VnReview
Hà Nội

Huawei có cơ hội ở lại mảng smartphone nhờ thành quả mới của ARM

Nhờ cải tiến mới nhất trên kiến trúc v9 dành cho chip xử lý, Huawei có hy vọng tiếp tục được hợp tác với nhà thiết kế bo mạch bán dẫn ARM. Cụ thể, những tiến bộ mà ARM đạt được có nguồn gốc từ Anh và không nằm trong quy định xuất khẩu của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc.

Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho Huawei, nhà sản xuất smartphone sở hữu dòng chip Kirin tiến tiến được thiết kế bởi đơn vị bán dẫn HiSilicon, trong bối cảnh công ty đang phải vật lộn để ứng phó với các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Điều này đã khiến khả năng hoạt động của Huawei chững lại do bị hạn chế quyền tiếp cận với thành phần chip xử lý có sử dụng công nghệ của Mỹ.

Tuy nhiên, "sau khi đánh giá toàn diện, chúng tôi xác định rằng kiến trúc chip ARM v9 không thuộc phạm vi hiệu lực của Quy định Quản lý Xuất khẩu Mỹ", Ian Smythe, Phó chủ tịch mảng Giải pháp tiếp thị của ARM cho biết trong một sự kiện truyền thông ở Bắc Kinh hôm 31/3. Ông cho biết ARM đã gửi đi đánh giá của mình đến các tổ chức liên quan trực thuộc chính phủ Mỹ.

ARM là công ty chuyên kinh doanh các thiết kế bộ vi xử lý và cấp phép hướng dẫn mã điều khiển bo mạch cho các đối tác như Apple, Samsung hay Qualcomm. Công nghệ của ARM có sức lan tỏa rất lớn trong ngành công nghiệp di động nói chung và còn có chỗ đứng vững chắc ở một số thị trường như máy tính cá nhân hay máy chủ trung tâm dữ liệu.

Ngay sau khi ra mắt vào ngày 30/3, phát ngôn viên của ARM cho biết công ty thiết kế chip HiSilicon của Huawei có thể dựa trên kiến trúc v9 để tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên người này không khẳng định tập đoàn viễn thông Trung Quốc sẽ quay lại hợp tác với ARM.

Bước tiến mới này có thể xoa dịu và tạo hướng đi mới cho Huawei trong bối cảnh cấp bách hiện nay. Năm 2019, công ty bị liệt vào danh sách đen thương mại của Washington. Tính đến nay Huawei đã có 2 năm vật lộn chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài chất bán dẫn, hãng còn bị hạn chế khả năng sử dụng dịch vụ, phần mềm từ các nhà cung cấp Mỹ nếu không có sự đồng thuận từ phía chính phủ nước này.

Sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, ARM đã tuân thủ và ngừng kinh doanh với công ty Trung Quốc. Những đánh giá toàn diện của ARM có thể giúp Huawei khôi phục các hoạt động chuỗi cung ứng bị gián đoạn trước đó của mình.

Trong một cuộc họp nội bộ gần đây, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Ren Zhengfei cho biết công ty đang phải tận dụng các thành phần linh kiện "hạng ba" để sản xuất các sản phẩm cao cấp trong tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Ngoài việc không được tiếp cận với các thiết kế chip xử lý cao cấp, Huawei còn phải bán thương hiệu điện thoại con Honor cho một tập đoàn liên doanh trong nước vào tháng 11 năm ngoái nhằm đưa thương hiệu này thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đối với ARM, kiến trúc v9 được xem như thành tựu công nghệ lớn trong thập kỷ qua. Đặc biệt hơn cả, nó giúp ARM tiến xa hơn vào các thị trường do Intel thống trị.

Dù là tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất toàn cầu hiện nay, vị thế của Intel đang bị lung lay bởi nhiều đối thủ mạnh như Amazon, AMD hay cả đối tác lâu năm Apple – tất cả đều dựa trên nền tảng của ARM để thiết kế chip cho riêng mình. Với việc ra mắt kiến trúc mới, ARM càng củng cố thêm tên tuổi trên thị trường, đồng thời cung cấp cho khách hàng những công cụ để cạnh tranh với Intel.

Hiện tại, công ty thiết kế chip có trụ sở tại Cambridge, Anh đang bổ sung khả năng xử lý máy học cho kiến trúc mới, một bộ phận quan trọng trong công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Các tính năng bảo mật đi kèm giúp khóa dữ liệu và mã hóa nhiều hơn cũng được tập trung phát triển.

Kiến trúc ARMv9 hứa hẹn tăng hiệu suất lên 30% cho 2 thế hệ vi xử lý tiếp theo có trên thiết bị di động và máy chủ dữ liệu. Hãng cho biết việc đổi mới giúp hỗ trợ, phổ biến các khả năng tính toán ra ngoài loạt sản phẩm đang sử dụng chip xử lý dựa trên kiến trúc của ARM.

Nhờ đó, hàng nghìn thiết bị đồ gia dụng kết nối Internet (IoT - Internet of Things) có thể thực hiện nhiều chức năng mới thông qua cải tiến bổ sung phần cứng, phần mềm và dịch vụ liên quan đến AI. Mục tiêu của ARM là phủ sóng công nghệ của mình lên mọi sản phẩm IoT chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực smartphone, máy tính và máy chủ.

"Khi hướng đến một kỷ nguyên AI, chúng tôi phải đặt nền tảng máy tính tiên tiến lên hàng đầu để sẵn sàng giải quyết những thách thức thú vị sắp tới", Giám đốc điều hành của ARM Simon Segars cho biết. Hiện tại, đơn vị chủ quản Softbank đang chuyển nhượng ARM cho tập đoàn chuyên phát triển bộ xử lý đồ họa GPU NVIDIA với giá 40 tỷ USD.

Song thỏa thuận đang chờ được cơ quan quản lý thông qua. Theo;Bloomberg, các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc NVIDIA đề nghị mua lại ARM vì đơn vị này có khả năng buộc ARM ngừng quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng ARM sẽ trở thành quân tốt chiến lược mới trong bàn cờ giành lấy vị trí dẫn đầu về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngọc Diệp theo SCMP

Chủ đề khác