VnReview
Hà Nội

Vì sao Sony sẵn sàng chịu lỗ cho mỗi chiếc PS5 bán ra?

Công ty nói trong buổi họp báo rằng "mức giá chiến lược" đang áp dụng cho PS5 thấp hơn cả chi phí sản xuất, khiến họ phải chịu lỗ trên mỗi đơn vị bán ra.

Mặc dù hãng không tiết lộ cụ thể chi phí sản xuất cũng như khoản lỗ được nhắc đến, nhà phân tích của Wedbush là Michael Pachter cho rằng về cơ bản thì Sony bán hòa vốn bản có ổ đĩa. Với PS5 Digital Edition giá 400 USD và loại bỏ ổ đĩa, họ phải chịu lỗ. Như vậy chi phí sản xuất mỗi máy sẽ khoảng 450 USD hoặc hơn.

Đó là còn chưa kể đến khoản tiếp thị khổng lồ mà công ty Nhật Bản đã bỏ ra, cũng được nhắc tới trong báo cáo tài chính. Rõ ràng nếu chỉ tính tiền bán máy thì họ đang phải chịu thiệt hại kinh tế. PS5 được coi là động lực tăng trưởng trong dài hạn của Sony nên đây là một vấn đề đáng lo ngại. Vậy tại sao công ty lại làm như vậy?

Bán console không phải để kiếm tiền

Các công ty kinh doanh máy chơi game thường phải chịu tỉ suất lợi nhuận "mỏng như dao cạo" để đảm bảo tính cạnh tranh, cải thiện thị phần và thu hút người chơi mới. Khi các nhà phát triển thấy một nền tảng phổ biến, họ sẽ tham gia và tăng cường thêm tính đa dạng nội dung của nền tảng đó. Như vậy, giá bán là một yếu tố quyết định tới khả năng bành trướng của hệ console.

Dù có giá rất cao, Sony vẫn phải chịu lỗ nặng khi bán PS3 (ảnh: AList)

Năm 2006, Sony công bố PS3 bộ nhớ 20GB giá 500 USD, bản 60GB cao hơn với 600 USD. Tuy nhiên, sau đó công ty IHS Markit tính toán rằng với mỗi bản 20GB bán ra họ lỗ tới 300 USD, đối với bản 60GB thì con số giảm còn 240 USD. Nhưng nhìn chung thì chắc chắc trong những năm đầu tiên, Sony càng bán được nhiều PS3 thì càng lỗ vốn sản xuất.

Đến PS4, công ty niêm yết giá 400 USD và cũng theo IHS Markit, máy tốn 381 USD sản xuất. Có nghĩa chênh lệch còn chưa tới 20 USD, chỉ vừa đủ để bù đắp chi phí tạo ra sản phẩm. Đối thủ của Sony là Microsoft cũng không khá hơn. Ở thế hệ Xbox 360, công ty chịu lỗ 130 USD cho mỗi máy bán được. Tới Xbox One, chi phí và giá thành lần lượt là 471 USD so với 500 USD, đủ hòa vốn.

Nhưng kết luận sau cùng thì cả Sony lẫn Microsoft đều chẳng thế bán máy mà ra tiền được. Vì với chỉ 20-30 USD dư ra, không đủ bù cho khoản ngân sách marketing, vận chuyển, chiết khấu cho nhà bán lẻ,... Chắc chắn họ đều chịu lỗ rất nhiều vì sản xuất phần cứng. Nếu nghĩ bán 500 USD cho một máy chơi game là có lợi nhuận thì bạn đã nhầm!

Khi bán PS5 Digital Edition, Sony phải chịu lỗ (ảnh: Sony)

Gieo hạt chờ ngày hái quả

Phần cứng thường chỉ sinh lời khi đã ở nửa sau vòng đời, khi đã khấu hao đáng kể chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, các công ty sản xuất console chẳng hề mảy may quan tâm đến chuyện đó, bởi họ có thể bù đắp lại bằng phần mềm bán ra về sau. Mỗi đĩa trò chơi 60 USD (đối với hệ PS5 và Xbox Series X/S trở đi, một số game AAA tăng giá lên 70 USD) mới là cái đích lợi nhuận.

Với 60 USD đó, nhà phát hành game sẽ nhận được 27 USD, bên bán lẻ đĩa nhận 15 USD, công ty duy trì nền tảng (Sony hoặc Microsoft) nhận 7 USD, còn lại 10 USD sẽ chia cho các bên khác. Càng bán được nhiều đĩa, họ càng kiếm nhiều tiền, và nếu là bên nhà phát hành thì sẽ giữ luôn phần tiền chia cho vai trò đó.

Nhưng cả Sony và Microsoft còn tự bán game trên nền tảng của mình. Khi đó, các đầu game bên thứ nhất do công ty làm chủ và phân phối sẽ mang toàn bộ doanh thu về cho chính họ. Bởi vai trò lúc này đã là chủ sở hữu nền tảng, nhà phát hành lẫn đơn vị bán bản game. Đó là lí do vì sao đầu tư cả trăm triệu cho những dự án game độc quyền vẫn mang lại doanh thu khổng lồ.

Sony bán được 103 triệu bản game, trong đó có 18,4 triệu là game bên thứ nhất

Và với các game thuộc bên thứ ba mang lên cửa hàng của họ phân phối, nghiễm nhiên chủ nền tảng được thu 30% từ tiền bán game. Vì vậy, Sony hay Microsoft chỉ cần mỗi người chơi mua khoảng 4-5 game là đã đủ bù lại hết các chi phí bị lỗ từ bán phần cứng. Và tất nhiên, ai mua console về cũng là để chơi game, càng mua nhiều và chơi nhiều thì hãng càng kiếm được nhiều.

Cũng vì thế, Sony sẵn sàng chịu lỗ nặng để bán PS5 Digital Edition, phiên bản hướng người chơi hoàn toàn vào việc mua game trên cửa hàng kỹ thuật số. Như đã giải thích ở trên, hình thức bán đĩa vật lí không đem lại doanh thu nhiều bằng tải về trực tuyến. Bản không ổ đĩa sẽ tối ưu số tiền bán game chảy về túi Sony nhiều hơn.

Tiềm năng khổng lồ

Không thể đánh giá tiềm năng kinh doanh trò chơi điện tử của Sony chỉ qua vài quý đầu phát hành PS5. Thậm chí họ còn đang bị "nghẽn cổ chai" ở chuỗi cung ứng khi kiếm không đủ chip để sản xuất máy.

Bây giờ chưa phải lúc để gặt hái thành quả từ việc bán lỗ PS5 (ảnh: The Verge)

Doanh thu hoạt động Game & Networks đã tăng tới 40% trong quý vừa rồi, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu tập đoàn. Trong khi đó, lợi nhuận tăng trưởng 50% và đóng góp 22% cho tổng thu nhập của Sony. Mức tăng trưởng đều đặn này đến từ doanh số bán trò chơi (103 triệu bản trong ba tháng cuối 2020), doanh thu PS Plus và tỉ suất lợi nhuận từ bán phần cứng PS4 tăng.

Chi phí bù lỗ cho phát hành PS5, tiền marketing cùng các khoản phát sinh khác đã được bù đắp đáng kể. Do vậy không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Sony đã điều chỉnh triển vọng kinh doanh cả năm của trò chơi điện tử, tin tưởng vào doanh thu bán phần mềm và dịch vụ PS Plus tăng. Ngoài ra, họ còn thu được một khoản không nhỏ từ phụ kiện nữa.

Ambitious Man

Chủ đề khác