VnReview
Hà Nội

Apple nên thừa nhận mình đã sai về MacBook Pro

Công ty có lẽ cần nuốt đi lòng tự trọng và thực hiện một cú rút lui chiến lược khi mọi sự chưa đi quá xa.

Apple không phải là một con người. Đôi lúc bạn sẽ quên mất, nhưng Apple không phải là Tim Cook hay Steve Jobs hay Phil Schiller, hay bất kỳ người nào khác. Nó là một thực thể cấu thành bởi hàng ngàn người, và bên dưới là một nền văn hoá doanh nghiệp (chủ yếu được định hình bởi Jobs) tiến hoá dần theo thời gian.

Dẫu vậy, Apple vẫn có một tính cách của riêng nó, và một trong những dấu hiệu thể hiện rõ ràng nhất tính cách đó chính là lòng tự trọng. Không công ty nào muốn thừa nhận thất bại trong những buổi họp báo và những chiến dịch truyền thông - thông thường, những lời bi ai đó sẽ được thốt ra vào những chiều thứ sáu muộn, trong một bản thông cáo cụt ngủn đăng trên một trang báo có mối quan hệ thân thiết.

Nhưng Apple thì khác. Những tính năng thất bại không biến mất - chúng bị thay thế bởi những tính năng mới thú vị hơn. Một trong những cú sẩy chân nhớ đời nhất của hãng, chiếc máy tính Power Mac G4 Cube, đã được Apple thông báo cho "đông đá" (một cách chơi chữ của Apple khi mà từ Cube có nghĩa là khối lập phương, như một viên đá) thay vì bị ngừng sản xuất như cách nói thông thường, trong một thông cáo báo chí với nội dung nước đôi rằng sản phẩm này có thể sẽ tái sinh trong tương lai. Hay lỗi lầm Apple đã gây ra với chiếc Mac Pro 2013 cũng chỉ được thừa nhận trước một vài tờ báo ít ỏi được chọn lọc từ trước, và một lần nữa hãng lại "bẻ lái" rằng sẽ tiếp tục thực hiện cam kết mang lại những sản phẩm cao cấp cho người dùng Mac chuyên nghiệp.

Với lòng tự trọng cao ngất trời như vậy, điều gì sẽ xảy ra khi công ty đột nhiên nhận ra nhiều quyết định đã thực hiện vài năm về trước thực sự là những sai lầm? Sẽ ra sao khi Apple thực hiện một cú rút lui chiến lược?

Có vẻ như chúng ta sắp được biết rồi.

Khi rút lui không phải là rút lui

Đôi lúc hành động lùi bước không hẳn là lùi bước. Apple nói rất nhiều thứ nhằm khiến mọi người phân tâm, bởi công ty không muốn làm mất đi sự hiếu kỳ về một sản phẩm sắp ra mắt, hoặc bởi họ đơn giản chưa quyết định được mình muốn tiến tới như thế nào.

Một ví dụ điển hình cho hành vi này là khi Steve Jobs tuyên bố không ai muốn xem video trên iPod. Câu nói này không chỉ giúp thất bại của Apple trong việc đưa tính năng video lên iPod trở nên bớt nghiêm trọng hơn, nó còn che giấu sự thật rằng Apple đang tích cực phát triển để sớm đưa một chiếc iPod như vậy ra thị trường. Đây là lối đánh kinh điển trong "sách lược" của Jobs: dè bỉu những tính năng bạn không có, và khi bạn chính thức nắm chúng trong tay, mạnh miệng tuyên bố những tính năng tương tự trước đó là chưa đủ tốt - chỉ có bạn là người duy nhất làm được điều đó một cách hợp lý.

Rất nhiều người đã gặp rắc rối khi tin rằng những tuyên bố như vậy là triết lý của Apple. Jobs nổi tiếng vì chê bai bút stylus trên các thiết bị cảm ứng - tuyên bố của ông, dù trên thực tế có ý nghĩa chỉ trích những thiết bị dựa dẫm vào bút stylus làm phương thức nhập liệu chính, lại bị hiểu thành Apple sẽ không bao giờ làm ra một cây bút stylus. Bạn hẳn đã biết điều gì xảy ra sau đó: Apple Pencil xuất hiện.

Trên cơ sở đó, bạn có thể suy luận rằng việc Apple khăng khăng từ chối ý tưởng một chiếc máy Mac với màn hình cảm ứng có lẽ chỉ là đòn đánh lạc hướng mà thôi. Đúng là Apple hiện đã có một sản phẩm kết hợp màn hình cảm ứng với bàn phím và trackpad: iPad Pro đi kèm Magic Keyboard. Sự kết hợp này dường như đã được dự báo trước từ lâu. Nhưng một chiếc máy Mac màn hình cảm ứng sẽ là một sản phẩm đầy ma mị - nó sẽ xuất hiện khi thời điểm chín muồi, cứ chờ mà xem.

Thay đổi ý kiến của Apple

Dù Apple có thừa tự trọng, họ cũng cần lắng nghe khách hàng - và đúng là họ có lắng nghe, dù hơi chảnh choẹ một chút. Jobs đã khắc sâu vào văn hoá của Apple một sự ác cảm với việc sử dụng các nhóm trọng tâm và những ý tưởng phổ biến để thiết kế ra các sản phẩm. Tư duy này được khá nhiều người so sánh với việc nếu Henry Ford hỏi mọi người xem họ muốn cải tiến những gì về mặt giao thông vận tải, họ sẽ nói cần ngựa nhanh hơn thay vì những chiếc xe hơi.

Nhưng tất nhiên, Apple nghiên cứu rất kỹ, và tính toán chi li những xu hướng bán hàng của mình. Và họ cũng biết rõ mình đang bị chỉ trích ra sao, cả trên truyền thông chính thống lẫn trong nhiều cộng đồng công nghệ mà khách hàng của họ chiếm một lượng không nhỏ.

Nếu Apple là một con người, có thể hiểu được chuyện đôi lúc nó thay đổi ý kiến là điều hoàn toàn bình thường. Có lẽ sự thật là những người trong nội bộ công ty luôn tranh cãi về việc nên đưa ra những quyết định nào, và phản hồi từ thế giới bên ngoài luôn nghiêng về phía những người nhận phần thua trong những cuộc tranh cãi đó.

Cả thế giới có thể không ngăn được Apple tạo ra một chiếc iPad shuffle không nút bấm (có lẽ bởi Steve Jobs thích ý tưởng này), nhưng những ý kiến về nó đã thể hiện rõ ràng một điều: đó là một quyết định sai lầm. Và Apple đã nhanh chóng quay lại với thiết kế trước đó, như thể mẫu iPod không nút bấm chưa bao giờ tồn tại vậy.

Quay lại với MacBook

Bước sang năm 2021, có thông tin cho biết Apple sắp đảo ngược hầu hết những thay đổi lớn họ đã từng làm với MacBook. Touch Bar sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, cổng sạc MagSafe trở lại, và Apple có thể sẽ thêm vào một cổng I/O nữa - HDMI chăng? Hay một khe đọc thẻ nhớ SD?

Một mặt, khó mà tin được đó là sự thật, đặc biệt khi mà Apple đang quá tự hào và sẽ hơi xấu hổ khi phải quay về với những tính năng laptop từng giới thiệu từ nửa thế kỷ trước.;

Mặt khác, bạn có còn nhớ lần Apple loại bỏ bàn phím lẫy bướm bị thù ghét trên các mẫu MacBook không?

Hãy quay lại thời điểm cuối năm 2019, khi Apple giới thiệu chiếc MacBook Pro 16-inch và tung ra thiết kế bàn phím mới: "Xin giới thiệu Magic Keyboard mới với cơ chế cắt kéo được tái thiết kế và hành trình phím 1mm để mang lại cảm giác nhấn phím thoả mãn hơn, MacBook Pro 16-inch mang đến trải nghiệm gõ tốt nhất từng có trên một chiếc máy tính Mac". Nghe như văn mẫu, đúng chứ? Đừng nhắc gì đến bàn phím cũ cả - điều quan trọng bạn nên chú ý ở đây là bàn phím mới chính là thứ tốt nhất từng có được.

(Ví dụ này còn cho thấy cách Apple xoá sổ một tính năng mới để quay về với tính năng cũ - họ không làm điều đó. Thay vào đó, họ tạo ra một thứ mới có chứa những tính năng cũ bên trong, nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt đủ để bạn gọi nó bằng một cái tên khác, rồi tự hào rằng đó là thứ tốt nhất từ trước đến nay, chứ không phải từ một năm cụ thể nào đó).

Lắng nghe khách hàng

Bây giờ, hãy hình dung Apple sắp sửa tung ra một mẫu MacBook Pro mới. Nếu nó có cổng sạc MagSafe, cổng sạc này hiển nhiên không phải loại cũ trước đây. Có lẽ nó sẽ hỗ trợ đầy đủ các kết nối Thunderbolt, để bạn có thể kết nối từ tính đến dock và màn hình. Nó cũng sẽ có hình dáng và kích thước mới. Và có thể nó sẽ kết nối được đến một củ sạc USB- C thông thường nữa, thay vì dây dính cố định vào củ sạc như các thế hệ MagSafe trước đây.

Loại bỏ Touch Bar sẽ khó hơn một chút. Liệu Apple có đơn giản thừa nhận rằng khách hàng của họ thích các phím chức năng vật lý hơn, hay liệu họ sẽ giới thiệu một tính năng mới nào đó với những lời có cánh rằng đó là một cách nhập liệu tiên tiến hơn? Apple luôn thích tô vẽ những câu chuyện về phát minh mới của mình, thay vì nói về cái chết của phát minh cũ.

Thật lạ lùng khi Apple đôi lúc cũng phải méo miệng tìm cách giải quyết vấn đề của chính mình. Có lẽ hình ảnh của công ty sẽ chẳng xấu đi nếu họ cứ nói thẳng ra rằng: "Chúng tôi đã lắng nghe khách hàng và nhận thấy họ muốn khe thẻ SD và các phím chức năng vật lý". Lắng nghe khách hàng và cho họ thứ họ muốn không phải là dấu hiệu của thất bại. Trên thực tế, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang làm đúng, và nếu Apple là một con người, nó sẽ hiểu điều đó.

Minh.T.T (theo MacWorld)

Chủ đề khác