VnReview
Hà Nội

Bí ẩn bên trong mối thù "dai dẳng" của Facebook và Apple

Theo;The Wall Street Journal, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg cho rằng Apple cũng như CEO Tim Cook đã cố tình gây khó dễ cho hoạt động kinh doanh gã khổng khổng lồ mạng xã hội Mỹ trong nhiều năm. 

Sự việc bắt nguồn từ năm 2018, khi Facebook dính vào vụ bê bối Cambridge Analytics, liên quan đến việc bán dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng. Không lâu sau đó, trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình, Tim Cook tuyên bố rằng bản thân sẽ không bao giờ để công ty do mình điều hành lâm vào tình trạng khó khăn như Facebook. Trong động thái đáp trả lại lãnh đạo Apple, Mark Zuckerberg đã chỉ trích rằng những bình luận của Tim Cook là "cực kỳ thô lỗ" và "hoàn toàn không đúng sự thật". Mới đây, WSJ tiết lộ thời điểm lúc đó nhà sáng lập của Facebook không chỉ cảm thấy bất bình trước tuyên bố của CEO Apple mà còn rất tức giận. Theo nguồn tin thân cận trong công ty, Zuckerberg đã nói với nhân viên của mình: "Chúng ta cần phải cho Apple hiểu cảm giác đau đớn vì đã đối xử quá tệ với Facebook"

Căng thẳng giữa hai gã khổng lồ công nghệ tiếp tục kéo dài cho đến hiện tại và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bất kể khi nào Tim Cook có những lời nhận xét thiếu thiện cảm về phía Facebook thì Zuckerberg sẽ ngay lập tức có động thái đáp trả và ngược lại. Cuối tháng trước, mâu thuẫn giữa hai công ty tiếp tục leo thang sau màn đấu khẩu được xem là "ăn miếng trả miếng" của Tim Cook và Mark Zuckerberg trên truyền thông. Cụ thể, nhà sáng lập Facebook phải lên tiếng để bảo vệ việc thu thập dữ liệu người dùng của công ty sau khi Apple xem đây là một hành vi xâm phạm quyền riêng tư, nguyên nhân sâu xa của vấn nạn tin giả và thuyết âm mưu tràn lan.

Theo đó, Apple đã tự định vị mình là công ty bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng, đồng thời mang lại cho họ những trải nghiệm tốt hơn. Hãng smartphone Mỹ thường xuyên đưa ra những lời chỉ trích đối với các công ty có mô hình kinh doanh như Facebook nhưng không chỉ đích danh. Tất cả những điều này đã chọc giận Mark Zuckerberg, vốn coi Apple như là một công ty đạo đức giả cũng như mối đe dọa với sự tồn tại của Facebook. Năm 2017, một nỗ lực giải quyết căng thẳng thông qua cuộc gặp mặt trực tiếp giữa 2 CEO này đã diễn ra, nhưng mọi thứ vẫn lâm vào bế tắc. 

Theo thời gian, Tim Cook và Mark Zuckerberg ngày càng có nhiều động thái chỉ trích lẫn nhau trên truyền thông, mỗi bên đều tỏ sự chán ghét cũng như bất bình tột độ của mình đối với tuyên bố của người kia về các vấn đề gồm quảng cáo, quyền riêng tư và ứng dụng. 

Hồi tháng 1, nhà sản xuất iPhone dự định tung ra một công cụ bảo mật mới trên hệ điều hành iOS nhằm hạn chế tối đa khả năng thu thập dữ liệu của Facebook. Trước đó, Apple còn cho phép chủ sở hữu iPhone lựa chọn có cho các công ty theo dõi họ trên ứng dụng khác nhau hay không. Trong một cuộc điện đàm, Zuckerberg chỉ trích rằng Apple đã tận dụng sự thống trị của mình trên App Store để ưu ái cho các ứng dụng của riêng mình trong khi đưa ra các quy tắc hạn chế đối với các nhà phát triển ứng bên thứ ba, bao gồm Facebook. Không chịu thua, ngay sau đó, Tim Cook cũng có một bài phát biểu trực tuyến nhằm lên án các mô hình kinh doanh dựa vào việc thu thập dữ liệu từ người dùng.

Cuộc chiến này đã đặt ra nghi vấn về tương lai của Internet miễn phí vì chưa biết liệu Facebook hay Apple sẽ là người chiến thắng. Hai gã khổng lồ này có quan điểm, tầm nhìn và cả mô hình kinh doanh đều khác xa nhau. Facebook muốn khai thác và tận dụng việc thu thập dữ liệu người dùng trên các thiết bị và nền tảng nhiều nhất có thể. Trong khi đó, Apple muốn thu hút người dùng đến với hệ sinh thái phần cứng của riêng mình bằng cách tiếp thị bản thân như một công ty tập trung vào quyền riêng tư. Dù kết quả như thế nào, người dùng Internet đều đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những xung đột trong thời gian qua của Apple và Facebook. 

Cuộc đấu khẩu cuối cùng của Apple và Facebook được cho là sẽ diễn ra trước tóa àn và các cơ quan quản lý trong thời gian tới. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang xem xét các thủ tục pháp lý liên quan đến việc đệ đơn kiện chống lại Apple. Có thể nói, bất cứ thỏa thuận hay quyết định pháp lý nào xảy ra trong vụ kiện chống độc quyền này đều sẽ tạo ra một ảnh hưởng không nhỏ đến cách dùng smartphone của hàng trăm triệu người dùng trên toàn cầu những năm tới. 

Đại diện phát ngôn của Facebook, Dani Lever, cho biết người dùng không cần phải đánh đổi dịch vụ được cá nhân hóa để có quyền riêng tư và ngược lại, đây là một việc làm sai lầm vì Facebook có thể cung cấp cả hai điều này. Bà Lever nói: "Đây không chỉ là cuộc chiến đơn thuần của hai công ty. Đây là tương lai của Internet miễn phí". Đặc biệt, bà khẳng định rằng các doanh nghiệp nhỏ, nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba và người dùng sẽ chịu thiệt nếu tuân theo các quy định của Apple. "Apple tuyên bố mình đang cố gắng bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng, nhưng sự thật là họ chỉ đang nhắm đến lợi nhuận. Chúng tôi đang trao đổi với các bên pháp lý để tố cáo hành vi ích kỷ, phản cạnh tranh của họ", bà Dani Lever nêu cao quan điểm. Chưa hết, người phát ngôn này còn tuyên bố Facebook không chỉ chiến đấu cho bản thân mình mà còn đứng lên chống lại Apple thay mặt cho các doanh nghiệp cũng như nhà phát triển ứng dụng bị chèn ép bởi chính sách "oái oăm" của Táo khuyết. 

Đại diện phát ngôn của Apple từ chối trả lời bình luận của bà Lever.

Thượng nghị sĩ Mike Lee của Utah, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong tiểu ban chống độc quyền của Thượng viện Mỹ, cho biết: "Xung đột giữa Facebook và Apple liên quan đến mối quan hệ giữa quyền riêng tư và chống độc quyền. Chúng tôi không muốn áp đặt các quy định chỉ có lợi cho một bên duy nhất. Mặc dù Facebook thường xuyên lên tiếng ủng hộ quyền riêng tư trên Internet nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ từ bỏ lợi ích cá nhân". Những cố vấn pháp lý của cả Facebook và Apple, bao gồm nhiều luật sư từ các công ty luật khác nhau và các nhà vận động hành lang, lo ngại rằng họ không thể tiếp tục làm việc cho 2 gã khổng lồ công nghệ này khi mà phạm vi của cuộc chiến này không chỉ dừng lại ở các tiêu chuẩn pháp lý. 

Về tính cách, hai vị CEO này có nhiều điểm không tương đồng. Mark Zuckerberg chỉ mới 36 tuổi và là một hacker từng theo học tại Harvard. Thời điểm đó, anh đã coi việc "xâm phạm quyền riêng tư" của người khác là một chuẩn mực xã hội. Đối với Tim Cook, năm nay đã 60 tuổi, một người khá kín tiếng trong giới CEO công nghệ, đồng thời đã phát triển công ty với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý hậu cần và chuỗi cung ứng.

Mark Zuckerberg xây dựng Facebook bằng các chính sách cởi mở với mục tiêu tạo ra một công ty là trung tâm kết nối của toàn cầu. Mạng xã hội này dựa vào dữ liệu thu thập từ người dùng để kiếm lợi từ các hoạt động quảng cáo nhưng đổi lại nó cung cấp tất cả dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Nguồn tin thân cận với Zuckerberg cho biết rằng vị CEO này đã bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của Tim Cook vì cho rằng chúng không thể ảnh hưởng đến lập trường của anh, đặc biệt là vào thời điểm Facebook đang đối mặt với một loạt các cáo buộc về chống độc quyền và kiểm duyệt nội dung tại Mỹ lẫn nước ngoài. 

Vào năm 2011, nhà sáng lập Apple, Steve Jobs đã mất do ung thư nhưng trước đó đã để lại quyền điều hành cho Tim Cook. Kể từ đó đến nay, Cook vẫn đang giữ chức vị Giám đốc điều hành của Táo khuyết. Trong suốt ngần ấy năm ở vị trí này, Tim Cook luôn xây dựng Apple theo hướng một công ty đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, đặc biệt là sự bảo mật tuyệt đối. Quan điểm của ông về quyền riêng tư đã được kế thừa từ nhà sáng lập Steve Jobs và thể hiện rõ trong phần lớn hoạt động kinh doanh của Apple, họ chỉ tập trung vào doanh thu phần cứng thay vì dịch vụ quảng cáo. 

Tuy nhiên, cuộc chạy đua lợi nhuận đã thúc đẩy Apple, Facebook cũng như nhiều gã khổng lồ công nghệ khác mở rộng đầu tư và phát triển sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cả hoạt động kinh doanh thuần túy của đối thủ. Cụ thể, khi doanh số iPhone bán ra đạt mức kỷ lục, Tim Cook không ngần ngại đẩy mạnh các dịch vụ kỹ thuật số. Dịch vụ nhắn tin dành riêng cho iPhone, iMessage hiện được xem là mối đe dọa đối với các dịch vụ nhắn tin mạng xã hội của Facebook như WhatsApp. Ngược lại, Facebook cũng đang phát triển hệ sinh thái phần cứng của riêng mình. Gần đây, The Verge tiết lộ rằng mạng xã hội này có thể đang âm thầm thực hiện một dự án về đồng hồ thông minh. Cả hai công ty đều đang đầu tư vào hệ thống thanh toán. 

Chưa kể, Apple còn nhận được hàng tỷ USD mỗi năm từ Google do đã biến dịch vụ tìm kiếm của gã khổng lồ công nghệ này thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari. Đáng nói, lợi nhuận của Google phần lớn đến từ hình thức thu thập dữ liệu người dùng, việc làm mà ông Cook và các lãnh đạo khác của Apple đã chỉ trích mạnh mẽ. Trong buổi báo cáo tài chính hôm 27/1, Zuckerberg tuyên bố  Apple là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Facebook. Nguồn tin thân cận với vị CEO này cho biết, Zuckerberg cùng đội ngũ nhân viên của mình đã khởi động một chiến dịch chống lại Apple. Theo đó, nhà sáng lập Facebook đã phơi bày các hành vi sai trái của Apple trong những cuộc họp cấp cao cũng như báo cáo với các quan chức chính phủ, các cơ quan quản lý chống độc quyền và các nhà quảng cáo rằng Apple đang lạm dụng quyền lực của mình. 

Hồi cuối tháng 1, trong cuộc họp với các nhà phân tích Phố Wall, Zuckerberg cho biết: "Apple có nhiều động cơ để sử dụng sự thống trị trên nền tảng Apple Store và gây trở ngại cho Facebook cũng như các ứng dụng khác. Apple thường xuyên dành sự ưu ái cho các ứng dụng của mình trên App Store". Hiện tại, Apple ngày càng siết chặt việc thu thập dữ liệu trên iPhone cũng như tăng cường kiểm soát quyền riêng tư cho người dùng. 

Cũng tại thời điểm cuối tháng trước, trong bài phát biểu trực tuyến nhân ngày Quyền riêng tư Quốc tế, mặc dù không chỉ đích danh nhưng Tim Cook đã lên án mô hình kinh doanh nhắm vào thu thập dữ liệu người dùng của các công ty như Google hay Facebook. Ông khẳng định: "Nếu một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên sự giả dối, khai thác dữ liệu âm thầm và ép buộc người dùng thì nó không đáng được chúng tôi khen ngợi. Nó đáng bị khinh bỉ". Theo WSJ, trước đó Apple và Facebook đã từng là đồng minh cũng như có một mối quan hệ khá tốt. Trong một phỏng vấn năm 2014, Tim Cook từng gọi Facebook là "đối tác" khi nói về sự cạnh tranh của hệ điều hành Android. 

Nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của điện thoại thông minh có sự đóng góp không nhỏ từ iPhone của Apple, chính chiếc điện thoại này đã thay đổi cách nhiều người nghĩ về thiết bị di động. Nhờ smartphone được sử dụng rộng rãi, Facebook cùng nhiều nhà phát triển ứng dụng khác mới có cơ hội kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ các nền tảng di động như iOS hay Android. Tuy nhiên, việc ứng dụng xuất hiện một cách tràn lan đã đặt dấu hỏi lớn về quyền riêng tư của người dùng. Hiện tại, nội bộ Apple đang tìm cách để giải quyết vấn đề này.

Trước khi qua đời vào năm 2011, Jobs đã có những chia sẻ công khai liên quan đến vấn đề quyền riêng tư tại một sự kiện do The Wall Street Journal tổ chức. Ông nói: "Tôi tin rằng mọi người đều đủ thông minh để biết nên chia sẻ dữ liệu của mình cho ai. Chắc chắn sẽ có một số người muốn chia sẻ dữ liệu cá nhân nhiều hơn những người khác. Tuy vậy, bất kể thế nào thì chúng ta đều phải hỏi họ trước khi làm điều này. Hãy hỏi họ bất cứ khi nào, ngay cả khi có thể khiến họ phiền và yêu cầu chúng ta dừng lại. Hãy cho người dùng biết chính xác ứng dụng của chúng ta sẽ làm gì với dữ liệu thu thập từ họ".

Sau tuyên bố của Steve Jobs, Apple không ngừng tung ra một loạt tính năng và phần mềm trên hệ điều hành với mục đích mang lại sự bảo mật cho người dùng. Vào năm 2013, Táo khuyết giới thiệu công nghệ cảm biến vân tay Touch ID đầu tiên trên thế giới do hãng thiết kế và phát hành. Tiếp đến vào năm 2014, gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại California đã ra mắt phần mềm mã hóa ảnh, tin nhắn và dữ liệu của người dùng để các ứng dụng không thể trích xuất thông tin từ điện thoại. 

Vấn đề về bảo mật trên iPhone nhận được sự chú ý của công chúng sau khi Edward Snowden, nhân viên và nhà thầu phụ của Cơ quan Tình báo Trung ương, vén màn bí mật vụ việc chính phủ Mỹ cùng các nhà điều tra liên bang yêu cầu Apple mở khóa iPhone của một tay súng đã giết 14 người trong một vụ thảm sát ở San Bernardino, California nhưng hãng lại từ chối. Đến cuối cùng, gã khổng lồ smartphone Mỹ vẫn kiên quyết không cung cấp cho chính phủ cách bẻ khóa mật mã trên chiếc iPhone này. Xung đột giữa 2 bên chỉ kết thúc khi Cục Điều tra Liên bang sử dụng một công cụ bên thứ ba và hack thành công iPhone của kẻ phạm tội trong vụ án. 

Trước công chúng, Tim Cook nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh của Apple không bao giờ dựa trên việc thu thập dữ liệu của người dùng hay tuyên truyền cho họ biết về các lợi ích của điều này. Đáp trả lại những bình luận như này của Cook, Zuckerberg cùng ban giám đốc của Facebook đã phản đối rằng kiếm tiền từ quảng cáo nhắm mục tiêu là vi phạm quyền riêng tư và công khai chống lại Apple bằng cách hỏi người dùng liệu có điểm gì trên sản phẩm Táo khuyết đáng để họ bỏ ra một số tiền lớn như vậy để mua không. Theo một số nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, nhân viên Facebook coi hình ảnh về ý thức riêng tư mà Apple gây dựng cho công ty khi hãng đẩy mạnh kinh doanh ở Trung Quốc là một việc làm đạo đức giả.

Theo WSJ, các giám đốc của Facebook tỏ ra bất bình với việc Apple thường xuyên chậm trễ khi phê duyệt các bản cập nhật của mạng xã hội này trên iOS. Nguồn tin thân cận cho biết rằng, Zuckerberg cáo buộc Apple đang lợi dụng vị thế nền tảng thống trị của mình để chèn ép đối thủ, tạo lợi thế riêng đối với ứng dụng, dịch vụ của mình. Nguồn tin tiết lộ thêm rằng Zuckerberg đã nhiều lần đề xuất với các cấp phó của mình về việc nên trì hoãn thời gian tung ra các bản cập nhật cho các thiết bị của Apple, thay vào đó, cung cấp cho hệ điều hành Android, đối thủ lớn nhất của iOS, các bản cập nhật sớm hơn. Tuy nhiên, cuối cùng Facebook đã không làm như vậy.

Vào năm 2017, trong cuộc họp thường niên của các giám đốc điều hành công nghệ và truyền thông ở Sun Valley, Idaho, Zuckerberg đã có cuộc gặp trực tiếp với Tim Cook để giải quyết căng thẳng đang gia tăng của hai bên. Tuy nhiên, kết quả là các mâu thuẫn vẫn lâm vào bế tắc. Theo nguồn tin từ những người có trong cuộc thảo luận thời điểm đó, Zuckerberg đã chỉ trích gay gắt Apple về các vấn đề liên quan đến trì hoãn cập nhật ứng dụng và hành vi phản cạnh tranh của hãng trên App Store. Trong chiều ngược lại, Cook cũng đưa ra những bình luận tương tự nhắm vào mô hình thu thập dữ liệu người dùng của Facebook. 

Vào đầu năm 2018, cả thế giới chao đảo khi dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook bị Cambridge Analytica, một công ty hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump, khai thác trái phép trong suốt cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Vụ việc này đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi của người dùng khi chia sẻ công khai thông tin cá nhân lên mạng xã hội này. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Cook dồn sự chỉ trích vào mô hình kinh doanh dựa vào thu thập dữ liệu người dùng của Facebook. Thời điểm đó, trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC, khi được hỏi rằng mình sẽ làm gì nếu là CEO của Facebook, Cook đã trả lời:"Tôi sẽ không bao giờ để công ty ở trong tình huống này".

Hầu hết nhân viên của Facebook, gồm cả những người đã nghỉ hưu, đều cảm thấy rằng Tim Cook chỉ muốn "đè bẹp" mỗi công ty của mình chứ không phải toàn bộ các công ty có hoạt động kinh doanh tương tự. Các giám đốc điều hành của Facebook cũng cáo buộc rằng Apple đang cố tình nhắm vào họ. Theo những nguồn tin chuyên báo cáo về vấn đề này, các luật sư và giám đốc điều hành truyền thông của Facebook đã bàn luận các phương án giải quyết vấn đề chống độc quyền đối với Apple thông qua thông qua các nhóm vận động hành lang, trực tiếp khiếu nại lên các cơ quan quản lý hoặc đệ đơn kiện chống độc quyền lên tòa án. Nguồn tin cho biết thêm rằng thời điểm đó, Zuckerberg khuyên mọi người không nên có nhiều hành động quá khích vì đó là bước đi sáng suốt trong cuộc chiến chống lại Apple. 

Vào thời điểm Facebook gặp khó khăn, trong hội nghị phần mềm 2018, Apple đã chớp thời cơ và bắt đầu giới thiệu về các ưu điểm cũng như nhiều tính năng mới trên iMessage có thể làm những điều tương tự như Messenger của Facebook, chẳng hạn như gọi video nhóm. Ngoài ra, Táo khuyết còn ra mắt một công cụ bảo mật riêng cho trình duyệt web của mình nhằm hạn chế hạn chế dữ liệu cá nhân của người dùng mà các ứng dụng như Facebook có thể thu thập. The Wall Street Journal nhận xét rằng hầu hết cử chỉ nhất động sai trái của Facebook dường như đều bị Apple "nắm thóp". Theo đó vào năm 2018, Apple đã phát hiện ra rằng Facebook đã sử dụng một ứng dụng có tên Onavo để tìm hiểu thời gian người dùng dành cho những nền tảng đối thủ, và những trang web họ đã truy cập, được coi là hành vi thu thập dữ liệu trái phép. Ngay lập tức, Facebook đã gỡ bỏ ứng dụng này. 

Điều này lập lại vào đầu năm 2019, một ứng dụng khác của Facebook tiếp tục bị Apple phát hiện vi phạm chính sách về quyền riêng tư, sau đó nhà sản xuất iPhone đã cấm cả ứng dụng này cùng một số ứng dụng khác dành riêng cho nhà phát triển nội bộ của Facebook. Trong một thời gian ngắn, lệnh cấm của Apple nhắm vào các phần mềm nội bộ của Facebook đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động của mạng xã hội này. Apple không ngừng phát triển các công cụ bảo mật cho nền tảng hệ điều hành của mình. Mùa hè năm ngoái, Táo khuyết đã công bố một công cụ có tên App Tracking Transparency với nhiệm vụ hỗ trợ người dùng tốt hơn trong việc bảo mật thông tin, thông qua việc hỏi ý kiến của người dùng iOS nếu họ muốn để các ứng dụng thu thập dữ liệu của mình hay không. Tuy nhiên, trước sự phản đối từ Facebook và các nhà phát triển ứng dụng khác, Apple đã trì hoãn việc ra mắt tính năng này cho đến đầu năm nay. 

Trong vài tháng tới, phần mềm này sẽ Apple được triển khai chính thức. Khi đó, nếu người dùng từ chối cho ứng dụng thu thập dữ liệu, Apple sẽ ngăn nó làm như vậy. Động thái này của Apple đã tác động không nhỏ đến các công ty sống nhờ vào quảng cáo như Facebook. Đối với họ, không có dữ liệu khách hàng đồng nghĩa với "cái chết". The Wall Street Journal trích dẫn trong email mà Facebook gửi cho các nhà quảng cáo chiến dịch hồi tháng 12/2020, "Những thay đổi của Apple sẽ có lợi cho họ, đồng thời làm tổn hại đến ngành công nghiệp quảng cáo nhắm mục tiêu cũng như khả năng tiếp cận dữ liệu người dùng của chúng tôi. Chúng tôi không đồng ý với cách tiếp cận và giải pháp của Apple, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra lời nhắc về lợi ích của thu thập dữ liệu. Nếu không làm vậy, chúng tôi e rằng Apple sẽ sớm chặn Facebook và các ứng dụng khác khỏi App Store, điều này có thể tác động đến các doanh nghiệp và người dùng sử dụng những dịch vụ của chúng tôi".  

Cuối năm 2020, nguồn tin thân cận cho biết rằng, các giám đốc điều hành của Facebook, bao gồm cả Zuckerberg, được cho là đã hỗ trợ Epic Games trong cuộc chiến pháp lý cấp cao chống lại Apple, xung quanh việc hãng này thu phí cao trên cửa hàng ứng dụng App Store và gỡ bỏ game Fortnite của Epic Games khỏi nền tảng này. 

Cụ thể, Facebook đã giúp đỡ Epic Games bằng cách cung cấp một tài liệu, tư liệu có chứng cứ chống lại Apple dù họ không tham gia vào vụ kiện. Không chỉ vậy, gã khổng lồ mạng xã hội này còn đặt quảng cáo toàn trang trên các tờ báo lớn như The New York Times, The Wall Street Journal và The Financial Times để công khai ủng hộ Epic Games và chống lại Apple. "Chúng tôi luôn ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ ở khắp mọi nơi", Facebook tuyên bố. Đối mặt với vụ kiện về các hành vi bị cáo cuộc là phản cạnh tranh trước Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ, Facebook đã lập luận rằng họ vẫn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Apple và nhiều công ty công nghệ khác nên đây không phải là độc quyền.

Hiện tại, cuộc đấu khẩu giữa hai gã khổng lồ này vẫn đang diễn ra rất căng thẳng. 

Cuối tháng trước, Zuckerberg chỉ trích rằng một loạt thay đổi về quyền riêng tư theo chính sách của Apple đã ảnh hưởng đến "sự phát triển của hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới". Trong khi đó, Tim Cook cũng lên án gay gắt các mô hình kinh doanh kiếm lời từ quảng cáo dù không chỉ đích danh Facebook. Ông nói: "Chúng ta không chỉ đánh mất dữ liệu khi chấp nhận việc thông tin cá nhân của mình bị thu thập mà còn đem bán mà còn rất nhiều thứ khác. Chúng ta đang mất nhiều hơn dữ liệu, chúng ta mất quyền tự do làm người". 

Chí Tôn (Tham khảo WSJ)

Chủ đề khác