VnReview
Hà Nội

Mỹ chịu sức ép trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ Trung Quốc

Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ đã kêu gọi chính quyền Washington nâng cao khả năng cạnh tranh với Trung Quốc về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), song vẫn giữ vững mối quan hệ nghiên cứu và kinh doanh đôi bên.

Trong bản báo cáo được gửi lên Quốc hội hôm 24/2 vừa qua, Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) cho biết: "Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc mà không cần chấm dứt quan hệ hợp tác nghiên cứu AI và các đồng kinh doanh công nghệ".

"Vấn đề cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp bởi mạng lưới chuỗi cung ứng, quan hệ đối tác nghiên cứu và mối quan hệ kinh doanh liên kết hai quốc gia dẫn đầu về AI trên thế giới là rất cần thiết. Những động thái đầy mạo hiểm nhằm cắt đứt mối quan hệ song phương có thể gây tổn thất cho người Mỹ và gây tiếng vang toàn cầu" theo chỉ đạo của ủy ban do cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt chủ trì.

Các khuyến nghị được đưa ra vào thời điểm Mỹ xem xét lại chiến lược quốc tế nhằm duy trì vị trí dẫn đầu toàn cầu về phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là khi Trung Quốc đạt được những bước tiến mới trong các lĩnh vực chính bao gồm robot và AI.

Trí tuệ nhân tạo đã nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực cạnh tranh chiến lược quan trọng. Nhiều chuyên gia tin rằng công nghệ này sẽ quyết định tương lai của nhiều ngành như cơ sở hạ tầng, thương mại, giao thông, y tế, giáo dục, thị trường tài chính và sản xuất thực phẩm.

Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đặc biệt trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nhận dạng khuôn mặt khi các công ty truyền thông xã hội, thương mại điện tử và công nghệ 5G trong nước đang nổi lên như những ông lớn đi đầu. ;

Vào năm 2017, Trung Quốc đã giới thiệu "Kế hoạch phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo" nhằm đưa mình thành cường quốc về AI vào năm 2030, vượt qua các đối thủ để trở thành trung tâm đổi mới trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ các kế hoạch AI của nhiều công ty với khoản trợ cấp lớn được nhà nước phê duyệt.

Đối mặt với thách thức đó, ủy ban NSCAI cho biết Mỹ phải đưa ra các lựa chọn chính sách công để bảo toàn lợi thế. Schmidt đề xuất thành lập một hội đồng cạnh tranh công nghệ trong Nhà Trắng và kêu gọi chính phủ tài trợ mạnh mẽ cho công cuộc nghiên cứu.

"Chúng tôi cần nhiều tiền hơn, đặc biệt là trong nghiên cứu và phát triển AI để đến năm 2026 có thể thu về 32 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ kinh doanh AI", Schmidt tuyên bố.

Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo được thành lập cách đây vài năm như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng với tư cách là một thực thể độc lập được sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Đây là nơi đánh giá các phương tiện thúc đẩy khả năng cạnh tranh về công nghệ của xứ Cờ Hoa.

Trong khi báo cáo cho biết chính phủ Mỹ "không kêu gọi một nền kinh tế do nhà nước chỉ đạo, một kế hoạch 5 năm, hay ‘sự kết hợp quân sự-dân sự' theo kiểu Trung Quốc", nội bộ Nhà Trắng đang thúc đẩy tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc do chính phủ dẫn đầu.

"Chính phủ có một lịch sử lâu dài trong việc huy động các ngành công nghiệp, học viện và giới đầu tư cùng nhau góp sức khi gặp thách thức lớn. Trong bối cảnh một đối thủ cạnh tranh đang ngày một mạnh mẽ như Trung Quốc, cộng với tiềm năng phát  triển của AI, đây là lúc chính phủ Mỹ cần hành động", báo cáo cho biết.

Các biện pháp được đưa ra sẽ bao gồm tìm cách thu hút nhân lực về AI, mở rộng nghiên cứu bằng cách cho phép truy cập nhiều hơn vào dữ liệu và luôn dẫn đầu về thiết kế bán dẫn.

"Điều thực sự cần chú ý là công nghệ mà chúng ta luôn dẫn đầu về độ tiên tiến đang có nguy cơ mất đi thế mạnh. Các thiết bị điện tử vi mô vốn cung cấp năng lượng cho các công ty và quân đội Mỹ do Đài Loan sản xuất" có nguy cơ tụt hậu nếu Trung Quốc bắt kịp công nghệ và vượt qua, Schmidt cho biết. Theo đó, Đài Loan là đối tác cung cấp chip chính của Mỹ.

"Chúng tôi cần phải hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước và đảm bảo đi trước Trung Quốc hai thế hệ công nghệ mới", Schmidt nói.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp đề ra Đánh giá 100 ngày của chuỗi cung ứng của Mỹ đối với các sản phẩm quan trọng bao gồm chất bán dẫn, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia như Trung Quốc.

Cùng lúc đó, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer cho biết ông đã chỉ đạo các ủy ban xây dựng dự luật lưỡng đảng dựa trên luật mà ông đề xuất vào tháng 5 năm ngoái nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ 100 tỷ USD để thúc đẩy nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, từ trí tuệ nhân tạo đến điện toán lượng tử và chất bán dẫn.

Các thượng nghị sĩ cũng đang xem xét việc cung cấp tài trợ cho các chương trình bán dẫn có trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm ngoái. Mặt khác, ủy ban NSCAI cũng cảnh báo Mỹ cần chống lại động thái phản kháng công nghệ trên diện rộng từ phía Trung Quốc.

Việc đứng ra đối đầu với Trung Quốc có thể tước đi nguồn nhân lực tài năng khan hiếm về AI, khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học từ các trường đại học và công ty Mỹ. Nó cũng có thể cắt đứt chuỗi cung ứng hiệu quả của các công ty và khả năng tiếp cận thị trường lẫn nguồn vốn đổi mới của Mỹ.

"Mối quan hệ giữa các học giả, nhà đổi mới và thị trường Mỹ - Trung rất sâu sắc, thường cùng có lợi và giúp thúc đẩy lĩnh vực AI. Thay vào đó, Mỹ nên cho rằng sự xáo trộn có mục tiêu chỉ là một yếu tố trong cách tiếp cận tổng thể của mình", báo cáo nêu rõ.

Nó nhấn mạnh rằng việc cắt đứt quan hệ hợp tác công nghệ giữa 2 nước phải được "áp dụng một cách thận trọng" để giảm bớt mối đe dọa từ việc chuyển giao công nghệ bất hợp pháp và bảo vệ các lĩnh vực quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia.

Ngọc Diệp (Theo SCMP)

Chủ đề khác