VnReview
Hà Nội

Mark Zuckerberg là nhà sáng lập kiêm CEO cuối cùng trong Big Tech

Trong số những người sáng lập của các gã khổng lồ công nghệ, Mark Zuckerberg là người duy nhất vẫn đang điều hành công ty của mình sau khi Jeff Bezos vừa đưa ra tuyên bố sẽ từ chức thời gian gần đây.;

Hôm 2/2, trong buổi báo cáo kết quả tài chính quý IV/2020, CEO Jeff Bezos tuyên bố rằng mình sắp rời vị trí đã gắn bó hơn 27 năm gắn bó tại Amazon. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Bezos tại vị trí Giám đốc điều hành không có nghĩa là kỷ nguyên huy hoàng của Amazon đã kết thúc, công ty đã được Bezos dẫn dắt từ những ngày đầu là một cửa hàng sách trực tuyến đến nay trở thành một trong những công ty sáng tạo, quyền lực và nối tiếng nhất trên thế giới. 

Thêm vào đó, sự kiện vị thuyền trưởng 57 tuổi lùi bước khỏi vị trí còn đánh dấu cho sự thay đổi sâu sắc trong giới lãnh đạo tại Thung lũng Silicon. Đó là khi thế hệ các nhà sáng lập để lại vị trí lãnh đạo công ty cho những người được tín nhiệm, vốn được biết là các nhà điều hành, chiến lược tài năng nhưng chưa có một tầm nhìn xa trông rộng giống như các nhà sáng lập. Nếu muốn ngồi vào "chiếc ghế nóng", những cấp phó này cũng phải trải qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt bao gồm việc đối mặt với hàng loạt thách thức do chính các nhà sáng lập đề ra và giám sát. 

Quá trình chuyển đổi quyền lực ở Thung lũng Silicon đã diễn ra trong một thời gian dài trước khi Bezos tuyên bố từ chức. Bắt đầu vào năm 2000, Bill Gates rời khỏi vị trí CEO của Microsoft và chấm dứt hoàn toàn vai trò của mình tại công ty 8 năm sau đó. Tiếp đến, nhà sáng Apple Steve Jobs qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2011 và đã để lại công ty cho Tim Cook lãnh đạo, Giám đốc điều hành hiện tại của Táo khuyết. Bộ đôi đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin cũng đã rút lui khỏi vai trò Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Alphabet vào năm 2019, trao quyền điều hành cho Sundar Pichai, một cấp phó đáng tin cậy của cả hai trong 15 năm. Cả Pichai và Cook đều duy trì được mức lợi nhuận cũng như tăng trưởng ổn định cho công ty nhưng vẫn bị coi là kém sáng tạo hơn so với các ông chủ cũ của họ. 

Giờ đây, khi Bezos sắp tới cũng không còn là người điều hành của Amazon, Facebook chính là công ty duy nhất trong những gã khổng lồ công nghệ còn được điều hành bởi chính người sáng lập. Như đã biết, Giám đốc điều hành hiện tại của Facebook, Mark Zuckerberg, có thể được coi là người cuối cùng đứng vững tại Thung lũng Silicon. Anh không chỉ là người sáng lập trẻ tuổi nhất mà còn sở hữu một công ty bị chỉ trích cũng như nhắm đến nhiều nhất từ trước tới nay.

"Đối với Larry và Sergey, họ đã nhìn xa về quãng đường 10 năm tới và dự đoán được điều gì sẽ xảy ra. Còn Jeff Bezos, trong gần 27 năm lãnh đạo, người đàn ông này đã xây dựng Amazon thành một đế chế quyền lực và ông biết rằng người kế vị mình sẽ tiếp tục thực hiện được điều tương tự trong 10 năm nữa", nhà phân tích công nghệ Benedict Evans chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. Ông nói thêm: "Nhưng về phía Zuckerberg, có quá nhiều vấn đề và hoài nghi xoay quanh công việc của anh ta và bạn thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo"

Thế hệ những nhà sáng lập đã xây dựng nên những công ty giá trị nhất của Thung lũng Silicon ngày nay đều có tầm nhìn và cá tính riêng. Tuy vậy, ở mỗi người bọn họ vẫn tồn tại những điểm tương đồng. Cụ thể, tất cả đều chia sẻ khả năng sáng tạo không ngừng cũng như có sở trường chạm đến những điều bất khả thi trong ngành máy tính và dịch vụ. Ngoài ra, họ còn được biết đến với tham vọng bá chủ mọi lĩnh vực. Họ hiện đang cạnh tranh nhau ở nhiều mặt từ việc phát triển các cửa hàng ứng dụng, thiết bị, dịch vụ cho đến các dự án lớn khác. Chính sự cạnh tranh này đã khiến cho doanh nghiệp của họ trở nên tương đồng nhau và dần mất đi sự đặc trưng vốn có trong những năm qua. 

Cụ thể, Jeff Bezos đã tận dụng vị thế lớn mạnh của Amazon trong lĩnh vực thương mại điện tử để tạo dựng nên 2 doanh nghiệp thành viên khác. Một là công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services và nền tảng bán bẻ cho bên thứ ba Amazon Marketplace. Cả hai doanh nghiệp này đều đạt được những thành tựu rực rỡ tương tự như Amazon. Bên cạnh Bezos, hai nhà sáng lập Google, bộ đôi đã đi tiên phong trong việc xây dựng một nền tảng truy cập thông tin miễn phí cho mọi người vào năm 1998 với các sản phẩm đặc trưng như Google Maps, Gmail và Youtube, nay cũng mở rộng sang sản xuất các thiết bị điện tử và cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. 

Mark Zuckerberg biến mạng xã hội vốn đã thành công như Facebook trở nên lớn mạnh hơn sau khi mua lại Instagram vào năm 2021 và ứng dụng nhắn tin Whatsapp vào năm 2014. Tại thời điểm đó, đây được coi là những động thái của Facebook nhằm duy trì sự phổ biến cũng như vị thế của mình trong bối cảnh người dùng đang ưa thích các dịch vụ ưu tiên đăng ảnh và nhắn tin. Steve Jobs đã tạo ra một cuộc cách mạng về điện toán khi ông giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, một sản phẩm điện thoại giống có hệ điều hành độc lập giống như một cái máy tính và giao diện không có bàn phím vật lý mới lạ. Trong khi đó, Microsoft thì tạo ra hệ điều hành Windows và bộ sản phẩm Office vẫn còn được sử dụng rộng rãi đến tận ngày nay. 

"Jobs, Brin và Bezos là người sáng lập của công ty và họ có thẩm quyền đạo đức để thực hiện những thay đổi mà người kế nhiệm không có được. Sẽ rất khó để một cấp phó nhận được sự chấp thuận của hội đồng quản trị, cổ đông và thậm chí là người tiêu dùng khi đặt ra các chiến lược tương tự", Yukari Kane, tác giả của cuốn "Haunted Empire: Apple after Steve Jobs" cho biết. Mặc dù các chiến lược của những nhà sáng lập này đã tạo dựng nên những công ty được xem như gã khổng lồ công nghệ cũng như biến họ thành những người giàu có nhất hành tinh, nhưng chính chúng cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều chính phủ trên thế giới. 

Các nhà lãnh đạo và chính trị gia đã đưa ra câu hỏi về tốc độ tăng trưởng của những công ty này, ảnh hưởng quyền lực của họ đối với đất nước và việc thu thập dữ liệu cá nhân người dùng. Hiện tại, Google và Facebook đang phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền mang tính bước ngoặt ở Mỹ trong khi Amazon cũng đang xử lý với các cáo buộc chống độc quyền ở Liên minh châu Âu. Tòa án tối cao đã cho phép đối tác kiện Apple về các hành vi phản cạnh tranh của hãng trên cửa hàng ứng dụng App Store. Microsoft thì bị cáo buộc vì hành vi làm trái lại các điều khoản ứng xử đã thỏa thuận trước đó với Bộ Tư Pháp Mỹ.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa Mark Zuckerberg và những nhà sáng lập kiêm CEO khác đó là anh ấy trẻ hơn họ. Jeff Zeros đã điều hành Amazon 27 năm trước khi ông tuyên bố từ chức ở tuổi 57. Hai nhà sáng lập Brin và Page đều 47 tuổi và rời khỏi vị trí của mình tại Google sau hơn 2 thập kỷ cầm quyền. Trong khi đó, Mark Zuckerberg mới chỉ 36 tuổi và công ty của anh cũng ra đời cách đây 16 năm. Điều này có nghĩa là Facebook được thành lập sau Amazon một thập kỷ và 6 năm sau Google. Cho nên, Zuckerberg cảm thấy mình còn rất nhiều việc phải làm cho Facebook. 

Thời điểm mà Jeff Bezos hay hai nhà sáng lập Google Page và Brin tuyên bố rời đi để tìm kiếm hướng đi mới đều đúng vào những giai đoạn công ty của họ đang hoạt động ổn định và dự kiến có mức tăng trưởng triển vọng trong nhiều năm tới. Trước khi từ chức vào năm 2019, Page và Brin đã dành ra 4 năm để củng cố đế chế của họ bằng cách thành lập một công ty mẹ có tên là Alphabet. Thêm vào đó, hai nhà sáng lập Google còn tách các bộ phận quảng cáo và tìm kiếm ra khỏi các dự án trong lĩnh vực y tế, máy ảnh và xe tự hành. Đặc biệt, Youtube đã trở thành một công cụ tạo ra doanh thu khổng lồ từ quảng cáo cho Alphabet theo đúng kỳ vọng của Page và Brin. 

Còn đối với Jeff Bezos, khi ông tuyên bố sẽ từ chức CEO của Amazon cũng là lúc công ty vừa báo cáo kết quả doanh thu quý đầu tiên đạt hơn 100 tỷ USD. Trong lá thư thông báo mình sẽ rời vị trí CEO tại Amazon, Bezos đề cập rằng "chúng tôi đang ở thời kỳ huy hoàng nhất từ trước tới nay", điều này cho thấy Amazon đã đạt được thành công đỉnh cao. Trong lá thư từ chức viết chung của Brin và Page, họ cũng nói rằng Alphabet đang ở "một nơi ổn định và thoải mái". Họ viết: "Nếu công ty là một con người thì nó đang là một thanh niên 21 tuổi và đã đến lúc chàng thanh niên này phải rời khỏi nhà để đương đầu với thử thách".

Còn khi Gates rời khỏi vị trí điều hành tại Microsoft vào năm 2008, công ty của ông đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Lúc đó, mặc dù Microsoft vẫn kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ Windows nhưng hãng lại bị các đối thủ trẻ hơn như Apple, Google và Facebook vượt mặt trong các lĩnh vực máy tính mới nổi. Và Bill Gates đã trở thành người giàu nhất thế giới nhưng ông luôn cảm thấy mệt mỏi vì phải giải quyết các vấn đề chống độc quyền kéo dài.

Những người sáng lập khi rời đi không chỉ ủy thác cho những người kế vị tương lai của cả công ty mà còn những bê bối xoay quanh câu chuyện chống độc quyền. Bằng chứng là CEO hiện tại của Google, Sundar Pichai, đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ nhiều lần kể từ khi hai người sáng lập rời đi. Microsoft phải bỏ qua điều khoản cuối cùng trong thỏa thuận giải quyết chống độc quyền vào năm 2011. CEO sắp tới của Amazon, Andy Jassy cũng phải đối mặt việc bị giám sát hoạt động kinh doanh và cách đối đãi của họ đối với nhân viên. 

Facebook của Zuckerberg tiếp tục là một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới, nhưng đây cũng là công ty bị coi thường nhất trong số những gã khổng lồ công nghệ. Mạng xã hội này không còn được lòng của công chúng như trước và dính vào hàng loạt vấn đề gồm một vụ kiện lớn chống độc quyền ở Mỹ, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý trên toàn thế giới và bị cáo buộc rằng nền tảng của họ thiếu dân chủ cũng như đầy rẫy những thông tin sai lệch.

Không giống như Apple và Alphabet, Facebook đã không chuẩn bị trước một người điều hành khác để thay thế tiếp quản công ty. Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg, 51 tuổi, đã dẫn dắt mảng kinh doanh của Facebook trong nhiều năm nhưng không được coi là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hay có khả năng đem đến những chiến lược đột phá. Giám đốc sản phẩm kiêm phó chủ tịch của Facebook, Christopher Cox, 38 tuổi, được coi là người có khả năng thay thế Zuckerberg cao nhất khi nhà sáng lập này rời đi, nhưng Cox chỉ mới gia nhập lại công ty gần đây sau khi từ chức vào năm 2019.

Chí Tôn

Chủ đề khác