VnReview
Hà Nội

Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh trừng phạt mới lên Trung Quốc

Trong năm vừa qua, hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành. Mặc dù có nhiều suy đoán cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt dưới thời tân Tổng thống Joe Biden, nhưng thực tế không phải vậy.;

Theo Gizchina, mới đây, chính quyền Biden đã thảo luận với các đồng minh về việc sẽ bổ sung "các biện pháp trừng phạt có mục tiêu mới" đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của một số hãng công nghệ quan trọng Mỹ sang Trung Quốc. Động thái này được thực hiện trước khi cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 10/2.

Không chỉ áp đặt thêm các chính sách hạn chế thương mại đối với lĩnh vực công nghệ, Mỹ còn tuyên bố rằng họ sẽ không đồng ý hủy bỏ chính sách thuế quan thương mại mà chính quyền Trump ban hành cho Trung Quốc trước đó cho đến khi họ thảo luận kỹ lưỡng với các đồng minh. "Việc Tổng thống Joe Biden chỉ trích các sách lược của chính quyền Trump không đồng nghĩa với việc ông ấy sẽ không có những biện pháp cứng rắn đối với thương mại của Trung Quốc", nguồn tin thân cận cho biết. 

Nguồn tin tiết lộ thêm rằng ông Joe Biden đã cam kết hợp tác với Trung Quốc để tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng đối với lợi thế kinh tế của Mỹ, bao gồm chất bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, "ông chủ" Nhà Trắng cũng thỏa thuận sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu. Theo Bloomberg, Tổng thống Joe Biden sẽ ký một lệnh điều hành nhằm chỉ đạo hướng đi cho chuỗi cung ứng bán dẫn và phát triển một phát triển một chiến lược dài hạn để tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai.

Nguyên nhân của việc thiếu hụt này bắt nguồn từ nhiều yếu tố bao gồm nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử như iPad, máy tính, smartphone trong đại dịch tăng mạnh mẽ, hoạt động sản xuất của nhiều hãng bán dẫn bị đình trệ do Covid-19, nguồn hàng của ngành bán dẫn phụ thuộc hầu hết vào một số công ty thuê ngoài sản xuất như TSMC và cuối cùng là những ảnh hưởng kéo dài từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến các công ty Mỹ gặp nhiều trở ngại khi làm việc các nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Hậu quả là trong mấy tuần gần đây, các hãng công nghệ hàng đầu như Apple, Qualcomm, Sony và AMD đồng loạt thông báo về tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn cho một loạt thiết bị của mình bao gồm iPhone, PlayStation 5, laptop AMD…. Không chỉ công nghệ, tình trạng thiếu hụt chip còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực khác, điển hình là ngành ôtô. Nhiều hãng xe lớn gồm Volkswagen, Fiat Chrysler và Toyota buộc phải tạm dừng sản xuất ôtô trong vài tháng qua do thiếu chất bán dẫn. Đầu tháng 2, Ford cũng vừa thông báo rằng họ sẽ tạm dừng sản xuất xe tải F-150, sản phẩm sinh lời nhất của hãng, do thiếu chip. 

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt bán dẫn, chính quyền Biden được cho là đang làm việc với các doanh nghiệp và đối tác thương mại nhằm hạn chế ảnh hưởng của các nguyên nhân trên. Dẫu vậy, việc Mỹ tiếp tục hạn chế các công ty tham gia vào sản xuất chất bán dẫn khiến chính sách của Tổng thống Joe Biden trở nên không rõ ràng. 

Hôm 11/2, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (SIA) với các thành viên gồm nhiều hãng chip lớn như AMD, IBM, IBM, Intel, Nvidia… đã đề xuất một sáng kiến trong bức thư gửi cho ông Biden. Cụ thể, họ mong muốn chính quyền Mỹ sẽ cung cấp một nguồn tài trợ dưới dạng trợ cấp hay tín dụng thuế để khuyến khích các công ty sản xuất chất bán dẫn cũng như thúc đẩy nghiên cứu bán dẫn trong đợt kích cầu sắp tới. Hiện tại, chưa có thông tin chính xác liệu Mỹ có thực hiện yêu cầu này hay không.

Chí Tôn

Chủ đề khác