VnReview
Hà Nội

Elon Musk sở hữu khoảng 1/3 tổng số vệ tinh bên ngoài Trái Đất

Theo CNN, SpaceX đang sở hữu một số lượng lớn vệ tinh đang hoạt động bên ngoài Trái Đất. Để làm được điều này, Giám đốc điều hành của SpaceX, Elon Musk, cho biết rằng công ty đã phải chi rất nhiều tiền.;

Trước đó, chùm vệ tinh này từng làm dấy lên mối lo ngại về các vụ va chạm trong không gian cũng như cản trở công tác nghiên cứu vũ trụ của các nhà thiên văn học. Tuy nhiên, sau khi được triển khai thử nghiệm ở một số nơi, người dùng dịch vụ Internet Starlink với chi phí 99 USD/tháng, đa số đều có phản ứng tích cực. Giới chuyên gia nhận định rằng hệ vệ tinh truyền thông Starlink sẽ cải thiện đáng kể khả năng truy cập Internet trên thế giới, đặc biệt là ở các cộng đồng nông thôn. 

Đầu tháng 2, SpaceX đã phóng thêm vào không gian 60 vệ tinh Starlink mới, qua đó nâng tổng số vệ tinh đang bay ở quỹ đạo trong hệ thống Internet Starlink của họ lên khoảng 1.000, đồng thời là chùm vệ tinh lớn nhất trên quỹ đạo của công ty hàng không tư nhân này. Hiện tại, CNN tiết lộ rằng SpaceX đang sở hữu khoảng 1/3 tổng số vệ tinh hoạt động bên ngoài Trái Đất. Đặc biệt, số lượng vệ tinh Starlink được SpaceX đưa lên quỹ đạo vào năm 2020 cao hơn tổng số vệ tinh được phóng vào vũ trụ trong năm 2019 của tất cả các hãng hàng không không gian cộng lại. 

Theo đó, SpaceX đã cam kết rằng mạng lưới Starlink của họ sẽ mang lại Internet tốc độ cao, giá rẻ và có thể phủ sóng đến mọi nơi trên thế giới. Tập đoàn công nghệ này cho biết hiện đang có khoảng 10.000 người sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh của mình. Điều này chứng tỏ rằng dự án mạng Starlink không còn là "lý thuyết và thử nghiệm", thay vào đó, nó được dự đoán sẽ sớm đạt được những thành tựu đột phát. Để có một cái nhìn rõ hơn về tiềm năng của Internet Startlink, giới chuyên gia đã so sánh nó với tập đoàn viễn thông Verizon, một trong những nhà cung cấp Internet cáp quang phổ biến nhất ở Mỹ, hiện có hơn 6 triệu khách hàng. 

Steve Opfer, một người đàn ông ở vùng nông thôn Wisconsin (Mỹ) và là người đã tham gia vào chương trình thử nghiệm Internet của Starlink, chia sẻ rằng bản thân chưa từng trải nghiệm được một dịch vụ Internet nào tốt hơn Starlink. Không chỉ Opfer, phần lớn những người khác tham gia vào dịch vụ thử nghiệm Internet vệ tinh này cũng có nhiều đánh giá tích cực tương tự. Tuy nhiên, việc SpaceX có đủ khả năng để tiếp tục mở rộng hệ thống Starlink hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Hôm 9/2, Elon Musk đã tweet như sau: "SpaceX cần phải vượt qua vấn đề ngày càng nghiêm trọng của dòng tiền âm trong những năm tới. Nếu không, khó khăn về tài chính sẽ cản trở sự phát triển của Starlink"

Ngoài ra, Musk cũng kỳ vọng rằng trong tương lai gần SpaceX sẽ triển khai chính thức dịch vụ Internet thông qua các vệ tinh Starlink. CEO của SpaceX cho biết "một khi công ty có thể dự đoán dòng tiền một cách hiệu quả" thì vấn đề còn lại của dự án này chỉ là thời gian. Trong đợt thử nghiệm công khai đầu tiên của Starlink vào năm ngoái, Elon Musk từng tự tin khẳng định rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch và không có vấn đề gì. 

Mạng lưới Starlink được xem là một dự án Internet có nguồn đầu tư lớn nhất trong lịch sử về cả nguồn lực lẫn tài chính trong ngành dịch vụ mạng nói chung và của SpaceX nói riêng. Mục tiêu mà SpaceX nhắm tới khi xây dựng hệ thống Starlink là hãng muốn cung cấp cho mọi người một dịch vụ Internet có tốc độ truy cập dữ liệu nhanh, độ trễ thấp và có thể phủ sóng ở khắp mọi nơi. Tuy vậy, trong tweet của mình, Musk tỏ ra "buồn bã" khi một dự án ý nghĩa như vậy lại đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản mà không nhận được sự trợ giúp từ bất cứ ai.

Cụ thể, để làm giảm đáng kể độ trễ so với hệ thống Internet vệ tinh cũ, SpaceX đã giảm khoảng cách bay của vệ tinh Starlink trên quỹ đạo, do đó chúng còn được gọi vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Trong khi vệ tinh Internet trước kia hoạt động ở quỹ đạo 35.000 km tới Trái Đất, thì các vệ tinh tầm thấp có thể hoạt động ở độ cao trong khoảng 300 - 1.900 km so với bề mặt Trái Đất. Độ cao hoạt động thấp hơn đồng nghĩa độ trễ cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Với nỗ lực của SpaceX, nhiều khả năng khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ này với mức giá rẻ hơn đáng kể.

Mặc dù ý tưởng hạ thấp quỹ đạo của vệ tinh có thể giúp cải thiện trải nghiệm cho người dùng dịch vụ Internet vệ tinh, nhưng nó cũng vấp phải không ít ý kiến phản đối. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng vệ tinh Starlink có thể va chạm với các loại vệ tinh, tàu không gian khác cũng đang hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất. Các nhà thiên văn học cũng lo ngại về vấn đề ô nhiễm ánh sáng khi có một số lượng lớn vệ tinh như vậy hoạt động gần Trái Đất. 

Việc Internet Starlink có một tốc độ cao và giá thành hợp lý hơn nhiều so với quá khứ có thể khiến các công ty cung cấp dịch vụ Internet cáp quang mất đi một số lượng lớn khách hàng, do đó, họ đang đồng loạt phản đối quyết định trợ cấp 885,5 triệu USD của chính phủ liên bang cho SpaceX. Cuối cùng, giới khoa học nhận định rằng khi mà dịch vụ Internet vệ tinh ngày càng phát triển với sự gia nhập của nhiều công ty như SpaceX với Starlink, Amazon với Kuiper hay OneWeb của Nga, sẽ kéo theo nguy cơ làm tăng lượng rác thải vũ trụ và khiến không gian quỹ đạo tầm thấp trở nên tắc nghẽn. 

Dịch vụ thử nghiệm Internet vệ tinh được SpaceX cung cấp dù ban đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dùng, nhưng vào cuối năm 2020, họ lại phàn nàn rằng Internet bị gián đoạn. Theo CNN, nguyên nhân của tình trạng này là do SpaceX chưa có đủ vệ tinh để đảm bảo vùng phủ sóng liên tục. Vấn đề quan trọng khác cần phải xem xét là liệu dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX chắc chắn sẽ có một mức giá phải chăng không. Vào tháng 10/2020, CNBC trích dẫn email mà SpaceX gửi đến những khách hàng tiềm năng của dự án Starlink, theo đó, dịch vụ Internet này nhiều khả năng sẽ có giá khoảng 99 USD/tháng. Đó là bao gồm chi phí 500 USD cho router và ăngten hỗ trợ truy cập. Hiện tại, SpaceX vẫn chưa công bố mức giá chính thức và các điều khoản liên quan khi sử dụng dịch vụ Starlink. 

Trong tweet hôm 9/2, Musk còn cho biết rằng nếu mạng Starlink được sử dụng rộng rãi thì "chi phí Internet hàng năm sẽ giảm xuống". Dẫu vậy, nhiều người vẫn cảm thấy e ngại vì dự đoán rằng mức giá cuối cùng mà SpaceX đưa ra sẽ còn khá mắc. Trái lại, đối với những người ở vùng nông thôn tham gia vào dịch vụ thử nghiệm Internet của SpaceX như ông Opfer lại đánh giá cao Starlink và xem nó là một cải tiến lớn trong ngành Internet vệ tinh. Trước khi có Starlink, ông và vợ cũng từng sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh từ HughesNet hay ViaSat. Tuy nhiên, cả hai mạng này đều có độ trễ cao và tốc độ không ổn định do hệ thống Internet vệ tinh thời đó đều bay ở quỹ đạo rất xa Trái Đất. 

Như đã nói, một vấn đề duy nhất mà Opfer cũng như những người khác gặp phải là sự không ổn định khi dùng dịch vụ Internet Starlink. Trước đó, SpaceX cho biết phải cần tới 40.000 vệ tinh Starlink thì mới tạo được một vùng phủ sóng toàn diện và không bị gián đoạn. Chia sẻ với CNN, Opfer nhận xét: "Ngoại trừ những lúc Starlink bị mất sóng, tôi hoàn toàn hài lòng với dịch vụ Internet này".

Evan Dixon, trưởng bộ phận quản lý băng thông của ViaSat, nói với CNN  rằng ViaSat đã đầu tư "hàng chục triệu USD để giải quyết và giảm thiểu độ trễ mà người dùng gặp phải" khi sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh của ViaSat. Trong một báo cáo gần đây, chủ tịch Viasat, Mark Dankberg, cũng bày tỏ sự nghi ngờ về độ hiệu quả thực sự của Starlink. Ông Dankberg khẳng định các chòm sao vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp như Starlink "công nghệ chưa được chứng minh và chưa chắc là có khả năng cải thiện độ trễ của Internet vệ tinh". 

Từ lâu, các nhà thiên văn học đã bày tỏ quan ngại về tác động của chùm vệ tinh Starlink đối với việc quan sát vũ trụ thông qua kính viễn vọng, một thiết bị có vai trò quan trọng trong nhiều nghiên cứu không gian mang tính đột phá của giới thiên văn học và vũ trụ. Với kích cỡ khá lớn, vệ tinh Starlink có thể khiến các nhà thiên văn học gặp không ít khó khăn khi quan sát các vật thể ngoài không gian. Năm ngoái, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã bàn luận với SpaceX nhằm tìm ra phương án làm cho các vệ tinh trở nên "mờ hơn" trong không gian.

Sau một vài thử nghiệm, SpaceX đã quyết định trang bị cho vệ tinh Starlink những tấm pin có thể hấp thụ ánh sáng. Kết quả, hầu hết vệ tinh Starlink thực sự không còn có thể thấy bằng mắt thường vào ban đêm. Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết rằng công nghệ này đã có mặt trên mọi vệ tinh Starlink được phóng lên quỹ đạo từ mùa hè năm ngoái. Đây được xem là một bước đi quan trọng của SpaceX để giảm thiểu tối đa tác động của các vệ tinh lên kính viễn vọng.

Chí Tôn

Chủ đề khác