VnReview
Hà Nội

Vũ khí đất hiếm của Trung Quốc giờ chỉ như một con hổ giấy

Đã có thời điểm đất Trung Quốc khiến cả thế giới run sợ khi đe dọa cắt giảm việc sản xuất đất hiếm. Nhưng quá khứ đó đã qua lâu rồi. Những nỗ lực cắt giảm nguồn cung đất hiếm trong quá khứ của đất nước này chỉ làm tăng các nguồn cung thay thế.

Theo hãng tin Bloomberg, việc Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ tinh luyện đất hiếm chẳng có gì phải đáng lo lắng. Động thái đó nếu thành hiện thực chỉ phản tác dụng và chẳng gây bất kỳ chấn động nào trên thị trường.

Năm 2010, tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến đất nước đông dân nhất thế giới áp đặt hạn chế xuất khẩu với 17 loại đất hiếm. Thời điểm đó, quyết định kể trên là vấn đề với Nhật Bản, đất nước vốn phụ thuộc vào nguồn cung các nguyên tố neodymium, dysprosi và terbi từ Trung Quốc để sản xuất động cơ, đèn LED, laser và pin nhiên liệu. Trung Quốc thời đó gần như độc quyền sản xuất đất hiếm trên thế giới. Nếu không tìm được nguồn cung thay thế, ngành công nghệ cao của Nhật Bản sẽ bị tê liệt.

Sau cuộc khủng hoảng đó, một bài học đã được rút ra: Với việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng đất hiếm làm vũ khí thì việc đa dạng hóa nguồn cung là điều vô cùng cần thiết.

Nhật Bản thành lập một doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Dầu, Khí và Kim loại Quốc gia (Jogmec) để đảm bảo quốc gia này sẽ tiếp cận được các nguyên liệu thiết yếu. Jogmec đã đầu tư vào Lynas Rare Earths Ltd. - một nhà sản xuất đất hiếm của Úc để khuyến khích việc mở rộng chuỗi cung ứng không phụ thuộc Trung Quốc.

Nhờ khoản đầu tư đó, Lynas hiện sản xuất gần 20.000 tấn oxit đất hiếm mỗi năm từ mỏ Mount Weld ở Úc và nhà máy chế biến ở Malaysia. Con số này hoàn toàn đủ cho nhu cầu đất hiếm của một đất nước như Mỹ. Tháng trước, Lynas cũng ký hợp động xây dựng một cơ sở chế biến với công suất 5.000 tấn đất hiếm mỗi năm ở Texas (Mỹ). Trong năm 2020, Mỹ cũng tài trợ cho một loạt các dự án sản xuất đất hiếm khác.

Kết quả của những động thái kể trên là rất ấn tượng. Năm 2010, Trung Quốc chiếm 98% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu. Con số này năm 2020 của Trung Quốc đã giảm còn 58%. Trong khi đó, Mỹ cũng đã thiết lập một kho dự trữ nguyên tố đất hiếm và công bố kế hoạch mua khoảng 5.000 tấn đất hiếm vào năm ngoái.

Trong những năm gần đây, các hãng sản xuất ngoài Trung Quốc đã không ngừng tăng cường công suất khai thác và chế biến đất hiếm. Tháng 8/2020, Lynas đã huy động được 335 triệu USD khi bán cổ phần để xây dựng nhà máy chế biến tại Úc và nâng cấp cơ sở tại Malaysia.

Sản lượng đất hiếm của các nước trên thế giới trong khoảng thời gian từ 2009 - 2020

Vào những năm 1970, các nước Ả Rập sử dụng ưu thế xuất khẩu dầu mỏ để tăng giá dầu thô lên. Tuy nhiên, kết quả của việc này là sự đa dạng hóa các nguồn sản xuất dầu trên khắp thế giới như Biển Bắc, Siberia, Mexico và Texas. Đồng thời, nhiều quốc gia cũng chuyển việc sản xuất điện bằng dầu sang xây dựng nhà máy điện than hoặc điện hạt nhân.

Khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh cấm xuất khẩu đậu nành vào năm 1972 thì Nhật Bản khi đó đang phụ thuộc vào nguồn cung của Mỹ đã phải tìm cách xoay sở. Họ đã giúp thiết lập ngành công nghiệp đậu ở Brazil để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu của mình. Giờ đây, Brazil đang là quốc gia xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới.

Những ví dụ và phân tích trên cho thấy khi Trung Quốc hạn chế việc xuất khẩu đất hiếm thì chỉ khiến các nhà nhập khẩu lớn sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ sao cho linh hoạt hơn. Theo Bloomberg, quyền kiểm soát đất hiếm của Trung Quốc hiện giờ không khác gì một con hổ giấy.

Nguyễn Dương

Chủ đề khác