VnReview
Hà Nội

Thất bại ở Trung Quốc, Samsung rơi vào thế "phải" thành công ở Ấn Độ

Thị phần điện thoại Samsung tại Trung Quốc chỉ còn dưới 1%, giờ công ty Hàn Quốc phải đặt cược vào Ấn Độ nhằm giữ vững vị thế trước các đối thủ Trung Quốc.

Một sinh viên Ấn Độ 22 tuổi tỏ ra thích thú với tính năng "S Bike Mode". Khi anh đang lái xe mà nhận được cuộc gọi, ứng dụng sẽ tự động báo lại cho đầu dây bên kia rằng anh đang bận lái xe nên không thể nhấc máy. Như vậy, anh có thể tấp vào lề và trả lời cuộc gọi một cách an toàn và lịch sự. Đây là một trong các nỗ lực nhằm giành lấy thị trường Ấn Độ của Samsung.

Ấn Độ đang được coi là "miền đất hứa" của Samsung và các công ty smartphone. Tỉ lệ xâm nhập smartphone trong dân số hiện còn chưa vượt qua mốc 40%, có nghĩa hơn một nửa người dân địa phương chưa có điều kiện tiếp cận với smartphone. Theo hãng nghiên cứu Strategy Analytics, năm 2019 tỉ lệ này là 30,8%, đến 2020 mới tăng lên 36%. Dự báo năm nay sẽ đạt 41,1%.

Doanh số smartphone tại đây chỉ đứng sau Trung Quốc, trở thành chiến địa khốc liệt nhất bên ngoài thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Bởi vì Samsung đã thất bại tại Trung Quốc khi thị phần tụt xuống dưới 1%, họ không còn lựa chọn nào ngoài việc "bắt buộc phải" giành được Ấn Độ. Đây là nơi mang tính quyết định tới vị thế của Samsung trên bản đồ smartphone toàn cầu.

Khách hàng Ấn Độ trải nghiệm điện thoại Samsung (ảnh: Samsung)

Sản lượng điện thoại thông minh bán ra trong năm ngoái là 1,33 tỷ chiếc, trong đó Samsung chiếm 19% và Apple là 15%. Với việc công ty Mỹ đang tìm cách gia tăng doanh số tại Ấn Độ, Samsung cũng cần đẩy mạnh hoạt động tại đây để kiềm chế đối thủ truyền thống. Theo Strategy Analytics, 5 hãng smartphone lớn nhất lần lượt là Xiaomi, Samsung, Vivo, Realme và Oppo.

Năm ngoái, Xiaomi bán được 41 triệu máy còn Samsung là 30 triệu, hai bên đang giằng co rất quyết liệt. Mới đây, Samsung tung ra mẫu Galaxy F62 nhằm lấy lòng khách hàng Ấn Độ. Sản phẩm có giá chỉ 270 USD nhưng cung cấp viên pin 7.000mAh, con chip Exynos 9825 từng trang bị trên flagship Galaxy Note10.

Sản phẩm mới cho thấy công ty đang cố bắt kịp thị hiếu của người dân địa phương, ưa thích điện thoại có mức giá rẻ nhưng thông số ấn tượng. Đi kèm với đó là những tính năng được bản địa hóa, phù hợp với thị trường Ấn Độ. Tính năng S Bike Mode ở trên chỉ là một trong nhiều sản phẩm được thiết kế theo hướng này.

Dư địa phát triển tại Ấn Độ còn rất rộng rãi cho các hãng smartphone (ảnh: JoongAng Daily)

Nhận thấy cơ sở hạ tầng Internet ở đây còn kém, ứng dụng My Galaxy cài đặt miễn phí trong máy sẽ cho phép người dùng truy cập vào video, âm nhạc, trò chơi,... Khi xu hướng dịch vụ OTT bùng nổ ở Ấn Độ, Samsung tung ra Smart Pop-Up View, ứng dụng nhắn tin miễn phí trên nền Internet tương tự các dịch vụ OTT khác.

Giáo sư Lee Kyung-mook giảng dạy về kinh doanh tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định: "Nhằm duy trì vị thế số 1 trên thị trường smartphone, Samsung bắt buộc phải đầu tư vào Ấn Độ. Họ không thể lặp lại sai lầm để mất thị trường Trung Quốc lần nữa". Theo ông, công ty Hàn Quốc từng là số 1 tại Trung Quốc năm 2014, nhưng lại quá lệ thuộc vào việc ra mắt điện thoại có hình ảnh cao cấp.

Cuối cùng, họ bị mất dần khách hàng vào tay Huawei, Xiaomi và Oppo, bắt đầu từ phân khúc giá rẻ. Bây giờ, mọi thứ đã trở nên quá muộn với Samsung. Còn tại Ấn Độ, công ty cần phải dốc sức theo đuổi một chiến lược mới thật độc đáo, có thể giành lại khách hàng địa phương để ngăn cản sự bành trướng của các công ty Trung Quốc.

Samsung đang có thị phần lớn thứ hai tại Ấn Độ (ảnh: JoongAng Daily)

Ambitious Man (Tham khảo Koreajoongangdaily)

Chủ đề khác