VnReview
Hà Nội

Từ MSN Messenger đến Team: những ứng dụng nhắn tin thành công và thất bại của Microsoft

Từ những ngày đầu của MSN Messenger cho đến Microsoft Teams, gã khổng lồ phần mềm Redmond đã thu hút được hàng triệu người dùng đến với các dịch vụ nhắn tin của mình trong hàng thập kỷ qua.

Hiển nhiên, mọi thứ đều có lúc thăng lúc trầm, xen lẫn những thương vụ thâu tóm, với nhiều dịch vụ phải đóng cửa trong khi số khác tiếp tục phát triển, một số vẫn còn thoi thóp khi đã ở bên kia đỉnh đồi vinh quang. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm lại những cột mốc mà Microsoft đã trải qua trong "cuộc chơi" dịch vụ nhắn tin suốt nhiều năm qua.

MSN Messenger/ Windows Live Messenger (1999)

MSN Messenger xuất hiện giữa cơn sốt dịch vụ nhắn tin tức thời, khi internet vẫn còn non trẻ, nơi các mạng xã hội hiện đại mới chỉ là những concept chưa thành hình hài. Nó là một trong những nền tảng đầu tiên có hàng triệu người dùng, và đối với những ai đã sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đó, MSN Messenger là một sản phẩm tốt, giúp mang các cộng đồng trực tuyến lại gần nhau hơn trước thềm thế kỷ mới.

Microsoft giới thiệu MSN Messenger vào cuối những năm 1990, ban đầu chỉ là một ứng dụng chat văn bản đơn thuần, và sau đó mới hỗ trợ các tính năng nâng cao như gọi điện video, tin nhắn âm thanh, emoji, trò chơi, và các dịch vụ khác. Không sai khi nói MSN Messenger là một trung tâm tụ họp của người dùng internet trong một thời đại điện toán mới và là dịch vụ internet hiện đại đầu tiên mà nhiều người được tiếp cận. Dù bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ cùng thời như AIM, ICQ, và đặc biệt là Yahoo! Messenger, MSN vẫn là một dịch vụ được ưa chuộng vào đầu những năm 2000 khi luôn tìm cách thử nghiệm những ý tưởng mới mà bạn có thể thấy trong các dịch vụ phổ biến ngày nay.

Trước sự trỗi dậy của các sản phẩm tương tự nhưng giàu tính năng hơn, cùng mối đe doạ đến từ một thế hệ các mạng xã hội mới, sau một thập kỷ, MSN (sau này đổi tên thành Windows Live Messenger) đã phải đóng cửa. Nhưng nó vẫn đại diện cho một thời kỳ mang tính nền tảng đối với mảng kinh doanh tiêu dùng của Microsoft, kết nối mọi người trên toàn thế giới.

Xbox Live (2002)

Dù Xbox Live không phải là một ứng dụng nhắn tin tức thời mà bạn sẽ dùng thường ngày, nó vẫn đạt được những thành công liên tục và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong số các dịch vụ tiêu dùng của Microsoft cho đến tận ngày nay. Xbox Live ra đời vì Microsoft muốn thiết kế một mạng trò chơi trực tuyến để tiếp thêm sức mạnh cho máy chơi game console Xbox đời đầu của mình, cho phép các game thủ chơi các tựa game hỗ trợ đa người chơi từ xa và mang lại các dịch vụ xã hội khác liên kết chặt chẽ với trải nghiệm Xbox.

Dù những năm đầu tiên sau khi ra đời, Xbox Live chỉ được xem là một nơi chém gió, tán dóc của các game thủ Halo 2, hoặc để tải về các nội dung mới, nó đã dần tiến hoá thành một mạng xã hội rộng lớn hơn trong thập kỷ qua. Dịch vụ này hiện diện trên những máy console Xbox mới nhất, và đang dần mở rộng sang cả PC lẫn di động, thậm chí còn xuất hiện trong một số tựa game Nintendo Switch và PlayStation nữa. Xbox Live là xương sống trong chiến lược game của Microsoft, dù đó là game thông thường hay game trên các dịch vụ subscription như Xbox Game Pass.

Khi nhắc đến phần nhắn tin, Xbox Live là một mạng xuyên nền tảng, tích hợp nhiều tính năng chia sẻ xã hội và các cộng đồng game. Dù vẫn còn nhiều điểm cần cải tiến, đặc biệt khi so với các đối thủ như Discord, nó là trụ cột căn bản cho tầm nhìn Xbox mới của Microsoft. Tính đến tháng 1/2021, Xbox Live đã có hơn 100 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng trên mọi nền tảng.

Office Communicator/ Skype for Business (2007)

Microsoft tung ra Office Communicator 2007 với mục đích biến nó thành ứng dụng gọi điện âm thanh và video dành cho khách hàng doanh nghiệp. Ứng dụng mà về sau trở thành Microsoft Lync và cuối cùng là Skype for Business này hiện diện dưới nhiều dạng thức khác nhau, ban đầu là một thành phần nhắn tin được nhúng trong bộ Microsoft Office, rồi dần dần tích hợp vào gia đình Skype.

Không chỉ có khả năng nhắn tin và gọi điện, dịch vụ này còn có tham vọng tấn công thế giới doanh nghiệp. Việc luôn hiện diện và tích hợp vào các tính năng Microsoft Office khác đồng nghĩa Microsoft muốn biến nó thành một giải pháp toàn diện để quản lý và thực hiện các hoạt động doanh nghiệp từ xa. Dù rằng Skype for Business vẫn còn tồn tại, nó đang dần được thay thế bởi nền tảng Microsoft Teams mà chúng ta sẽ đề cập ở phần cuối của bài viết.

Skype (2011)

Skype mang đến cho người tiêu dùng đại trà khả năng gọi điện dễ dàng và miễn phí, với cả âm thanh lẫn video, có thể hoạt động tốt trên mọi loại thiết bị. Nó trở thành ứng dụng mặc định khi bạn muốn gọi điện VoIP, dù là gọi người dùng Skype khác hay thực hiện các cuộc gọi quốc tế với mức phí vừa phải. Microsoft mua lại Skype vào năm 2010, khi ứng dụng này đang ở thời kỳ đỉnh cao, và dù ngày nay nó không còn duy trì được vị thế như trước, Skype vẫn là một trong những nhãn hiệu sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng của công ty. Dám cá là nếu bạn từng thực hiện các cuộc gọi trực tuyến, khả năng cao một trong số đó thông qua Skype!

Skype nhận được sự chào đón nồng nhiệt nhờ những tính năng cơ bản nhất của nó: gọi điện âm thanh và video, cùng với các dịch vụ nhắn tin tuyệt vời. Nó còn đóng vai trò là kẻ tiếp bước MSN Messenger của Microsoft, với hàng trăm triệu người dùng tính đến hiện nay.

Như đã nói ở trên, Skype đã bước qua thời kỳ vinh quang, nay chỉ còn là một cái bóng mờ nhạt trước Zoom, vốn đang thống trị thị trường liên lạc và làm việc từ xa kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Nguyên nhân là bởi Skype không chịu cải tiến giữa một thị trường vận động với tốc độ rất nhanh, và lượng người dùng tìm đến nó cũng dần suy giảm, chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây mà thôi.

GroupMe (2011)

GroupMe ra mắt lần đầu vào năm 2010, nhưng một năm sau đã gia nhập gia đình Skype và nằm dưới quyền kiểm soát của Microsoft. Ứng dụng nhắn tin di động này được khá ít người biết đến trong nhiều năm trở lại đây, chủ yếu dùng cho nhắn tin nhóm và nhắn tin trực tiếp, với giao diện tương đối đơn giản. Và dù ít khi được cập nhật, GroupMe vẫn là một trong những dịch vụ nhắn tin hàng đầu của Microsoft.

Trong những ngày đầu phát triển, GroupMe có tham vọng trở thành sự lựa chọn thay thế cho các ứng dụng như Telegram và WhatsApp, nhưng lại không được Microsoft chăm chút. Nó vẫn có một vài nhóm người dùng nhất định, bao gồm sinh viên đại học, đặc biệt tại Mỹ, những người tận dụng tính năng chat nhóm của nó để thực hiện các hoạt động trên lớp.

Microsoft Teams (2017)

Microsoft Teams là dịch vụ mới nhất tham gia vào cuộc đua tranh giành thị phần trên lĩnh vực làm việc từ xa. Nó là một không gian làm việc ảo, chứa mọi thứ liên quan đến hoạt động liên lạc, từ các không gian làm việc mở, khả năng chat với đồng nghiệp, đến tổ chức các cuộc họp trực tuyến. Microsoft có tham vọng biến Teams thành trung tâm của hoạt động làm việc nhóm trong thời đại mới, tích hợp nó vào nhiều dịch vụ Microsoft khác.

Teams chọn một hướng tiếp cận mới so với các giải pháp trước đây của Microsoft khi nhóm phát triển đã nghiên cứu rất kỹ về cách mà mọi người và các công ty làm việc từ xa. Teams không chỉ dành cho khách hàng doanh nghiệp mà còn đang hướng đến lĩnh vực giáo dục và người tiêu dùng sau khi đạt được mức tăng trưởng kỷ lục.

Trong chiến lược Microsoft 365, Teams được định vị là một công cụ quan trọng để thay thế Skype for Business và đẩy các công cụ doanh nghiệp khác về "hậu trường". Những tính năng mới được định kỳ giới thiệu nhằm mở rộng nền tảng, và lượng người dùng mỗi ngày cũng đạt mức hàng trăm triệu. Cùng với các đối thủ như Slack, Microsoft Teams đang tiếp tục sứ mệnh tái phát minh không gian làm việc vốn ngày càng quan trọng trong thế giới hiện nay.

Minh.T.T;(theo WindowsCentral)

Chủ đề khác