VnReview
Hà Nội

CNN: worldwide web như chúng ta biết có thể đang kết thúc

Hoa Kỳ đang trên đà cấm TikTok và WeChat mặc dù chính quyền mới của Tổng thống Biden có vẻ như sẽ cân nhắc lại điều này. Ấn Độ đã cấm khá nhiều ứng dụng, trong đó có cả TikTok cũng như WeChat và gần đây đang gây khó khăn cho Twitter.

Trong tháng 2, Facebook đã xung đột với chính phủ Úc về một dự luật yêu cầu các mạng xã hội phải trả tiền cho các hãng tin. Đáp trả, Facebook nhanh chóng; chặn người dùng chia sẻ các liên kết tin tức tại Úc. Sau đó, vào ngày 23/2, mạng xã hội này đã đạt được thỏa thuận với Úc và đồng ý khôi phục lại việc hiển thị các tin tức.

Tuy nhiên, trong thông báo về thỏa thuận, Facebook đã ám chỉ khả năng xảy ra các cuộc đụng độ khác trong tương lai. 'Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào tin tức trên toàn cầu và chống lại nỗ lực của các tập đoàn truyền thông nhằm thúc đẩy các quy định mà không tính đến việc trao đổi giá trị thực giữa các hãng tin và các nền tảng như Facebook' - Campbell Brown, phó Chủ tịch Facebook về Đối tác Tin tức Toàn cầu cho biết.

Tuy nhiên, nếu tình trạng nước này cấm một số ứng dụng rồi nước khác cấm các ứng dụng khác diễn ra thường xuyên và phổ biến hơn thì mạng internet kết nối toàn cầu mà chúng ta đang biết sẽ trở nên giống với 'mạng liên kết' hoặc một tập hợp các mạng nội bộ khác nhau. Chúng được xác định bởi biên giới quốc gia hoặc khu vực.

Daphne Keller, một chuyên gia tại trung tâm chính sách mạng của Đại học Stanford nói với CNN: 'Tôi nghĩ rằng có xu hướng toàn cầu hướng tới việc phân tán internet nhiều hơn trước đây'.

Các sự kiện gần đây cho thấy một nền tảng có thể phân mảnh khi các công ty công nghệ muốn. Để đáp lại nỗ lực của Úc trong việc yêu cầu các công ty công nghệ trả tiền cho hãng tin, Facebook đã ngừng hiển thị tin tức cho người dùng Úc. Người dùng từ nước khác cũng không thể truy cập nội dung từ các hãng tin của Úc nữa. Động thái tạm thời này đã đi ngược lại quy luật internet đóng vai trò như một công cụ cho luồng thông tin tự do toàn cầu.

Trước đây, ngoài Trung Quốc và Triều Tiên thì Facebook và nhiều hãng công nghệ lớn có thể tung ra các sản phẩm của họ trên toàn thế giới mà không bị cản trở nhiều. Bây giờ sự cởi mở đó không còn như trước nữa.

Keller nói: 'Những gì hợp pháp ở Thụy Điển có thể không hợp pháp ở Pakistan và chúng ta phải tìm cách nào đó để dung hòa điều này với cách thức hoạt động của internet. Kết quả là các nền tảng hoặc cơ quan chức năng ở một số nước dựng lên các rào cản để chúng ta thấy những điều khác biệt ở quốc gia này so với quốc gia khác'.

Mặc dù Facebook không phải là công ty công nghệ mang tính toàn cầu duy nhất nhưng nó có lẽ là doanh nghiệp biểu tượng về một mạng internet toàn cầu nhưng hoạt động theo luật ở các quốc gia khác nhau. 5 năm trước, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã nói về mục tiêu đạt được 5 tỷ người dùng hoặc phần lớn dân số thế giới sử dụng mạng xã hội này. Hiện tại, Facebook đã có hơn 3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên các ứng dụng khác nhau. Đây là minh chứng cho việc nó mở rộng rất nhanh chóng trên thế giới.

Năm 2013, Mark Zuckerberg nói với CNN: 'Tôi muốn làm cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu dù không có máy tính thì vẫn có thể lấy điện thoại, truy cập vào mọi thứ và tôi đánh giá cao internet'. Ngay cả tại Trung Quốc, nơi chính phủ không chào đón các công ty công nghệ phương Tây trong nhiều thập kỷ thì Facebook và Google đều cố gắng tìm cách xâm nhập thị trường này (dù không thành công).

Giờ đây, có vẻ như Facebook đã đi theo hướng khác. Họ đe dọa rút sản phẩm của mình ra khỏi thị trường nào đó khi đối mặt với các quy định bất lợi.

Vào năm 2014, Google đã đóng dịch vụ Google tin tức của mình ở Tây Ban Nha sau khi quốc gia này thông qua một luật tương tự như thứ mà Úc đang xem xét. Tại Úc, gã khổng lồ công nghệ này cũng đã đe dọa rút công cụ tìm kiếm của mình trước khi nhượng bộ và ký hợp đồng với một số hãng tin hàng đầu.

Hiện nay, có những dấu hiệu cho thấy các quốc gia trên thế giới sẵn sàng cho việc chống lại sự 'bắt nạt' của các công ty công nghệ. Suy cho cùng, các công ty này cuối cùng cũng phụ thuộc vào việc tiếp cận nhiều người dùng nhất có thể và các quốc gia cho thấy rằng họ sẵn sàng cắt quyền tiếp cận đó với danh nghĩa bảo vệ công dân và chủ quyền trên mạng.

Sinan Aral, giáo sư tại trường kinh doanh MIT Sloan của của Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng: 'Facebook và Google sẽ trượt dốc nếu ra khỏi các thị trường đang yêu cầu họ trả tiền cho tin tức'.

Cuộc chiến về tin tức ở Úc là phần tương đối nhỏ trong cuộc đụng độ giữa các 'ông lớn công nghệ' và một số cơ quan chức năng của các nước, chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm duyệt, quyền riêng tư và sự cạnh tranh. Khi phải đối mặt với Facebook vào tuần trước, Thủ tướng Úc đã đưa ra lời cảnh báo với mạng xã hội này: 'Những hành động này chỉ xác nhận mối quan ngại mà ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ về hành vi của các ông lớn trong ngành công nghệ, những người cho rằng họ 'to' hơn chính phủ và các quy tắc không nên áp dụng cho họ'. Ông cũng cho rằng các công ty này có thể đang thay đổi thế giới nhưng không có nghĩa là họ điều hành thế giới.

Cách đây vài ngày, ông Morrison cho biết quyết định khôi phục việc hiển thị tin tức tại Úc của Facebook là điều đáng hoan nghênh. Một số quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Canada hiện đang xem xét các luật tương tự chống lại mạng xã hội lớn và nhiều quốc gia đang trao đổi với nhau để tìm ra cách làm tốt nhất.

Tuy nhiên, vấn đề là nếu việc phân mảnh các nền tảng mạng xã hội ngày càng gia tăng thì hậu quả có thể rất khó lường. Nó có thể dẫn tới ở mỗi quốc gia hoặc mỗi thị trường riêng biệt sẽ có hệ sinh thái thông tin hoàn toàn phân chia hoặc tách rời với toàn cầu.

Nguyễn Dương Theo CNN

Chủ đề khác