VnReview
Hà Nội

Smartphone giá rẻ từ Trung Quốc đang thách thức Apple trong cuộc chiến 5G tại Nhật Bản

Những chiếc smartphone Trung Quốc;giá rẻ được trang bị công nghệ 5G tốc độ cao đã gia nhập thị trường Nhật Bản. Cho đến nay, iPhone vẫn là lựa chọn phổ biến ở Nhật Bản do có chất lượng cao, nhưng sự thách thức từ các mẫu smartphone Trung Quốc có thể tạo ra một cuộc chạy đua về giá.

Các chiếc smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc đang thách thức Apple trong cuộc chiến 5G tại Nhật Bản

Thông qua SoftBank, nhà sản xuất Trung Quốc Xiaomi mới đây đã công bố Redmi Note 9T với giá 19.637 Yên (tương đương 4,2 triệu đồng) và lên mức 21.600 Yên (4,6 triệu đồng) nếu tính thêm thuế. Nếu đáp ứng một số điều kiện, chẳng hạn như ký hợp đồng mới với SoftBank và đăng ký giảm giá sinh viên, con số này giảm xuống chỉ còn 1 Yên (chỉ 200 đồng). Đây có thể được coi là chiếc smartphone 5G rẻ nhất tại thị trường này.

Một nhân viên tại một cửa hàng bán lẻ điện tử lớn ở Tokyo cho hay: "Những khách hàng thích sản phẩm mới đang đến cửa hàng để trải nghiệm thực tế thiết bị."

Redmi Note 9T được trang bị camera 48MP cùng con chip MediaTek Dimensity 800U (Đài Loan) thay vì các SoC Qualcomm Snapdragon (Mỹ). Chi phí sản xuất cũng giảm sâu hơn nữa khi thiết bị này chỉ sử dụng màn hình LCD.

Mãi đến cuối năm 2019, Xiaomi mới "nhảy vào" thị trường Nhật Bản. Theo Counterpoint Research, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông, Xiaomi đã xuất xưởng 145,8 triệu thiết bị trong năm 2020. Điều đó hoàn toàn trái ngược với mức giảm 20% của Huawei khi gã khổng lồ Trung Quốc này phải bán đi thương hiệu giá rẻ của mình nhằm cắt giảm sự ảnh hưởng từ những lệnh trừng phạt của Chính phủ Mỹ.

Với việc Apple phát hành dòng iPhone 12 của mình vào hồi mùa thu năm ngoái, mọi nhà sản xuất lớn giờ đây đều đã có những mẫu smartphone hỗ trợ 5G của riêng mình. Nhưng ngay cả chiếc iPhone 12 mini rẻ nhất cũng đã có mức giá 74.800 Yên (tương đương 15,9 triệu đồng) tại Nhật Bản. Trong khi đó, các thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc lại rẻ hơn rất nhiều.

Các chiếc smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc đang thách thức Apple trong cuộc chiến 5G tại Nhật Bản

Công ty nghiên cứu Fomalhaut Techno Solutions có trụ sở tại Tokyo đã mổ bụng chiếc smartphone Xiaomi Mi 10 Lite 5G, tiết lộ nhiều bí mật bên trong những thiết bị giá rẻ của nhà sản xuất Trung Quốc này.

KDDI đã bắt đầu bán ra mẫu smartphone này tại Nhật Bản từ tháng 09/2020. Ban đầu, thiết bị này có giá 38.854 Yên (khoảng 8,2 triệu đồng), nhưng sau đó, nó đã được giảm xuống còn 29.518 Yên (tương đương 6,3 triệu đồng).

Điều đầu tiên mà Minatake Kashio, Giám đốc Fomalhaut, chỉ ra là màn hình OLED 6,6 inch. Màn hình này do Samsung Electronics cung cấp, nhưng thay vì đế nhựa dẻo, nó lại sử dụng tấm nền thế hệ cũ chứa 3 vật liệu phát màu cơ bản trên đế thủy tinh.

Theo ước tính của Fomalhaut, màn hình này có giá khoảng 45 USD. Chất liệu thủy tính này có những nhược điểm riêng, chẳng hạn như dày và nặng hơn, nhưng lại rẻ hơn rất nhiều so với màn hình OLED sử dụng đế nhựa dẻo, vốn có giá khoảng 100 USD. Công nghệ này đắt hơn một chút so với con số 40 USD của màn hình LCD, nhưng mức giá này đã giảm trong những năm gần đây khi các công ty Trung Quốc tham gia thị trường.

Cùng với màn hình rẻ hơn, các SoC bên trong cũng giúp hạ giá thành thiết bị. Điện thoại của Xiaomi được trang bị con chip Snapdragon 765G của Qualcomm. "Trong số các sản phẩm của Qualcomm, đây là con chip tầm trung", Kashio cho biết và bổ sung thêm, dù không mạnh mẽ để thực hiện các tác vụ xử lý phức tạp, chẳng hạn như chạy những tựa game 3D, nhưng nó đủ tốt để đảm bảo nhu cầu sử dụng smartphone thông thường.

Bên cạnh đó, chi phí ăng-ten của thiết bị cũng không đắt hơn đáng kể so với những mẫu 4G, bởi chúng không hỗ trợ "mmWave", một chuẩn giao tiếp 5G siêu nhanh. Hiện tại, chỉ có Mỹ mới hỗ trợ mmWave, đồng nghĩa rằng iPhone 12 chỉ lợi thế hơn tại đây, do đó, Xiaomi không gặp bất lợi quá lớn ở Nhật Bản.

Các chiếc smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc đang thách thức Apple trong cuộc chiến 5G tại Nhật Bản

Trái ngược với Apple và Samsung, vốn luôn tập trung vào việc thiết kế sản phẩm của riêng họ, "các công ty Trung Quốc thường sử dụng những mô-đun giao tiếp có sẵn từ nhiều nhà cung cấp". Một công ty cung cấp lưu ý, các nhà sản xuất Trung Quốc thường luôn áp dụng những thiết kế có thể tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Những chiếc smartphone 5G mới chỉ xuất hiện từ năm 2019, thế nhưng, chi phí cho 5G giờ đây đã dần rẻ hơn. Theo Omdia, một công ty nghiên cứu tại Anh, trong số các smartphone 5G được xuất xưởng trên toàn cầu trong năm 2019, hầu như không có thiết bị nào có giá dưới 400 USD. Nhưng đến khoảng tháng 07/2019 – 09/2019, 50% mẫu smartphone trên thế giới đã chạm đến ngưỡng giá đó.

Kể từ quý 4 năm ngoái, doanh số các mẫu thiết bị cao cấp dự kiến sẽ tăng lên khi iPhone 12 được trình làng, thế nhưng, những nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi và Vivo đã tung ra các thiết bị có giá dưới 2.000 NDT (tương đương 7,1 triệu đồng), và số lượng những thiết bị giá thấp hơn mức đó xuất hiện ngày càng nhiều. Chẳng hạn, Realme, một công ty con của Oppo, đã giới thiệu chiếc smartphone V3, mẫu điện thoại có 5G với giá 999 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng), tại Trung Quốc. Đây chắc chắn là một mẫu smartphone 5G thấp cấp, nhưng lại có giá dưới 1.000 NDT.

Realme đã tự quảng cáo mình là công ty phổ biến 5G. Họ đang cố gắng tiếp cận người dùng trẻ tuổi cân nhắc nhiều đến mức giá cũng như những thị trường mới nổi bằng các thiết bị giá rẻ của mình. Tính đến cuối năm ngoái, các sản phẩm của Realme đã được bán tại hơn 60 quốc gia và khu vực, giúp sự hiện diện của công ty ngày càng tăng lên tại Đông Nam Á và cũng như những nơi khác. Công ty Trung Quốc này đã xuất xưởng 42,4 triệu chiếc điện thoại trong năm 2020, cao hơn 60% so với năm trước đó.

Các nhà cung cấp cũng đang mở rộng dòng sản phẩm của mình nhằm đáp ứng nhu cầu từ những nhà sản xuất Trung Quốc đối với điện thoại giá rẻ. Tháng 1 năm nay, Qualcomm đã công bố Snapdragon 480, một SoC dành cho những thiết bị thấp cấp, và là con chip đầu tiên trong dòng Snapdragon 400 hỗ trợ 5G.

Unisoc, một công ty con trực thuộc Tập đoàn Tsinghua Unigroup (Trung Quốc), đã thương mại hóa các SoC 5G của mình và được Hisense Group cùng những công ty khác áp dụng. Kaship cho hay: "Họ có thể cắt giảm nhiều chi phí hơn so với Qualcomm và MediaTek."

Theo Eiji Mori, một nhà phân tích tại BCN (Tokyo, Nhật Bản), thị phần của những chiếc smartphone 5G sẽ tăng lên.

Dẫu các thiết bị Android chiếm hơn 80% thị trường toàn cầu, nhưng Apple vẫn được ưa chuộng tại Nhật Bản, và chiếm chưa tới 50% thị trường. Nhưng các thiết bị Trung Quốc giá rẻ mới nhất có thể thay đổi thị trường smartphone Nhật Bản, và khoảng cách giữa những thiết bị Android đắt – rẻ sẽ ngày càng rõ rệt hơn.

Nhưng "ngay cả khi các thiết bị trở nên phổ biến hơn, vẫn có nhiều nơi chưa được phủ sóng 5G". Mori tiết lộ: "Ngoài ra, việc bảo trì trạm gốc cũng sẽ trở thành một vấn đề."

Với việc các thiết bị 5G ngày càng phổ biến, nhu cầu về nội dung video và game chất lượng cao dự kiến cũng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, kết nối này nhiều khả năng cũng sẽ được sử dụng trong thực tế ảo (VR). Việc cạnh tranh để phát triển và bán ra những thiết bị siêu nhanh này có thể tác động đáng kể đến sự phát triển của những ngành công nghiệp 5G mới khác.

Minh Hùng theo Nikkei Asia

Chủ đề khác