VnReview
Hà Nội

‘Foxconn ngành ô tô’ muốn giúp Sony và các hãng công nghệ phát triển xe điện

Nếu như Foxconn được xem là hãng gia công theo hợp đồng lớn nhất ngành công nghệ, tại nước Áo cũng có một công ty sản xuất thân xe theo hợp đồng hàng đầu thế giới. Đó chính là Magna, cái tên ngày càng được chú ý khi phát triển xe điện trở thành xu hướng.

Khách hàng gây chú ý nhất gần đây của Magna là Sony, một công ty tưởng như sẽ chẳng bao giờ mang lên sân khấu một mẫu xe điện. Chủ tịch công ty là ông Frank Klein đã nói trong buổi phỏng vấn với báo Nikkei, rằng công ty có ý định trở thành Foxconn của ngành công nghiệp ô tô. Nhiều tờ báo quốc tế như Wall Street Journal đều cho rằng, Magna hoàn toàn có thể trở thành một đối tác trong dự án xe điện của Apple.

Những rào cản trước đây đối với xe điện đang giảm dần, việc phát triển một chiếc trở nên dễ hơn so với xe chạy xăng. Theo Klein, khi một khách hàng mang tới một ý tưởng, Magna có thể giúp hiện thực hóa nó ở mọi khâu, từ phát triển tới sản xuất. Một phân tích thị trường gần đây cho thấy, xu hướng chuyển dịch sang xe điện đang nở rộ hơn bao giờ hết. Magna nhanh chóng chớp lấy cơ hội, đầu tư 40-50% vào xe điện.

Đây sẽ là Foxconn của ngành ô tô (ảnh: Automotive News)

Công ty nước Áo đã có thời gian dài phát triển và sản xuất xe hạng sang hoặc các mẫu có sản lượng thấp, phục vụ cho các hãng xe hơi truyền thống. Việc ngành ô tô chuyển dịch sang xe điện khiến sự hiện diện của Magna được chú ý nhiều hơn, đặc biệt là với các công ty tay ngang kiểu như Sony muốn nhảy vào làm xe điện. Tất nhiên, Sony không có ý định sản xuất hàng loạt, nhưng họ vẫn được coi là một khách hàng lớn.

Cho đến nay, Magna đã sản xuất khoảng 3,7 triệu đơn vị xe của 30 mẫu khác nhau, theo đơn hàng của 10 công ty xe hơi. Có thể kể đến G Class của Mercedes-Benz, BMW 5 Series và Z4, Toyota GR Supra, Jaugar I-Pace,... Còn sản phẩm mà Sony yêu cầu thực chất là một concept xe điện, phục vụ hoạt động nghiên cứu và phô diễn công nghệ.

Với lịch sử 120 năm, công ty xuất xưởng khoảng 350.000 đến 400.000 xe mỗi năm. Khách hàng ở khắp nơi trên thế giới đang gửi về những yêu cầu hỗ trợ, đảm bảo một tương lai tươi sáng cho công ty khi xe điện lên ngôi. Klein tự tin bật mí về kế hoạch tương lai: "Chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng nhà máy tại Slovakia và cả Trung Quốc. Công ty sẽ tiếp tục xây thêm cơ sở mới."

Chủ tịch Frank Klein kỳ vọng xe điện sẽ làm thay đổi cấu trúc truyền thống của ngành xe hơi (ảnh: Magna)

Xe xăng đòi hòi nhiều nỗ lực để phát triển nếu muốn bắt đầu, với hơn 30.000 phụ tùng khác nhau trong mỗi chiếc xe. Cấu trúc sản xuất truyền thống của ngành xe hơi đi theo chiều dọc, các công ty sẽ bao trọn toàn bộ quy trình từ mua sắm cho tới lắp ráp, tiếp thị và bán hàng. Đây là những đặc điểm sẽ thay đổi khi chuyển sang xe điện, khi mà Magna muốn trở thành Foxconn.

Nếu bắt đầu gia nhập, các công ty mới phải đạt tới tốc độ 200 km/h. Rất nhiều sẽ thất bại dù đã nỗ lực, bởi vì sản xuất xe là cực kỳ khó trong khi yêu cầu của khách hàng lại rất cao. Do vậy, khi các hãng công nghệ như Apple, Amazon hay Sony muốn xây dựng một mẫu xe điện mà họ hoàn toàn xa lạ, bắt buộc phải tìm tới những công ty đã có chuyên môn giúp đỡ.

Ở Mỹ, Amazon đã thâu tóm công ty khởi nghiệp Zoox chuyên về xe, hướng tới phát triển một dịch vụ giao vận hàng hóa tự hành. Google thì phát triển xe tự lái thông qua start-up Waymo. Baidu thiết lập liên minh chiến lược với Zhejiang Geely Holding Group, một bên là công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc còn bên kia là hãng xe tư nhân lớn nhất.

Một số dự án phát triển xe điện mà Magna đã tham gia (ảnh: Nikkei)

Trong số này, Apple là cái tên nổi cộm nhất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ công ty nào đã trở thành đối tác phát triển xe cho hãng công nghệ Mỹ. Sau hàng loạt những cái tên được cho là đã đàm phán bất thành như Nissan, Hyundai, Kia, không còn ai xuất hiện trên mặt báo nữa. Ngay cả chủ tịch Magna cũng đã từ chối xác nhận thông tin đàm phán với Apple với Nikkei.

Trường hợp của Sony khá đặc biệt. Magna và hàng chục công ty khác trong ngành đã được mời tham gia dự án concept có tên VISION-S. Khi trưng bày ở triển lãm CES, mẫu xe nhanh chóng gây sốt trên khắp các phương tiện truyền thông. Không ai nghĩ một công ty gắn liền với PlayStation, Spider-Man, Walkman như Sony lại đưa đến một chiếc xe tự lái.

Như vậy, ngành xe hơi khi chuyển sang xe điện có thể không còn giữ mô hình tích hợp chiều dọc như cũ nữa. Các công ty như Apple, Sony,... có thể ký hợp đồng sản xuất và áp dụng chiến thuật tích hợp chiều ngang như bên ngành điện tử của họ. Đội ngũ kỹ sư của các hãng có chuyên môn về sản xuất thân xe như Magna sẽ đóng vai trò chính, còn linh kiện phụ tùng đều có thể mua từ các nhà cung cấp truyền thống.

Ambitious Man

Chủ đề khác