VnReview
Hà Nội

Huawei đặt mục tiêu sản xuất các sản phẩm 'hạng nhất' từ thành phần 'hạng ba'

Mới đây, trong nỗ lực chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi;cho biết công ty sẽ sử dụng các thành phần "hạng ba" để sản xuất ra các sản phẩm "hạng nhất".

Tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei Technologies Co được biết đến là một công ty nổi tiếng trong giới kinh doanh điện tử của Trung Quốc với tinh thần không đầu hàng và hiếu chiến hay còn gọi là "văn hóa chó sói". Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi thường xuyên chia sẻ trên truyền thông về những câu chuyện thể hiện lòng dũng cảm của nhân viên trong công ty khi phải đối mặt với khó khăn và nghịch cảnh khắc nghiệt, ở thời điểm hiện tại đó là các tác động từ lệnh cấm vận của Mỹ. Điều này đại diện cho chủ nghĩa khắc kỷ đã trở thành một phần thiết yếu trong bản sắc của công ty.

Theo SCMP, mới đây, vị lãnh đạo 76 tuổi lại một lần nữa nhấn mạnh đến đặc trưng của Huawei nhằm chứng minh rằng họ vẫn có thể tiếp tục tồn tại. Cụ thể, trong một cuộc họp nội bộ ở tuần này, ông Nhậm cho biết công ty phải cố gắng sử dụng các thành phần "hạng ba" để sản xuất ra các sản phẩm "hạng nhất" trong bối cảnh ít có khả năng Mỹ sẽ gạch tên Huawei khỏi danh sách cấm vận. Báo cáo hôm 24/2 của nhóm truyền thông Trung Quốc Caixin trích dẫn các bản ghi nhớ từ hội nghị chiến lược của Huawei năm 2021 tiết lộ ông Nhậm đã phát biểu như sau: "Trước đây, chúng tôi có ‘phụ tùng thay thế' cho các sản phẩm cao cấp. Nhưng hiện tại, Mỹ đã chặn hoàn toàn quyền tiếp cận của Huawei vào các thành phần như vậy, ngay cả các sản phẩm thương mại hóa bình thường chúng tôi cũng không được mua"

Bên cạnh đó, ông Nhậm còn tuyên bố rằng Huawei phải "làm việc chăm chỉ để tăng tối đa doanh số của các sản phẩm và dịch vụ vẫn đang có thị phần, đồng thời duy trì vị thế trên thị trường cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trong năm nay". Ông nói thêm: "Về chiến lược thị trường, chúng tôi buộc phải từ bỏ một số quốc gia, một số khách hàng, một số sản phẩm và một số dự án ra mắt sản phẩm trong tương lai"

Trong một bài phát biểu tương tự vào tháng 6 năm ngoái, ông Nhậm từng đề cập đến một chiến lược khác để đối phó với Mỹ. Khi đó, ông cho rằng Huawei phải phân cấp hoạt động, đơn giản hóa các dòng sản phẩm và tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận nhằm "cố gắng tồn tại" trước các hạn chế thương mại của Mỹ. Thời điểm đó, tuyên bố này của Nhậm Chính Phi cho thấy công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, với khoảng 170.000 nhân viên và hoạt động tại 170 quốc gia, đã gặp khó khăn như thế nào khi nằm trong danh sách đen của Mỹ. Ngoài ra, trong bài phát biểu này, ông Nhậm còn cho biết Huawei đã phải thay đổi vô số bộ phận và tinh chỉnh thuật toán trong các sản phẩm của mình trong nỗ lực chống lại các hạn chế gia tăng của Washington. 

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi bị Mỹ liệt vào danh sách thực thể hồi tháng 5/2019 do những quan ngại an ninh, hãng đã mất đi rất nhiều lợi thế phát triển vì không còn được giao thương cũng như nhập các thành phần quan trọng từ các công ty Mỹ. Năm ngoái, Mỹ tiếp tục ban hành thêm lệnh cấm và thắt chặt những hạn chế thương mại trước đó đã áp đặt lên Huawei, ngăn các công ty Mỹ cung cấp chip cho Huawei và khiến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trầm trọng. 

Theo biên bản ghi nhớ của cuộc họp vừa diễn ra hôm 24/2, nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, bộ phận đóng góp lợi nhuận lớn nhất, sẽ tiếp tục duy trì chiến lược "1 + 8 + N". Trong đó, số 1 đại diện cho mảng smartphone, số 8 đề cập đến các thiết bị điện tự tiêu dùng bao gồm máy tính, TV, máy tính bảng, đồng hồ thông minh và tai nghe, còn danh mục N gồm các lĩnh vực như nhà thông minh, giải trí nghe nhìn và văn phòng di động. Theo hoạch định của ông Nhậm thì Huawei nên bán nhiều sản phẩm hơn từ danh mục 8, vì nguồn cung các thành phần quan trọng cho mảng smartphone hiện vẫn đang bị hạn chế bởi lệnh cấm của Mỹ. Ông cũng kêu gọi tăng cường hợp tác với các đối tác để sản xuất các sản phẩm loại N.

Huawei từ chối bình luận về thông tin này. 

Tính đến hôm 24/2, website bán hàng trực tuyến của Huawei đã ghi nhận hơn 3 triệu đơn đặt hàng chiếc smartphone 5G cao cấp với màn hình gập Mate X2 mới ra mắt của hãng. Chưa hết, trên trang thương mại điện tử Tmall tại giờ cao điểm, lượng máy Mate X2 được đặt lên đến 14.277 chiếc. SCMP lý giải nguyên nhân mà smartphone này có sức mua mạnh mẽ như vậy là do người dùng tưởng rằng Mate X là một "mẫu máy giới hạn", chỉ được bán trong thời gian Mỹ hạn chế nguồn cung chip cho Huawei. Máy có giá từ 7.999 nhân dân tệ (64 triệu đồng) nhưng chỉ bán tại Trung Quốc.

Nicole Peng, Phó chủ tịch phụ trách mảng di động của công ty nghiên cứu Canalys nhận định rằng người tiêu dùng sẽ là nhân tố quyết định liệu chiến lược sản xuất các sản phẩm hạng nhất từ các thành phần hạng ba của CEO Nhậm Chính Phi có hiệu quả hay không. Bà Peng cho biết: "Rất khó để làm hài lòng người tiêu dùng và không có cách nào khiến họ chấp nhận các sản phẩm không được làm từ các thành phần chất lượng, cho dù đó là từ nhà cung cấp trong nước hay quốc tế".

"Việc phải đấu tranh để tồn tại đã là thách thức rất lớn đối với Huawei, nhưng hãng còn phải mang trọng trách phát triển cả chuỗi cung ứng công nghệ cho Trung Quốc, đây là những nhiệm vụ mà công ty này đang gánh vác. Tôi tin rằng đó là lĩnh vực Huawei muốn định vị mình với mục tiêu trở thành một trong những trụ cột cốt lõi trong nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đạt được sự độc lập trong chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc", bà Peng nói thêm.  

Bên cạnh việc phát triển chuỗi cung ứng, Huawei còn có kế hoạch tăng cường khả năng phần mềm của công ty. "Sẽ rất khó cho chúng tôi nếu chỉ dựa vào phần cứng để dẫn đầu thế giới trong thời gian dài. Thay vào đó, nếu muốn duy trì vị thế chúng tôi cần phải đẩy mạnh cả lĩnh vực phần mềm", ông Nhậm phát biểu tại cuộc họp nội bộ. Theo ông, điều này đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các mảng kinh doanh thiết bị, điện toán đám mây và Internet của Huawei.

Những chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu mà ông Nhậm đề ra đã dần được triển khai từ tháng trước với việc Huawei mở rộng nhiệm vụ của Richard Yu Chengdong, người đứng đầu nhóm kinh doanh tiêu dùng của công ty. Hiện tại, ông đang đảm nhiệm thêm vai trò điều hành hai mảng dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo của công ty. Việc cải tổ lại ban lãnh đạo có thể củng cố các động thái của công ty vào các thị trường tăng trưởng mới.

Chí Tôn

Chủ đề khác