VnReview
Hà Nội

Tim Cook: trong 6 năm qua, cứ 3-4 tuần Apple lại thâu tóm thêm một công ty mới

Apple đã thâu tóm không dưới 100 doanh nghiệp nhỏ trong vòng 6 năm qua, theo lời CEO Tim Cook tại một cuộc họp cổ đông trực tuyến hôm thứ ba vừa qua.

Theo;Bloomberg, Tim Cook nói rằng Apple đã và đang tiếp tục mua lại các công ty nhỏ với tần suất mỗi 3-4 tuần/lần. Những thương vụ thâu tóm đáng chú ý nhất của Táo khuyết chỉ tính riêng trong năm nay bao gồm các startup về VR/AR như NextVR và Spaces, ứng dụng thời tiết Dark Sky, dịch vụ thanh toán di động Mobeewave, và một số cái tên khác. Apple đã luôn tìm cách giữ bí mật mọi chi tiết liên quan các vụ thâu tóm, nhưng một số nguồn tin cho biết nhiều thương vụ của họ có trị giá lên đến hàng trăm triệu đô-la. Theo ước tính, Apple có thể đã mua khoảng 20-25 công ty trong quãng thời gian 6 tháng, tính đến tháng 5/2019.

"Chúng tôi không ngại thực hiện những vụ thâu tóm dù các công ty có kích cỡ thế nào đi nữa" - Cook nói với các cổ đông. "Trọng tâm là nhắm vào các công ty nhỏ nhưng có nhiều cải tiến, có khả năng bổ sung cho các sản phẩm của chúng tôi và giúp các sản phẩm ngày một tốt hơn"

Những chuỗi thâu tóm điên cuồng được thực hiện bởi các công ty lớn như Amazon, Apple, Facebook và Google thời gian qua đã bị theo dõi chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý chống độc quyền - một bản tin của Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ vào tháng 10/2020 cho thấy bốn công ty "từng là những startup nhỏ bé thách thức những định kiến nay đã trở thành những đế chế độc quyền mà chúng ta từng được chứng kiến vào thời đại của những gã tài phiệt dầu mỏ và đường sắt". Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ vào năm ngoái đã yêu cầu Apple cung cấp thông tin chi tiết về những vụ thâu tóm của họ, tuy nhiên, Apple lại có xu hướng mua những công ty nhỏ nằm dưới "radar" của các cơ quan quản lý. Cho đến nay, hầu hết những cáo buộc về các hành vi phản cạnh tranh của Apple đều xoay quanh "nắm đấm sắt" của hãng trên nền tảng iOS và chợ ứng dụng App Store.

Năm ngoái, Cook tiết lộ với kênh BBC rằng Apple đã thoát được những câu hỏi về chống độc quyền liên quan các thương vụ thâu tóm là bởi "chiến lược của hãng là mua lại các công ty đang thách thức và nắm giữ những tài sản trí tuệ có giá trị, sau đó biến chúng thành một tính năng của điện thoại iPhone", thay vì chỉ mua về để huỷ diệt đối thủ.

Tại cuộc họp cổ đông hôm thứ ba, Cook còn khẳng định rằng Apple (có giá trị vốn hoá thị trường vượt mức 2 nghìn tỷ USD tính đến đầu năm 2020) không hề có vị thế thống trị trên bất kỳ thị trường nào.

"Apple không có vị thế thống trị trên bất kỳ thị trường nào mà chúng tôi đang cạnh tranh, cũng không có trên bất kỳ danh mục sản phẩm nào, bất kỳ danh mục dịch vụ nào, và cả phần mềm lẫn các ứng dụng. Thị trường đầy cạnh tranh này thôi thúc tất cả chúng tôi cố gắng trở nên tốt hơn. Do đó, dù sự dò xét của các cơ quan quản lý luôn là điều tốt, những cáo buộc độc quyền kia đều sẽ trở nên vô nghĩa sau khi xem xét hợp lý mọi yếu tố"

Những vấn đề khác được đề cập trong buổi họp bao gồm tác động của Apple lên môi trường và những tính năng mới của iOS nhằm hạn chế hành vi theo dõi người dùng của các ứng dụng, trong đó vấn đề thứ hai hiện đang trở nên nóng hổi và là nguyên nhân của cuộc chiến gay gắt của Apple với Facebook. Cook nói rằng công ty của ông đang trên con đường trở thành công ty không xả thải vào năm 2030, và ông hi vọng rằng những biện pháp bảo vệ quyền riêng tư nghiêm khắc hơn của Apple sẽ là hình mẫu cho các công ty khác noi theo.

Trang tin CNBC cho biết, các cổ đông đã đồng ý thưởng cho Tim Cook trong buổi họp bằng cách tăng mức bồi dưỡng cho vị CEO này, bao gồm một gói cổ phần hào phóng lên đến 1 triệu cổ phiếu cho Tim Cook, đồng thời bãi bỏ một quy định được đặt ra nhằm giới hạn mức lương của ông sao cho ngang bằng với các nhân viên khác.

Minh.T.T (theo Gizmodo)

Chủ đề khác