung cấp trong nước. Theo công ty nghiên cứu Canalys, Trung Quốc, thị trường dịch vụ đám mây lớn thứ hai thế giới, lần đầu tiên chứng kiến ​​tổng chi tiêu của người dùng cho dịch vụ này đạt hơn 5 tỷ USD vào tháng 9 năm ngoái. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự tập trung đổi mới của các doanh nghiệp vào chuyển đổi kỹ thuật số trong suốt đại dịch, khởi động lại các dự án bị trì hoãn và đất nước phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Trong đó, Canalys cho biết rằng Alibaba Cloud dẫn đầu thị trường điện toán đám mây với 40,9% thị phần, tiếp theo là Huawei Cloud, Tencent Cloud và Baidu Cloud. Những công ty chiếm thị phần không đáng kể, bao gồm AWS, được gộp chung vào danh sách "các công ty khác" với tổng thị phần là 19,9%. 

Tuy nhiên, giới chuyên giá đánh giá AWS vẫn có nhiều tiềm năng phát triển. Liu Lihui, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của IDC China cho biết:"AWS đang hoạt động không tệ ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp kinh doanh xuyên biên giới luôn chọn AWS, bao gồm cả các công ty Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ra nước ngoài". Một số khách hàng nội địa nổi bật của AWS có thể đến như Swire Coca-Cola, Đại học Khoa học và Công nghệ Thiểm Tây, công ty trí tuệ nhân tạo Shanghai CraiditX Technology và nhà sản xuất phần cứng máy tính Canaan Creative, theo thông tin đăng trên website của AWS. 

Điều đã kìm hãm sự mở rộng AWS ở Trung Quốc là các chính sách hiện hành của chính phủ. Liu nói:"Không giống như các công ty trong nước, AWS không thể xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây ở Trung Quốc vì những hạn chế của chính sách Trung Quốc đối với doanh nghiệp nước ngoài. Một trong những khó khăn mà các nhà khai thác nước ngoài gặp phải là cần dựa vào các công ty địa phương được cấp phép để cung cấp các dịch vụ đám mây của họ". 

"Ngoài những ràng buộc về chính sách, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây nước ngoài còn gặp khó khăn khi thâm nhập vào các lĩnh vực kinh doanh bao gồm dịch vụ công, các dự án thành phố thông minh và tài chính địa phương", Liu nói thêm. Dịch vụ điện toán đám mây cho phép các công ty mua, bán, cho thuê hoặc phân phối một loạt phần mềm, các tài nguyên số khác như một dịch vụ theo yêu cầu qua internet. Tất cả các tài nguyên lưu trữ này đều được quản lý bên trong các trung tâm dữ liệu.

Theo đó, AWS cung cấp dịch vụ đám mây tại Trung Quốc thông qua hai đối tác địa phương là công ty Beijing Sinnet Technology và công ty Ningxia Western Cloud Data Technology. Đối thủ của AWS tại Mỹ, Microsoft Azure cũng cung cấp các dịch vụ tại Trung Quốc thông qua một đối tác nội địa là 21Vianet Group.  

Trong báo cáo tài chính quý IV/ 2020 của Amazon được công bố vào hôm 2/2, AWS ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 12,7 tỷ USD trong quý và 45,4 tỷ USD cho cả năm 2020. Tại buổi báo cáo, người sáng lập Jeff Bezos cũng đã thông báo về việc từ chức như sau:"Việc chuyển giao vị trí Giám đốc điều hành của Amazon đã hoàn tất". Martin Garner, Giám đốc điều hành tại CCS Insight cho biết:"AWS đang có mức tăng trưởng khả quan khi ngày càng nhiều công ty chuyển các hoạt động kinh doanh của họ lên nền tảng điện toán đám mây".

Theo báo cáo tài chính của Amazon, ở quý trước, phần lớn lợi nhuận của AWS được tạo ra nhờ việc mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, truyền thông và giải trí, bán lẻ và thương mại điện tử, điện và tiện ích, công nghệ, du lịch và ô tô."Việc AWS sẽ hoạt động như thế nào ở Trung Quốc trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các yếu tố gồm người tiếp theo sẽ lãnh đạo doanh nghiệp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và thay đổi của các chính sách của Trung Quốc đối với ngành dịch vụ đám mây địa phương", Giám đốc Liu của IDC cho biết.

Chí Tôn

Chủ đề khác