VnReview
Hà Nội

Chỉ một nhà máy Samsung gặp sự cố, ngành di động mất tới 5% sản lượng smartphone

"Họa vô đơn chí", giữa lúc "cơn khát" chip bán dẫn lan rộng ở nhiều ngành nghề, sự cố xảy ra ở nhà máy Samsung càng khiến tình hình của ngành di động thêm trầm trọng.

Việc thiếu hụt chip bán dẫn khiến Qualcomm không giao đủ số hàng chip xử lí cho các hãng Android. Những công ty như Xiaomi, Oppo có thể phải chuyển sang dùng chip MediaTek nhiều hơn để kịp kế hoạch ra mắt sản phẩm mới. Trong khi đó, nhà máy bán dẫn tại Texas của Samsung lại phải đóng cửa vì bão tuyết, đẩy chuỗi cung ứng lún sâu hơn vào vòng xoáy thiếu hụt.

Nhà máy của Samsung chịu trách nhiệm cho 5% sản lượng chip trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất vi điều khiển màn hình (DDIC) và vi điều khiển bộ nhớ NAND. Bên cạnh đó, nhà máy Texas cũng là nơi sản xuất một số chip viễn thông cho Qualcomm. Vì tính chất quan trọng của nó trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dự kiến ngành di động, PC và máy chủ sẽ bị ảnh hưởng.

Mất 5% sản lượng smartphone

Theo hãng nghiên cứu TrendForce, sự cố của Samsung sẽ giáng một đòn mạnh vào các hãng smartphone. Sản lượng toàn ngành trong quý 2 có thể bị hụt đi 5%. Một giám đốc làm việc cho một hãng bán dẫn nhận định: "Khách hàng sẽ đổ xô sản xuất smartphone bằng linh kiện viễn thông khác và màn hình LCD, nhằm tránh những mặt hàng bị thiếu nguồn cung".;

Điện thoại cao cấp sử dụng màn hình OLED và hỗ trợ 5G đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện nghiêm trọng (ảnh: Reuters)

"Cuộc điều tra mới nhất của chúng tôi cho thấy, công suất toàn bộ nhà máy khó có thể trở lại mức 90% cho tới cuối tháng Ba" - TrendForce viết trong báo cáo. Vì ở đây sản xuất chip viễn thông cho Qualcomm và trình điều khiển màn hình OLED, nó sẽ ảnh hưởng tới tất cả các hãng di động đặc biệt là Apple và Samsung. Các dòng điện thoại 5G bao gồm iPhone 12, Galaxy S21,... nói chung có thể mất tới 30% sản lượng.

Máy tính, máy chủ, ổ SSD bị liên đới 

"Chuỗi cung ứng bây giờ không thể theo kịp được nữa" - Chủ tịch hãng máy tính Acer Jason Chen cho biết đầu tháng Ba. "Nhân sự của chúng tôi đang cố gắng đảm bảo đủ linh kiện. Việc này chưa từng xảy ra trong ngành PC trước đây". Công ty hiện chỉ có thể đáp ứng được 30% đơn hàng được yêu cầu. Đồng hương Asus cũng đưa ra cảnh báo, chuỗi cung ứng đang thiếu tới 30% chip bán dẫn máy tính lẫn tấm nền LCD.

Theo DigiTimes, có đến 75% sản lượng bộ điều khiển SSD PCIe dự đoán chịu ảnh hưởng trong tháng 3/2021. Bên cạnh phân khúc PC cao cấp thì vấn đề thiếu hụt này còn ảnh hưởng đến cả thị trường máy chủ server và PC máy tính phổ thông cá nhân. Thiếu hụt vi điều khiển chip nhớ, sản lượng SSD của Samsung cũng bị tác động theo và khiến nguồn cung có thể không đủ vào cuối năm. Dự báo giá SSD sẽ tăng vì chuyện này.

Nhà máy Samsung sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu cho chuỗi cung ứng toàn cầu (ảnh: Samsung)

Màn hình tăng giá

Và cũng theo một báo cáo mới đây của DigiTimes, sự cố tại nhà máy Texas của Samsung không chỉ ảnh hưởng trầm trọng tới sản lượng smartphone, mà còn khiến giá linh kiện leo thang hơn trước. Do thiếu hụt vi điều khiển màn hình OLED, Samsung Display thông báo buộc phải tăng giá tấm nền OLED cứng thêm 5-8%.

Trước khi đóng cửa vào giữa tháng Hai, nhà máy này chịu trách nhiệm xử lí 20.000 wafer mỗi tháng nhằm sản xuất DDIC cho màn hình OLED trên các dòng điện thoại iPhone 12, Galaxy S21. Bên cạnh OLED, ngay cả tấm nền LCD cũng đã quay đầu tăng giá trên mọi kích cỡ, từ phân khúc di động cho tới notebook và TV. Nhu cầu giải trí và học tập tại nhà tăng vọt đang khiến laptop và TV tiêu thụ mạnh hơn.

Một quản lí JDI cảnh báo: "Hoạt động mua sắm có thể rơi vào khủng hoảng trong tháng Tư", ám chỉ việc tăng giá màn hình LCD. Trong trường hợp các nhà sản xuất smartphone gặp khó khi trang bị màn hình OLED, họ có thể phải chuyển sang mua loại LCD dù giá cao. Theo CINNO Research, giá tấm nền LTPS LCD 6.5 inch FHD+ đã tăng lên 14,8 USD so với trước.

Ambitious Man

Chủ đề khác