VnReview
Hà Nội

Tham vọng tự sản xuất game của Google đã thất bại

Công ty vừa sa thải 150 nhà phát triển trò chơi điện tử cho dịch vụ Stadia. Nỗ lực tự tạo ra những đầu game chất lượng chính chủ Google đã thất bại.

Tháng Ba năm 2019, CEO Sundar Pichai xuất hiện tại sự kiện Game Developers Conference ở San Francisco. Ông ca ngợi các game thủ cũng như ngành game đã đóng góp lớn cho sự phát triển của công ty. Ví dụ, rất nhiều nhân viên Google xuất phát điểm từ game. Một số trò chơi như cờ vua, cờ vây đã giúp huấn luận trí tuệ nhân tạo DeepMind AI. Trong khi những game giả lập thì giúp start-up Waymo thử nghiệm xe tự lái.

Vậy nên, Google quyết định phải làm điều gì đó lớn lao hơn cho ngành game. Đó là khởi động Stadia, dịch vụ streaming game đầy tham vọng dựa trên cơ sở hạ tầng đám mây sẵn có của họ. Không chỉ vậy, Google còn tuyên bố sản xuất những đầu game độc quyền, không đơn giản là phát triển nền tảng phân phối mà sẽ đảm nhận cả khâu sáng tạo game mới.

Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật, Google là một hãng công nghệ chứ không phải sản xuất nội dung. Khi ra mắt, Stadia có hai trò chơi nổi bật là Assassin's Creed OdysseyDestiny 2 đều đến từ bên thứ ba. Các trò chơi "cây nhà lá vườn" chưa bao giờ thành hiện thực kể từ đó đến nay. Mới đầu 2021 tức chỉ chưa đầy hai năm kể từ ngày chính thức phát hành Stadia, Google đã cho giải thể đơn vị Stadia Game and Entertainment.

Giấc mơ sản xuất game độc quyền bên thứ nhất sụp đổ chỉ sau hai năm (ảnh: Bloomberg)

Đốt tiền mà chẳng đi tới đâu

Có tới 150 nhà phát triển trò chơi bị mất việc sau đó, mặc dù mới làm việc chỉ trong vòng một năm hoặc hơn. Rất nhiều người ra đi mà còn chẳng hiểu vì sao cấp trên lại quyết định vậy, khi mà họ còn chưa ra mắt bất kỳ trò chơi nào. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin từ Wired, chi phí là nguyên nhân chủ đạo dẫn tới kết cục buồn này.

Sau khi ném ra hàng chục triệu USD để phát triển game độc quyền bên thứ nhất, Google dường như đã nản lòng trước cả núi chi phí đắt đỏ. Chưa kể đến quy trình phát triển game đầu bảng đầy rắc rối mà họ không quen cùng con số thuê bao thu về không được như kỳ vọng. Tất cả dường như nằm ngoài dự tính ban đầu của ban lãnh đạo khiến họ mất kiểm soát.

Một nhân viên Stadia cho biết: "Tôi tự hỏi các sếp dẫn dắt dự án Stadia có hiểu chính xác mình đang làm gì hay không. Các cam kết được đưa ra và thổi phồng quá mức mà lại không có khả năng hiện thực hóa chúng".

Stadia là một dự án tràn đầy tham vọng của gã khổng lồ Internet (ảnh: Google)

Stadia là một dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây, tức là giống với thứ mà Amazon, Facebook, Microsoft đang theo đuổi. Và nếu nhắc tới những cái tên đình đám này, Amazon có thể xem là "đồng chí" với Google khi bản thân họ cũng đang gặp rắc rối. Sau khi vung ra đến hàng trăm triệu USD để sản xuất game nhằm "giành chiến thắng ở lĩnh vực trò chơi", studio của Amazon vẫn chưa nên "cơm cháo" gì.

Microsoft thì khá hơn hẳn hai công ty này, bởi dù gì họ cũng có kinh nghiệm trong ngành đến vài chục năm. Sau thất bại ở thế hệ Xbox One, Microsoft hiểu rằng game độc quyền có thể không phải tương lai của mình. Họ chọn cách làm hòa với Sony để kết thúc cuộc chiến, xoay trục sang cloud gaming và tập trung thâu tóm game đa nền. Công ty vung tiền mua lại cả chục studio lớn nhỏ, bao gồm cả Mojang (Minecraft), Betheda (Fallout, Doom,...).

Nói với Wired, bốn nhân viên hiện tại và một cựu nhân viên của Stadia nói rằng cấu trúc vận hành của Google không phù hợp để sản xuất game. Một hãng công nghệ có thể tạo ra những dịch vụ ăn khách nhưng đối với các studio game, được ví như gánh xiếc hỗn loạn và đa ngành, lại không biết cách quản lí để mang lại hiệu quả. Bất chấp nỗ lực tuyển dụng của Google, công việc vẫn gây thất vọng.

Microsoft từ bỏ cuộc chiến console với Sony để tập trung vào cloud gaming, gặt hái được nhiều thành công mới (ảnh: numerama)

Tham vọng vượt quá khả năng

Năm 2018, Google thuê Phil Harrison, cựu giám đốc từng làm cho cả Sony lẫn Microsoft, nhằm dẫn dắt dự án. Khao khát của người này rất lớn: tận dụng các trung tâm dữ liệu cực mạnh của Google trên khắp thế giới để đưa game bom tấn tới mọi nơi, bằng tốc độ ánh sáng. Đặc biệt là những ai không sở hữu console và PC gaming đủ mạnh. Chỉ với phí 10 USD mỗi tháng, bạn có thể truyền game yêu thích tới điện thoại và máy tính bảng, laptop, chơi ở bất kỳ đầu bạn thích nhờ Wi-Fi.

Những lời hứa hẹn có cánh đó thực sự có ma lực khó cưỡng lại. Ba nguồn tin cho biết họ đã bị hấp dẫn bởi những đảm bảo về thứ công nghệ bình đẳng đó, được ví như cuộc cách mạng ngành game. Họ tin rằng Google sẽ thay đổi cuộc chơi, mang tới môi trường làm việc ổn định mà các hãng game truyền thống không thể.

Ngành công nghiệp trò chơi điện tử có đầy những góc khuất đen tối như sa thải, hủy dự án, quấy rối, làm quá giờ để chạy deadline,... Vậy nên họ kỳ vọng một thứ gì đó mới mẻ từ Google. Một môi trường lịch sử, năng động, không bị ô nhiễm văn hóa bởi những đặc thù trong ngành này.

Google có thể đã mắc sai lầm khi tung Stadia quá sớm so với tiến độ hoàn thành công việc của các studio (ảnh: Google)

Và đó chưa phải tất cả, một nhân sự cấp cao khác là Jade Raymond, từng là sáng lập của Ubisoft. Cùng với đó là hàng tá các nhân sự lâu năm của Ubisoft, EA làm các công việc phát triển, thiết kế, sản xuất,... Cũng ở cuối năm 2019, họ đã mua lại Typhoon Studios nổi tiếng với trò chơi Journey to the Savage Planet, tiếp nhận luôn hàng chục nhân sự từ studio này.

Google đã chuẩn bị trước, nhưng họ lại mắc sai lầm ngay từ lúc này. Hai nguồn tin nói với Wired, họ đã đồng bộ hóa luôn việc phát triển của Stadia với đơn vị phát triển trò chơi. Sau khi thuê về cả tá các nhà phát triển game, công ty lại có những dấu hiệu ưu tiên việc phát triển dịch vụ lên trước. Để rồi, phá vỡ sự tin tưởng giữa hai bên - những nhân viên công nghệ với nhà phát triển.

Một nguồn tin nhận xét rằng Google về bản chất là kỹ sư và công nghệ. "Việc tạo ra nội dung vốn dĩ không tồn tại trong công ty" - người này nói. Thực tế, những nhà phát triển game đối mặt với rất nhiều rào cản. Google có một cấu trúc vận hành rất vững chắc, khiến hoạt động đó trở nên không phù hợp. Ví dụ, vì bảo mật nên có nhiều lớp rào chắn được dựng lên khiến triển khai các phần mềm phát triển game khó khăn.

Google hào hứng giới thiệu game bom tấn nhưng trải nghiệm thực tế lại kém xa kỳ vọng

Muốn game đạt chất lượng để ra mắt trên Stadia, có thể cần tới 3 hoặc 5 năm, quá lâu để có mặt kịp thời khi dịch vụ khởi động. Việc thiếu chủ động này khiến Google phải phụ thuộc vào các đầu game AAA bên ngoài. Dẫn tới phản ứng không được tích cực vì toàn là các game cũ. Rồi thì trở ngại về công nghệ lại xuất hiện khi người dùng chơi các tựa game đó.

Theo Wired, nhiều phàn nàn của người chơi rằng dịch vụ có độ trễ quá lớn, không đáp ứng được trò Mortal Kombat 11 vốn đòi hỏi phải phản xạ nhanh. Các nhân viên nội bộ bi quan rằng tình trạng công nghệ hiện nay chỉ như một bản thử nghiệm, đầy những thiếu sót. Một nguồn tin cho rằng cần phải thử nghiệm nhiều hơn nữa, trên nhiều nền tảng phần cứng và tốn thời gian hơn.

Vậy nên, kể cả khi chơi các game cũ thì trải nghiệm cũng không thực sự ngon như kỳ vọng. Không có game độc quyền bom tấn thì những rào cản về kỹ thuật cũng đủ để người dùng chán nản với Stadia. Google không công bố lượng thuê bao nhưng theo hai người nói với Wired, con số thấp hơn mong đợi của họ tính tới 2020.

Lượng thuê bao của dịch vụ được cho là dưới mức kỳ vọng (ảnh: Google)

Google không phải kẻ thất bại duy nhất

Theo Wired, công ty Mỹ không phải kẻ thất bại duy nhất khi cố tiến sâu vào ngành game. Đồng hương Amazon của họ cũng đang vướng vào một mớ bòng bong khác. Amazon cố gắng tuyển dụng những nhân tài thực sự, như Clint Hocking trong dự án Far Cry 2, Ian Vogel của System Shock 2, John Smedley từ EverQuest, Kim Swift ở Portal, nhiều người trong số họ bị hấp dẫn bởi khoản lương kếch sù cùng các ưu đãi khác.

Mục tiêu lớn lao của Amazon được cho là để tạo ra một thương hiệu trò chơi điện tử mới, trị giá hàng tỷ USD và giúp quảng cáo cho công nghệ đám mây, công cụ sản xuất game độc quyền và dịch vụ Twitch. Cách tiếp cận này được nhiều người nói là "quá kiêu căng". Amazon tỏ ra muốn giành chiến thắng tuyệt đối, phát triển tới vài dự án game AAA cùng lúc trong khi chẳng mảy may quan tâm tới vị thế của họ trong ngành.

Hóa ra, người dẫn dắt Amazon Game Studios là ông Mike Frazzini lại chẳng có tí kinh nghiệm chuyên môn nào về game. Do đó, dù tiềm lực tài chính rất mạnh cùng nhiều điều kiện hậu thuẫn sẵn có, Amazon vẫn thất bại liên tiếp. Tính tới nay, công ty đã phải hủy ba dự án phát triển trò chơi gồm: Project Nova, Breakaway, Crucible (bị bỏ chỉ sau 5 tháng phát hành).

Stadia có thể đi vào "vết xe đổ" của Google+ và hàng trăm sản phẩm khác trong quá khứ (ảnh: Getty Images)

Trung bình để được coi là một dự án game bom tấn tầm AAA, ngân sách phải tương đương với một phim Hollywood chiếu rạp, cỡ 100 đến 200 triệu USD. Một số trò chơi đình đám xuất phát từ những thất bại trong quá khứ, ví dụ Overwatch của Blizzard, hồi sinh từ đống tro tàn mang tên Titan. Thiết kế sản phẩm ở một hãng công nghệ lớn không giống sản xuất game - hố chôn tiền bạc và thời gian lẫn cần nhiều may mắn.

Google hay Amazon có thể rất giàu và nhiều lợi thế, nhưng việc tạo ra một trò chơi mới ăn khách lại chẳng dễ xơi như họ tưởng.;

Ambitious Man

Chủ đề khác