VnReview
Hà Nội

Tái chế smartphone cũ tại Trung Quốc: mô hình kinh doanh siêu lời

Giá trị của số kim loại từ rác thải điện tử ở quốc gia đông dân nhất thế giới được dự báo sẽ lên đến 23,8 tỷ USD vào năm 2030.

Giống như nhiều thanh niên trẻ Trung Quốc, Lin Chenru, 24 tuổi, thích nâng cấp điện thoại sau mỗi vài năm. Vậy những thiết bị cũ của anh sẽ để đâu?

"Tôi nghĩ chúng vẫn ở trong phòng mình, chỉ là không biết chính xác ở đâu thôi" -;Lin nói. "Tôi không vứt bỏ điện thoại cũ khi mua một cái mới, nhưng dần dần, tôi không còn để ý nhiều đến chúng nữa".

Lý do Lin, và hầu hết người tiêu dùng, giữ lại những chiếc điện thoại đã không còn sử dụng nữa là bởi vẫn còn nhiều dữ liệu đang lưu trữ trong thiết bị cũ. "Tôi giữ chúng lại phòng trường hợp vẫn còn thứ gì đó hữu ích bên trong", anh cho biết.

Lin không phải người duy nhất cho những chiếc smartphone cũ vào một xó xỉnh nào đó rồi quên mất. Nghiên cứu được tiến hành bởi Greenpeace East Asia, một tổ chức phi chính phủ về môi trường, cho thấy tỉ lệ smartphone được tái chế của Trung Quốc chưa đạt 2% - có nghĩa là chỉ có 2 trong 100 chiếc điện thoại cũ được tái chế đúng cách thay vì bị vứt bỏ hoặc để quên ở đâu đó trong những ngăn tủ đầy bụi.

Khi mà ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chi tiền cho những thiết bị mới hơn và tốt hơn mỗi năm, họ để lại một lượng rác điện tử khổng lồ bên trong những thiết bị đã cũ, có thể được trích xuất để phục vụ hoạt động tái chế chuyên nghiệp, bao gồm nhiều kim loại như đồng và vàng.

Trung Quốc từng có thời là bãi rác của những sản phẩm điện tử bị bỏ quên trên thế giới, trong đó thành phố Quý Tự thuộc tỉnh Quảng Đông cực kỳ nổi tiếng với hàng ngàn xưởng nhỏ chuyên "làm thịt" các loại máy tính và thiết bị điện tử cũ để thu hồi các vật liệu nói trên, phục vụ quá trình tái chế.

Nhưng những ngày tháng đó nay hầu như đã chấm dứt khi mà chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu "rác thải rắn từ nước ngoài" và tăng cường giám sát các hành vi xả thải điện tử nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm độc nước ngầm vốn có thể cực kỳ nguy hại cho sức khoẻ con người.

Tại một nhà máy ở ngoại ô Thượng Hải, điều hành bởi chuyên gia rác thải điện tử Singapore là TES, các công nhân tay nghề cao mặc đồng phục xanh dương, đeo kính bảo hộ và khẩu trang ngày ngày rã xác những chiếc smartphone đã qua sử dụng với tốc độ vài phút/chiếc, sau đó phân loại vỏ máy, màn hình, pin, và bảng mạch vào các thùng riêng để tiếp tục tái chế.

Giám đốc marketing của TES Trung Quốc, Richard Wang, giải thích về quy trình này, trong đó bắt đầu bằng cách sử dụng các hoá chất xử lý để phân rã và tinh chế các kim loại quý, như vàng, vốn hiện diện trên các bo mạch chủ. Bước tiếp theo là nhìn các bo mạch thành bột và tách đồng và nhựa ra.

Những phương pháp vật lý như điện tĩnh được triển khai nhằm trích xuất bột vốn chứa các kim loại như đồng, trong khi những phương pháp tương tự được sử dụng để trích xuất bột có có chứa thành phần phi kim loại.

Wang cho biết về lý thuyết, tái chế 100 triệu chiếc điện thoại có thể cho ra hơn 120kg vàng, với độ thuần khiết trên 99,9% sau khi được tinh chế.

Nhà máy Thượng Hải là một trong bốn cơ sở hoạt động của TES ở Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại nằm ở Quảng Châu, Bắc Kinh, và Tô Châu.

Nhà máy tại Thượng Hải hiện đang hợp tác với Huawei Technologies Co, gã khổng lồ viễn thông Trunng Quốc đang phải hứng chịu những thiệt hại to lớn trên lĩnh vực kinh doanh smartphone từ lệnh cấm giao thương của Mỹ.

Liu Hua, một chuyên gia về rác thải và tài nguyên tại Greenpeace Đông Á, nói rằng việc các nhà sản xuất smartphone như Huawei hợp tác với các công ty rác thải điện tử chuyên nghiệp bên thứ ba để tái chế smartphone là khá phổ biến.

Vào năm 2019, Apple cho biết đã nhận gần 1 triệu thiết bị thông qua một chương trình tái chế nhằm khuyến khích người tiêu dùng Mỹ hoàn trả điện thoại cũ để tái chế bởi một con robot tên Daisy. Được biết, con robot này có khả năng tháo gỡ 15 mẫu iPhone khác nhau ở tốc độ 200 thiết bị/giờ.

Giá trị của số kim loại trong rác thải điện tử ở Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 23,8 tỷ USD vào năm 2030, một con số khổng lồ có thể thu được thông qua tái chế và "khai khoáng đô thị", mà chi phí bỏ ra vẫn rẻ hơn trích xuất kim loại từ khai khoáng quặng.

Một trong những thách thức đối với hoạt động tái chế là làm sao để thay đổi được thái độ của mọi người - Wang nói. "Đối với những chiếc điện thoại đã qua sử dụng, có lẽ người ta vẫn thích giữ chúng ở nhà, ngay cả khi đó là một chiếc iPhone 4" - anh cho biết.

Một yếu tố góp phần hình thành thói quen đó là kích cỡ - một chiếc điện thoại không chiếm nhiều không gian như một thiết bị điện tử gia dụng. "Không như điều hoà không khí hay TV, khi bạn nâng cấp lên cái mới, bạn có thể không có đủ chỗ để chứa cái cũ. Nhưng smartphone thì khác, chúng bé xíu và không phải là vấn đề đáng lo ngại nếu người ta muốn giữ chúng lâu thêm" - Liu nói, nhấn mạnh thêm rằng một số người tiêu dùng có cảm giác "không thể chấp nhận được" nếu phải thấy thiết bị họ đã bỏ ra hàng ngàn tệ để mua lại chỉ đáng giá vài trăm tệ sau khi tái chế.

Một nỗi lo lớn đối với các nhà sản xuất smartphone là vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ trong quá trình tái chế. Ví dụ, các điện thoại của Huawei được phân rã tại một khu vực riêng trong nhà máy TES, và các linh kiện riêng rẽ được cán nát thành từng mẩu nhỏ trước khi trải qua quá trình trích xuất vàng và đồng.

Liu nói rằng thủ tục này nhằm ngăn chặn bất kỳ dữ liệu người dùng nào còn sót lại bị truy xuất bởi các hacker, và không để những con chip trong máy được mang sang sử dụng trên các thiết bị khác mà chưa được phép. "Kể cả khi smartphone được định dạng, về lý thuyết, hacker vẫn có thể lấy một số dữ liệu, dù cơ hội là khá nhỏ và chi phí thì quá cao" - anh nói.

Richard Liu, một giám đốc của bộ phận người tiêu dùng tại Huawei, nói rằng công ty sẽ nghiên cứu để làm ra những chiếc smartphone dễ tái chế hơn. "Một số công nhân tái chế nói rằng một vài điện thoại cũ của chúng tôi quá khó để phân rã, và pin của chúng sẽ bị vỡ và cháy trong quá trình tái chế" - ông nói.

"Đó là bởi pin được hàn vào bo mạch chủ. Chúng tôi sau đó đã thay đổi thiết kế để pin có thể được gỡ ra dễ dàng hơn khi tái chế".

Minh.T.T (Theo SCMP)

Chủ đề khác