VnReview
Hà Nội

Samsung chạy đua để bảo vệ bí mật công nghệ trước các đối thủ Trung Quốc

Mặc trang phục tù màu be, hai cựu nhân viên Samsung ngồi im lặng khi được hỏi.;"Thiệt hại tài chính sẽ ra sao nếu các bản vẽ này rơi vào tay Trung Quốc?", nữ công tố viên dứt khoát tra hỏi các bị cáo tại toà án quận Suwon, thủ phủ tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc, tháng 11/2020.

Các cựu nhân viên Samsung đã bị Văn phòng Công tố quận Suwon bắt giữ vào tháng 8 năm ngoái với cáo buộc cố ý rò rỉ công nghệ sản xuất tấm nền hữu cơ phát quang điện, hay còn gọi là OLED cho công ty đối thủ Trung Quốc. Đây được xem là hành vi vi phạm luật bảo hộ công nghệ.

Theo văn bản được công tố viên đưa ra, các bị cáo đã hợp tác với công ty gia công Hàn Quốc phát triển máy sản xuất màn hình dựa trên công nghệ của Samsung và đem bán cho đối tác Trung Quốc. Tất nhiên, vụ việc này khác xa với những vấn đề pháp lý xoay quanh Samsung gần đây. Tháng 1 năm nay, Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đã bị bắt vì tội hối lộ. Song, những vấn đề được nêu ra tại tòa án quận Suwon lại nghiêm trọng hơn rất nhiều và có thể ảnh hưởng đến tương lai công ty.

Samsung luôn nỗ lực hết sức để ngăn chặn rò rỉ thông tin nhạy cảm cùng bảo mật nghiêm ngặt xung quanh nhiều phòng thí nghiệm

Samsung Electronics tự hào có giá trị vốn hóa thị trường 556 nghìn tỷ won (tương đương 486,54 tỷ USD), đạt doanh thu 236,2 nghìn tỷ won và lợi nhuận hoạt động 35,9 nghìn tỷ won trong năm 2020. Đây là công ty chiếm lĩnh thị phần toàn cầu về mọi lĩnh vực, từ smartphone, TV đến chip nhớ.

Nhưng thành công này đã khiến Samsung trở thành mục tiêu "béo bở" của các đối thủ Trung Quốc đang trỗi dậy, đồng thời cũng muốn gia tăng tham vọng khi căng thẳng công nghệ Mỹ-Trung leo thang.

Đảm bảo sự thành công liên tục và bảo vệ bí mật công nghệ của Samsung là vấn đề hệ trọng cấp quốc gia đối với chính quyền Seoul. Cuộc điều tra dẫn đến việc bắt giữ các cựu nhân viên Samsung xuất phát từ đợt kiểm tra bí mật của Cục Tình báo Quốc gia (NIS), cơ quan tình báo cấp quốc gia của Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc đã đề cao tầm quan trọng của các công nghệ liên quan đến tấm nền OLED, xem đây là "công nghệ cốt lõi của quốc gia" và NIS có nhiệm vụ bảo vệ, đảm bảo chúng không bị rò rỉ ra quốc tế. Nếu bị tuyên án, những bị cáo trong vụ án trên phải chịu ít nhất 3 năm tù giam. 

Tuy nhiên, trong khi Hàn Quốc đang áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm rò rỉ công nghệ, nhiều vụ gián điệp tại doanh nghiệp vẫn diễn ra dày đặc.

Trong năm 2020, các đối thủ Trung Quốc rượt đuổi Samsung ở nhiều lĩnh vực

5 năm từ 2014-2019, đã có 123 vụ rò rỉ công nghệ từ Hàn Quốc, theo báo cáo được NIS đệ trình lên Quốc hội Hàn Quốc. Trong đó, có tổng số 83 vụ rò rỉ sang Trung Quốc, nhiều vụ liên quan đến công nghệ thuộc thế mạnh của Hàn Quốc, bao gồm chất bán dẫn, màn hình và đóng tàu.

Đối mặt với nguy cơ rò rỉ, Samsung không ngồi yên và đưa ra nhiều biện pháp bảo mật, từ trung tâm nơi làm việc đến các thiết bị hãng tạo ra. Samsung đã vô hiệu hóa chức năng ghi âm và camera trên smartphone của nhân viên tại các phòng thí nghiệm và nhà máy.

Bên trong phòng nghiên cứu, giấy in được sử dụng trong máy photocopy có chứa kim loại, giúp phát hiện hành vi sao chép và rò rỉ ra ngoài nội bộ. Báo động sẽ vang lên nếu tài liệu được mang qua máy dò kim loại đặt tại cửa tòa nhà.

Trong khi chính phủ Hàn Quốc kêu gọi các doanh nghiệp áp dụng biện pháp làm việc tại nhà trước bối cảnh đại dịch Covid-19, Samsung vẫn kiên quyết không cho phép nhân viên mang tài liệu có thông tin kỹ thuật ra bên ngoài.

Tuy nhiên, bất kể Samsung có nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp bảo mật triệt để đến đâu, tập đoàn Hàn Quốc vẫn có đến 287.000 công nhân viên trên khắp thế giới và họ có thể nhảy việc hay đầu quân cho các công ty đối thủ bất cứ lúc nào.

Không khó để bắt gặp những lời chào mời được đăng trên trang tìm việc trực tuyến ở Hàn Quốc có chứa các cụm từ như "Địa điểm làm việc: khu vực nội địa Trung Quốc" hoặc "Yêu cầu: công nhân từ các công ty liên quan đến sản xuất màn hình", cùng với hứa hẹn "chế độ làm việc tốt cho công nhân đến từ các công ty S L".

S L là chữ cái đầu viết tắt của Samsung và người đồng hương LG. Đây là 2 công ty Hàn Quốc có nhiều nhân sự chất lượng và các công ty Trung Quốc muốn mời gọi họ bằng ưu đãi lương cao và các khoản bồi dưỡng hậu hĩnh. Đối với những kỹ sư bị "hụt hơi" trong môi trường cạnh tranh gay gắt của Hàn Quốc, việc chuyển sang một công ty Trung Quốc có thể là lựa chọn hấp dẫn hơn.

Theo các kỹ sư của BOE Technology Group, nhà sản xuất tấm nền màn hình lớn nhất Trung Quốc đang có khoảng 120 lao động Hàn Quốc làm việc tại các nhà máy và phòng thí nghiệm của họ. 

Samsung hiện đang dẫn đầu thị trường smartphone toàn cầu và các nhà sản xuất Trung Quốc đang cố thu hẹp khoảng cách này

Trong đó bao gồm hơn 50 cựu kỹ sư của Samsung, những người đang dẫn đầu dự án phát triển tấm nền OLED cho Apple. Nhiều người trong số họ đã rời bỏ Hàn Quốc khi công ty cũ có chế độ làm việc không tốt vào năm 2015 và 2016, các kỹ sư BOE cho biết. Về phần mình, BOE đã không phản hồi yêu cầu bình luận.

Nhà máy của BOE ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, sở hữu dây chuyền sản xuất được thiết lập tương tự nhà máy chính của Samsung Display ở Asan, tỉnh Chungcheong Nam, Hàn Quốc. BOE cũng mua nhiều nhà máy do Nhật Bản thành lập từ trợ cấp của chính phủ Trung Quốc.

BOE đã đáp ứng màn hình OLED cho thị trường sửa chữa iPhone và công ty đang tìm cách trở thành đối tác cung cấp tấm nền màn hình cho iPhone mới trong năm nay. Được sự hậu thuẫn của chính phủ, việc BOE thúc đẩy đàm phán với Apple khiến nó trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với thị phần toàn cầu của Samsung.

Không có luật lệ nào ngăn cản những lao động tài năng của Hàn Quốc tự do đầu quân về các công ty đối thủ trên thị trường làm việc quốc tế. Và tất nhiên họ đều nhận thức được rằng lựa chọn ấy có thể gặp nhiều phản đối.

Các kỹ sư và công nhân Hàn Quốc làm việc tại Trung Quốc thường sử dụng bí danh để tránh bị chính quyền hoặc công ty cũ ở Hàn Quốc truy tìm. Khi được trở về nhà vào kỳ nghỉ hoặc những dịp khác, họ thường quá cảnh ở Hồng Kông hoặc Thượng Hải rồi từ đó mới trở về Hàn Quốc.

Một kỹ sư người Hàn của BOE cho biết anh thường tránh các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc về Hàn Quốc vì sợ bị bắt giữ với cáo buộc làm rò rỉ công nghệ cốt lõi trong lúc kiểm tra nhập cảnh tại hải quan Sân bay Quốc tế Incheon gần Seoul. Bay trên những chuyến bay đông đúc, người này sẽ đóng vai như một doanh nhân bình thường.

Năm 2020, lãnh đạo cấp cao của BOE đã tuyển dụng Chang Won-ki, một cựu "chiến binh" trong ngành công nghiệp Hàn Quốc, người từng đứng đầu liên doanh sản xuất màn hình tinh thể lỏng giữa Samsung và Sony, vào vị trí Phó chủ tịch của một công ty sản xuất màn hình chất bán dẫn - chi nhánh của BOE. Chang đã nghỉ việc tại đây ngay sau khi thông tin của anh được đưa về Hàn Quốc và làm dấy lên lo ngại rò rỉ công nghệ.

BOE ấp ủ tham vọng cạnh tranh với Samsung trong việc cung cấp tấm nền OLED cho iPhone

"Tôi đã chấp nhận lời mời làm việc với điều kiện không cạnh tranh với Samsung", Chang cho biết với truyền thông địa phương. Tuy nhiên, anh cảm thấy áp lực vì sự hiểu lầm của người dân Hàn Quốc rằng mình đang tiếp tay cho sự phát triển của công nghệ Trung Quốc và làm chậm tiến bộ nước nhà.

Không những thế, rò rỉ chất xám cũng đang gia tăng trong lĩnh vực chất bán dẫn, trọng tâm của mâu thuẫn công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Một trong những nhà tuyển dụng lớn của Trung Quốc là SMIC, công ty đúc bán dẫn hàng đầu Bắc Kinh, giờ đây đã nằm trong danh sách đen của chính phủ Mỹ.

Phân tích loạt đơn đăng ký bằng sáng chế do Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ công bố, Yoo Kyoung-dong, chuyên gia tư vấn bằng sáng chế tại Hàn Quốc nhận thấy 62 đơn đăng ký bằng sáng chế của SMIC đến từ kỹ thuật của Hàn Quốc. Từ đó, Yoo dự đoán có khả năng hơn 100 nhà nghiên cứu Hàn Quốc đang làm việc cho SMIC.

Các công ty tuyển dụng đã tăng cường tiếp cận nhiều kỹ sư tại trung tâm nghiên cứu công nghệ sản xuất chip máy tính của Samsung ở thành phố Hwaseong, gần thủ đô Seoul, kể từ khi căng thẳng công nghệ Mỹ-Trung bắt đầu nóng lên, theo nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết.

Mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Samsung đã được dự đoán bởi lãnh đạo tiền nhiệm công ty, Lee Kun-hee. Ông không chỉ là kiến ​​trúc sư gầy dựng nền móng phát triển toàn cầu của công ty mà còn thấy được những thách thức trong tương lai.

"10 năm tới, hầu hết mảng kinh doanh và sản phẩm nổi tiếng của Samsung sẽ biến mất", ông Lee cho biết vào tháng 3/2010. Ở tuổi 78, chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã qua đời vào tháng 10 năm ngoái. Cảnh báo mà ông đưa ra nhằm khích lệ lực lượng lao động của Samsung không ngừng sáng tạo và nghiên cứu. Với sức mạnh thị trường và tiềm lực công nghệ, Samsung đã chứng minh cho cả thế giới thấy họ là tập đoàn công nghệ hàng đầu. 

Lee Jae-yong, thái tử của tập đoàn Samsung

Trước các lệnh trừng phạt của Mỹ làm chậm những nỗ lực thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc trong nước, Samsung có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Song vẫn còn đó thách thức từ các công ty đối thủ Trung Quốc.

Kể từ khi cựu chủ tịch Lee nhập viên năm 2014 sau một cơn đau tim đến khi qua đời, Lee Jae-yong đã lên nắm quyền lãnh đạo đế chế kinh doanh Samsung. Trách nhiệm của ông là chống lại mối đe dọa từ thế lực Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của vị chủ tịch trẻ tuổi luôn được nhắc đến với nhiều tai tiếng, bao gồm vấn đề pin quá nhiệt dẫn đến cháy nổ trên Galaxy Note 7 vào năm 2016 và Samsung phải tiến hành thu hồi hàng loạt.

Có nhiều câu hỏi được đặt ra rằng liệu Lee Jae-yong có đủ tầm nhìn và kỹ năng lãnh đạo giống như cha mình để dẫn dắt công ty trong một kỷ nguyên mới của những căng thẳng thương mại toàn cầu hay không. Cho đến nay, ông vẫn chưa có thành tựu nào đáng kể cho Samsung hay bất kỳ mảng kinh doanh mới nào.

Nhưng vấn đề rõ nhất đối với nhiệm kỳ và khả năng quản lý của Lee là việc ông bị giam giữ. Sau phán quyết vào ngày 18/1, Lee hiện đã quay lại nhà giam để tiếp tục thi hành án trong vòng một năm rưỡi tới vì tội hối lộ, sau khi đã thụ án 12 tháng trong năm 2017 và 2018.

Giờ đây, các đối thủ Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách với Samsung ở các mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn Hàn Quốc, bao gồm smartphone, màn hình và thiết bị gia dụng. Thách thức của Samsung là luôn phải tìm ra những cách thức mới để đổi mới và phát triển, bất kể những nỗ lực có vất vả đến đâu, cũng như ngăn dòng chảy bí mật công nghệ từ các nhân viên bên trong nội bộ.

Ngọc Diệp theo Nikkei Asia

https://archive.is/MN7c9#selection-4365.0-4392.0

Chủ đề khác