VnReview
Hà Nội

BlackBerry sắp trở lại thị trường châu Á nhờ Foxconn và một startup lạ đến từ Mỹ

Một startup trụ sở tại Texas (Mỹ) đang tìm cách mang BlackBerry - dòng sản phẩm từng là lựa chọn hàng đầu đối với giới doanh nhân thời kỳ tiền smartphone - trở lại trong thời đại 5G.

Theo;NikkeiAsia, OnwardMobility đang phát triển một chiếc điện thoại BlackBerry mới với bàn phím vật lý thông qua mối quan hệ hợp tác với Foxconn (Đài Loan), còn được biết đến với tên gọi Hon Hai Precision Industry Group, và dự định sẽ tung sản phẩm ra thị trường Bắc Mỹ và châu Âu trong năm nay. Nhưng châu Á cũng là một thị trường rất quan trọng đối với OnwardMobility - đó là khẳng định của CEO kiêm nhà sáng lập Peter Franklin.

Đến thời điểm hiện tại, chưa có lịch trình rõ ràng nào cho biết thời điểm ra mắt thiết bị tại châu Á, nhưng OnwardMobility hi vọng sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất có thể. "Nó sẽ là một thiết bị flagship toàn cầu, và châu Á thì rất quan trọng đối với chúng tôi" - Franklin nói. "Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận với các khách hàng và các nhà mạng di động trên quy mô toàn cầu để phát triển kế hoạch phân phối của mình".

Sẽ có thêm nhiều chi tiết về thiết bị BlackBerry mới được công bố trong vài tháng tới, Franklin nói thêm.

Franklin thành lập nên OnwardMobility vào năm 2019. Trước đó, ông làm việc cho Microsoft và công ty game trực tuyến Zynga.

BlackBerry ban đầu được phát triển bởi một công ty Canada cùng tên, từng được biết đến với tên gọi Research In Motion (RIM). Nhờ bàn phím vật lý và hệ điều hành độc quyền, các thiết bị BlackBerry đã trở nên cực kỳ phổ biến trong giới doanh nhân và mở rộng ra nhiều đối tượng người dùng khác vào năm 2010, trước khi smartphone trở nên phổ biến.

Nhưng sự trỗi dậy của iPhone và các đối thủ khác đã khiến BlackBerry bị ảnh hưởng nặng nề và phải ngừng bán thiết bị vào năm 2016, chuyển sang tập trung vào lĩnh vực an ninh mạng.

Đã có một vài nỗ lực nhằm hồi sinh BlackBerry trước khi OnwardMobility xuất hiện. Công ty điện tử Trung Quốc TCL từng nắm quyền sử dụng nhãn hiệu này và đã tung ra nhiều mẫu máy dưới tên gọi BlackBerry, nhưng vào năm ngoái, họ đã công bố sẽ chấm dứt thoả thuận này.

ƠnardMobility hi vọng sẽ làm được những điều TCL chưa thể thông qua mối quan hệ đối tác với FIH Mobile, công ty con chuyên sản xuất điện thoại Android của Foxconn. Họ hiện đang cùng nhau phát triển một mẫu máy mới mang nhãn hiệu BlackBerry, sở hữu bàn phím vật lý đặc trưng cũng như hệ thống camera đỉnh cao cùng kết nối 5G.

BlackBerry trước đây đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến với iPhone và các smartphone khác, khi mà thay vì tập trung cạnh tranh bằng phần cứng, họ lại chuyển hướng sang ứng dụng.

Peter Franklin, CEO kiêm nhà sáng lập OnwardMobility

Nhưng Franklin tin rằng BlackBerry có một sức cuốn hút mới mẻ trong tình hình thế giới ngày nay, với ngày càng nhiều người phải làm việc tại nhà vì đại dịch virus corona.

"Smartphone của chúng tôi được trang bị bàn phím vật lý, có thể giúp tăng năng suất công việc" - Franklin nói.

OnwardMobility còn hi vọng sẽ cung cấp cho người dùng khả năng bảo vệ tốt hơn trước nạn rò rỉ dữ liệu và các mối đe doạ trực tuyến, vốn ngày một phổ biến hơn trong bối cảnh mọi người làm việc từ xa. Công ty sẽ hợp tác với một công ty an ninh mạng khác với hi vọng đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn và các khách hàng khác, những người quan tâm đến bảo mật.

Về sản xuất, OnwardMobility sẽ hợp tác với tập đoàn Foxconn. "Một mục tiêu lâu dài là lắp ráp các thiết bị tại Mỹ" - Franklin nói.

Nhưng OnwardMobility chắc chắn phải đối mặt với một cuộc chiến không khoan nhượng, khi mà thị trường smartphone toàn cầu hiện nay đang là chiến trường của không ít tên tuổi lớn. Trong số 1,29 tỷ smartphone xuất xưởng trên toàn thế giới trong năm 2020, có 20,6% đến từ Samsung Electronics và 15,9% đến từ Apple.

Để BlackBerry thành công, OnwardMobility sẽ cần nghiên cứu và tăng cường các kênh bán hàng mới. Sự cạnh tranh ngày càng tăng đến từ các đối thủ Trung Quốc như Xiaomi, vốn đã và đang rất thành công với chiến lược tung ra những mẫu máy hiệu năng cao nhưng giá rẻ, cũng là một thách thức phải vượt qua.

Minh.T.T (theo Nikkei)

Chủ đề khác