VnReview
Hà Nội

Sony tăng cường xuất khẩu nhạc phim anime sau thành công của “Demon Slayer”

Ý tưởng giao phần thể hiện ca khúc chủ đề của anime "Demon Slayer" cho LiSA đã thành công ngoài mong đợi. Giờ đây, Sony muốn biến điều đó thành động lực xuất khẩu anime ra thị trường nước ngoài.

Ba năm trước, công ty sản xuất và phân phối anime Aniplex thuộc Sony Music nảy ra một ý tưởng: Sẽ ra sao nếu giao phần nhạc phim trong dự án Demon Slayer cho LiSA thực hiện? Bây giờ, anime đã thành công vang dội cả ở mặt truyền hình lẫn điện ảnh, còn phần nhạc phim thì nổi đình nổi đám suốt hơn một năm qua.

LiSA và Demon Slayer

Giám đốc quản lí Yosuke Hasegawa của Sony Music rất ủng hộ ý tưởng này. Anh đã tập hợp nhiều nhân viên trong công ty, nhạc sĩ Kayoko, nhà sản xuất Eguchi Ryo và ca sĩ LiSA (tên thật Risa Oribe), nhằm thúc đẩy dự án. Cuối cùng, thành quả là bài hát mở đầu (opening song) có tên "Gurenge" gắn liền với bản phim truyền hình Demon Slayer.

Tiếp theo đó, bài hát chủ đề Homura của tập phim điện ảnh Demon Slayer The Movie: Mugen Train tiếp tục do LiSA trình bày, lần này hợp tác với nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất Yuki Kajira. Trong khi bộ phim càn quét phòng vé Nhật Bản lẫn châu Á, lập nên kỳ tích doanh thu trong năm 2020, Homura cũng được đón nhận nồng nhiệt trên các bảng xếp hạng âm nhạc.

Ca sĩ LiSA, tên thật là Risa Oribe, là người thể hiện các bài hát chủ đề của bộ anime "Demon Slayer" (ảnh: Nikkei)

Cả hai dự án đều mang về thành công lớn cho Aniplex, đơn vị chuyên trách sản xuất anime lẫn ca khúc chủ đề trong Sony Music. Năm 2017, công ty muốn khuếch trương hơn nữa nhạc phim anime, hay "anisong", đã thành lập một nhãn đĩa mới là Sacra Music. Hãng thu âm trực thuộc Sony Music có nhiệm vụ tăng cường độ phổ biến của các nghệ sĩ chuyên về nhạc anime.

Hasegawa nói về chiến lược của Sacra Music, nhãn đĩa mà LiSA đang ký hợp đồng: "Chúng tôi sẽ quảng bá thương hiệu các nghệ sĩ anime và ra mắt họ ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế". Đây là hướng đi sắp tới của công ty sau thành công rực rỡ mà hai bài hát ở trên đem lại - xuất khẩu anisong ra công chúng nước ngoài.

Thị trường nhạc phim anime tại Nhật Bản bao gồm các hoạt động thu âm, lồng tiếng,... đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể trong năm 2019. Theo báo cáo từ Viện nghiên cứu PIA, quy mô doanh thu tăng 23% lên 229 triệu USD, gấp 3 lần so với 6 năm trước. Bất chấp đại dịch làm hàng loạt các buổi hòa nhạc trực tiếp phải hủy bỏ, nhu cầu thưởng thức vẫn tăng cao.

"Gurenge" trở thành hit lớn quan trọng trong sự nghiệp ca hát của LiSA

Theo Spotify, bài hát Nhật Bản được phát nhiều nhất năm 2020 chính là Gurenge của LiSA, cô cũng là nghệ sĩ Nhật Bản dẫn đầu bảng xếp hạng của dịch vụ stream lớn nhất thế giới. Trong 10 ca khúc nhạc Nhật phổ biến nhất nền tảng, có tới 8 bài là anisong. Còn Billboard Nhật Bản cho biết Gurenge là bài có lượng tải về nhiều nhất năm 2020.

LiSA trở thành nghệ sĩ đầu tiên trong năm 2020 đứng đầu 7 bảng xếp hạng trên Billboard Japan cùng một lúc cho single Homura lẫn album LEO-NiNE. Cả Gurenge Homura đều đạt được chứng nhận Bạch Kim từ Hiệp hội Ngành công nghiệp Ghi âm Nhật Bản (RIAJ). Giành hai vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng Hot Animation của Billboard, vốn dành cho nhạc phim và game.

Tại lễ trao giải lần thứ 62 của Giải thưởng Thu âm Nhật Bản, Homura vinh dự trở thành bài hát của năm. Trên YouTube, dễ dàng tìm thấy hàng ngàn video có liên quan đến hai bài hát này, từ cover, reaction, cho tới lồng ghép MV bởi người hâm mộ. Video LiSA hát Gurenge trên kênh âm nhạc The First Take đã có hơn 100 triệu lượt xem, đứng thứ 2 về mức độ phổ biến của kênh.

Đẩy mạnh xuất khẩu anisong

Thị trường anime toàn cầu tăng trưởng đều đặn qua từng năm (ảnh: Nikkei)

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của anisong ở bên ngoài lãnh thổ nước Nhật, Hasegawa không ngần ngại trả lời: "Thực ra nó chẳng khác gì so với xuất nhập khẩu trong thương mại". Sự bành trướng của nhạc phim anime giống như việc tiếp nhận thứ hàng hóa đặc trưng của quốc gia khác, vốn không có ở nơi bạn sống.

Thị trường anime vẫn tiếp tục tăng trưởng, tạo điều kiện cho những khán giả nước ngoài tiếp cận với anisong ngày càng dễ dàng hơn. Theo Hiệp hội Phim hoạt hình Nhật Bản, doanh thu toàn cầu đạt 2,5 ngàn tỷ yên trong năm 2019, tăng trưởng 15%. Gần một nửa trong số này là đóng góp từ thị trường nước ngoài.

"Anime là trải nghiệm thị giác sinh ra ở Nhật Bản nhưng đã lây lan khắp toàn cầu" - Hasegawa bình luận về tỉ lệ trên.

Một điển hình đó là sự đầu tư ngày càng mạnh vào nội dung anime của Netflix, gã khổng lồ trực tuyến video. Theo công ty này, đã có hơn 100 triệu hộ gia đình trên toàn cầu xem ít nhất một phim anime trên hệ thống. Khi các dịch vụ phát trực tuyến như Hulu, Amazon, Netflix,... ngày càng phát triển, cộng đồng hâm mộ anime cũng mở rộng rất nhanh. Từ đó, anisong ngày càng phổ biến với khán giả phương Tây.

Cấu trúc kinh doanh của Sony xoay quanh nội dung anime (ảnh: Nikkei)

Sony đã xây dựng một cấu trúc kinh doanh xoay quanh anime, kỳ vọng có thể thúc đẩy hơn nữa giá trị của nhạc phim anime trong tương lai. Đây là loại hình giải trí đặc trưng của Nhật Bản, sở hữu tính độc đáo cao để mang tới trải nghiệm khác lạ cho nhóm khách hàng ngoại quốc ở trên. Một phần trong kế hoạch phát triển anime trở thành nguồn thu đáng kể cho hoạt động kinh doanh giải trí của Sony.

Tháng 11/2020, công ty con của Sony là Funimation đã bắt đầu phát trực tiếp một số bài hát anime của nghệ sĩ Flow, phục vụ khán giả Bắc Mỹ và các vùng lãnh thổ nước ngoài. Tháng 12/2020, Sony thông báo thâu tóm dịch vụ stream anime Crunchyoll của AT&T với giá gần 1,2 tỷ USD, đặt dưới quyền kiểm soát của Funimation. Qua đó, bổ sung vào hệ sinh thái anime của họ thêm 90 triệu thuê bao.

Chiến lược bành trướng

Hasegawa cho biết công ty đã lên kế hoạch bành trướng ra thị trường nước ngoài, tăng cường sự hiện diện của anisong. Theo anh, họ sẽ không phân tích thị trường để bản địa hóa sản phẩm theo thị hiếu khách hàng địa phương. Thay vào đó, công ty chọn mở rộng kinh doanh hàng hóa có tính đặc trưng cao ở thị trường nước ngoài.

Thâu tóm Crunchyroll giúp Sony tăng cường thêm kênh phân phối anime tới khán giả toàn cầu (ảnh: Crunchyroll)

Sony không tạo ra những bộ anime nhằm chiều lòng khán giả quốc tế, mà sẽ tiếp cận bằng những nội dung mang đậm yếu tố văn hóa Nhật Bản. Từ đó hình thành sức hút đặc biệt mà chỉ có sản phẩm từ Nhật Bản mới sở hữu. Họ muốn khuếch đại tính độc đáo vốn có trong anime mà khán giả khó có thể tìm thấy ở các phim hoạt hình trong nước.

Ambitious Man

Chủ đề khác